Cô xẩm (Phần một)

21/01/2007 00:00

Trời ngả về chiều, chợt nhớ ra mình còn phải qua một bến phà, nên tôi tăng tốc, mải miết guồng. Chiếc xe bon bon trên đường, xích líp kêu ro ro. Đây là con đường tôi đi lần đầu, cảnh quan núi non lại rất đẹp, mải ngắm phong cảnh, tôi không còn chú ý đến thời gian, để bây giờ không đi nhanh về đến nhà thì tối. Tôi đạp đến vã mồ hôi, chiếc xe nhẹ là thế mà sao giờ nặng như có người ngồi đằng sau.

      Từ xa tôi trông thấy vẫn còn người xuống phà, nhưng thật không may, tôi vừa chạm rào chắn kéo ngang, cũng là lúc phà gõ chuông rời bến. Chỉ chậm vài phút mà tôi thành người chờ đầu tiên của chuyến sau. Tôi dựa xe đứng thở, ngày chóng hết thật, trước khi đi tôi đã được báo trước là ở cái bến phà Rừng này chờ một chuyến khá lâu, một hai tiếng là chuyện thường. Tôi tự trách mình giá đừng la cà dọc đường, về nhanh vài phút thì đâu đến nỗi. Thôi đến đâu hay đến đó. Tôi vào quán làm một bát bún cho đỡ đói, ăn xong bà chủ mời một cốc nước chè tươi đặc, nhấm nhí cái kẹo lạc. Tôi bắt đầu quan sát bến này, nó chả rừng một chút nào. Nó quang đãng như mọi bến khác, cũng hai dãy quán thưa thớt bên đường, hàng họ lèo tèo dăm thứ, vừa bán nước vừa bán bún. Tôi quay vào nói chuyện phiếm với bà chủ quán. Trong quán lúc này chỉ có tôi và một người phụ nữ có tuổi. Cô ta ngồi đó từ trước, đối diện, nhưng tuyệt nhiên không nói với tôi một câu nào. Sự im lặng ấy làm tôi chú ý, thi thoảng tôi lại lén đưa mắt nhìn. Đó là một người khó đoán tuổi chính xác, cô ta trông mảnh mai chứ không phải người gầy khô cằn. Khuôn mặt bánh lá nên những nếp nhăn do thời gian ít để lại dấu ấn. Vành môi rõ nét hình trái tim, sống mũi thẳng, lông mày cong gọn. Cô đeo chiếc kính râm nhẹ, nhìn vào vẫn còn thấy rõ hàng mi chớp chớp, mặc dù đôi đồng tử có vẻ như bất động. Tôi không có cảm giác đó là một người mù, bởi nhìn vào mắt người mù ta chỉ thấy một màu đen đặc xịt, đen thảm hại, đen bất tận.
      Bến đã đông dần, cô thong thả đứng lên tới gần chỗ bà chủ quán để quang gánh xô thùng thúng mủng, lấy từ trong đó một cây nhị (hóa ra là một người hát rong) rồi nhẹ nhàng quen thuộc đi thẳng ra cửa về phía giáp ranh hai quán. Ở đó đã có sẵn chiếc ghế đẩu, cô ngồi xuống dạo lên một điệu nhạc đặc trưng cho hát xẩm. Hai chân bắt chéo vào nhau, mặt hơi nghiêng nghiêng, dáng ngồi đài các, cô không giống những người hát xẩm tôi đã gặp, có lẽ do cách phục sức của cô chăng? Búi tóc cao dầy, gọn gàng sau gáy, mái tóc lượn sóng tự nhiên vài sợi rủ xuống quanh khuôn mặt. Chiếc áo cánh phin nõn trắng, may kiểu thành thị rất vừa vặn. Đôi tay mới đẹp làm sao, đôi tay như mách bảo tôi rằng: Đây không phải là người hát xẩm lam lũ chuyên nghiệp. Nhìn cô, tôi lại liên tưởng tới một nụ hồng đã khô nhưng vẫn giữ nguyên cái dáng chúm chím ban đầu. Cô nhất định là một người thành phố chính cống. Không những thế, mà cô còn biết mình đẹp nữa. Cứ bằng vào cử chỉ, phong cách, đã toát lên một con người đàng hoàng tự tin vào sắc đẹp của mình. Một giọng nói ồm oàm cắt ngang luồng suy nghĩ của tôi:
      - Cái nhà chị này! Ngồi né né sang kia cho người ta nhờ với!...
      - Hát đi cô xẩm ơi! Hát cái tích gì hay hay vào... Phà còn lâu mới tới...
      Cô hắng giọng rồi cất tiếng hát:
      - Ơ... ơ... ơ... mải chơi... để lỡ chuyến đò...
      Ngẩn ngơ trách bến oán bờ giận sông... ơ... ơ...ơ...
      Giọng cô trong cao, thu hút ngay sự chú ý của những người quanh đấy. Vốn giàu óc tưởng tượng, tôi gán ngay cho cô có một nỗi trắc ẩn gì đó đang gửi gắm vào câu hát. Tôi không còn nghe rõ cô hát những gì sau đó, láng máng bóng gió như là tình duyên ngang trái, nuối tiếc giận hờn, cho cái điều “biết thế”. Cái điều “biết thế” thật chua xót cho cả cô, cho cả tôi và cho cả những ai đã có thời để lỡ:
                              Mải chơi để lỡ chuyến đò
                              Ngẩn ngơ trách bến oán bờ giận sông.
      Nhiều người đã cho cô tiền. Cô không hề ngừng hát để xin, và cũng không cần biết người ta có cho hay không. Ông xe thồ lúc trước gạt tôi sang bên để ngồi chen vào, vừa nghe vừa xuýt xoa: “Hát thế mới là hát chứ! Văn công trên tỉnh cũng không bằng...” Cô ta còn hát nhiều bài nữa, lời nào tôi nghe cũng lạ tai, trừ mấy câu vọng cổ trong vở Lan và Điệp.
      Không hiểu tôi có duyên nợ với cô xẩm từ kiếp trước hay sao, mà câu hát và hình ảnh của cô cứ ám ảnh, bám chặt lấy tôi. Tôi đã tự hứa với mình sẽ có một ngày về lại bến phà Rừng. Tìm hiểu ngọn nguồn gia cảnh cô xẩm cho thỏa trí tò mò. Thế mà mãi năm năm sau, tôi mới có dịp quay lại, nhưng cô xẩm của tôi không còn ở đó. Tôi lân la dò hỏi, tìm đến cái quán của bà Tư bún riêu mà trước cô xẩm ở nhờ. Cũng chính là cái quán tôi đã gặp cô năm năm trước. Tôi vào quán làm một bát bún, vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon, khen rẻ để bắt chuyện. Bà Tư rất xởi lởi và mau mồm miệng, đúng là một bà tốt bụng. Khi tôi hỏi thăm đến cô xẩm bà chép miệng: Cô ấy vào Sài Gòn hơn năm nay rồi... Người ta sướng khổ cũng đều có số cả. Ai nắm tay tới sáng mà biết cuộc đời trôi nổi ra sao. Cô ấy hiền lành, nết na, giời cũng có mắt! Ăn nhau ở như hậu vận...
      Một buổi chiều sông nước mêng mang (theo như lời bà Tư kể), bến phà vắng người. Đã ba hôm liền, có một người phụ nữ cứng tuổi, dắt theo một cháu nhỏ chừng lên sáu lên bảy, con bé thì đúng là dân vùng này. Họ cùng nhau ra kè đá ngồi chơi chuyện trò, có khi xâm xẩm mới về. Bao giờ người phụ nữ cũng mua quà cho con bé, khi gióng mía khi cái bánh đa hay mấy cái kẹo dồi lạc, bác bác cháu cháu ríu rít. Người đàn bà không được tinh tường cho lắm, trông rõ đẹp mỏng mày hay hạt, nói giọng Hà Nội nhẹ nhàng dễ nghe. Một lần thấy hai bác cháu vào quán mua quà, bà Tư mời người phụ nữ chén nước, rồi đon đả hỏi chuyện con bé:
      - Mày con cái nhà ai trong làng thế? – Rồi bà quay sang nói với người phụ nữ – Bác chắc mới về chơi vùng này?...
      - Vâng! – Người bác đỡ lời cho cháu – Cháu con mẹ Xuân, Xuân An ấy mà.
      - Thế thì tôi biết rồi! Tưởng ai, chứ cái nhà cô Xuân thi thoảng vẫn ra quán tôi mua rượu cho chồng. Gớm đôi này tham công tiếc việc lắm, chồng đi te, vợ vác dậm theo sau, cấm lọt đi đâu tí nào.
      Bẵng đi mấy hôm, cô Xuân trong làng Hạ dẫn người chị họ và cây nhị ra quán bà Tư. Xin cho chị ngồi nhờ quán của bà, để chị hát giúp vui phục vụ khách chờ phà. Chiều tối đứa con gái lớn của cô em làng Hạ ra đón về, sáng thì đứa út đưa ra. Được ít lâu cô xẩm mua một gian nhà tít tận cuối bến để ở, ngày ngày vẫn dò dẫm ra quán bà Tư ngồi hát, cơm cháo cô nhờ cả vào bà. Cô xẩm tính tình kín đáo. Mãi sau này chắp nhặt chuyện của người trong làng ăn quán, cả khi cô đã vào Nam, người em làng Hạ ra chơi, bà mới biết tường tận về cô. Sao có người hồng nhan phận bạc đến thế!

*
*    *

      Chiến thắng Điện Biên. Hà Nội háo hức chờ đón hòa bình lập lại. Gia đình ông phán Lâm cửa đóng im ỉm. Họ chuẩn bị đóng gói vào Nam, mặt ai nấy buồn rười rượi. Nhất là cô Oanh con gái cả của ông bà, nước mắt lúc nào cũng vòng quanh. Bà cụ sinh ra ông phán tuổi đã cao, mắt lòa chân chậm, cụ nhất định không đi, cụ bảo chịu sao nổi đoạn đường xa xôi như thế. Nếu mà chết dọc đường, dù là còn ngắc ngoải, họ cũng vất xuống sông xuống biển mất xác. Thôi thì đằng nào cũng chết, chết ở quê nhà còn mồ còn mả. Qua hai năm hiệp thương, con cháu có về còn có chỗ thắp hương, còn nắm xương mà thay áo báo hiếu cha mẹ. Cô Oanh thương bà nội lắm, cô xin với bố mẹ cho cô ở lại chăm sóc bà, hai năm cũng nhanh thôi. Nhưng còn một lý do nữa cô không thể nói ra, vì cô hy vọng gặp lại người bạn trai, bỏ nhà trốn ra chiến khu theo cách mạng, trước lúc chia tay, họ đã hò hẹn sống chết có nhau, đính ước đợi chờ. Anh nói với cô nhiều lắm, còn chép hẳn một bài thơ vào sổ cho cô như một lời tuyên thệ thể hiện chí khí anh hùng:
                           ...“Một giã gia đình một dửng dưng...
                           ... Chí lớn không về bàn tay không
                           Thì không bao giờ nói trở lại
                           Ba năm mẹ già cũng đừng trông
                           Em thà coi như là hạt bụi...”
      Có trời cao đất rộng và thi sỹ Thâm Tâm, tác giả bài thơ, chứng giám cho lòng người anh hùng, xả thân vì nghĩa lớn. Cô gái trẻ dâng trọn trái tim cho thần tượng của mình, nguyện chung thủy chờ đợi, dù có hết kiếp này thì chờ sang cả kiếp sau. Cô chờ anh mãi mãi...
      Miền Bắc hoàn toàn giải phóng đã hơn hai năm, chính thể Ngô lật mặt không chịu hiệp thương, thế là Nam – Bắc phân ly chưa biết đến bao giờ. Bà nội mất, chị sen xin về quên. Căn nhà rộng thênh thang còn có mình Oanh ra vào thui thủi, đồ đạc bán dần đi ăn. Cô xin vào tổ đan len, sinh hoạt đoàn thể thanh niên khối phố, nhất định phấn đấu tu dưỡng, để xứng đáng với người hùng của cô. Nhờ sự bạn bè giới thiệu, cô quen được một ông giám đốc xí nghiệp nhỏ. Ông người Đà Nẵng tập kết ra Bắc. Cùng cảnh ngộ xa cách gia đình nên ông thương cô lắm, thi thoảng ông lại đến chơi. Chú cháu chuyện trò tâm đắc. Ông có tiêu chuẩn mua hàng ưu tiên mà ông chẳng biết làm gì, ông đưa tất cho cô quản lý. Ông coi cô như con, mà cũng như một người bạn tâm giao, chia sẻ cùng ông vui buồn lo lắng. Cho ông ghé nhờ mái ấm gia đình để hai người nương tựa vào nhau. Cho ông vơi nỗi nhớ vợ thương con. Ông xin cho cô vào cơ quan ông làm văn thư. Cho cô đi học gấp một khóa đào tạo đánh máy, mà cũng vừa làm vừa học. Cuộc sống tạm thời yên ổn, nhưng cô vẫn không nguôi nhớ tới Lâm, người bạn trai hẹn ước năm nào. Bạn bè ra chiến khu độ ấy, hầu như họ đã về thành cả, cô đã dò hỏi người này người nọ không ai biết nhiều về anh. Họ chỉ biết thời gian đầu anh ở trong đội tuyên truyền, đánh đàn măngđôlin vê ròn như thóc rang, hát hay vẽ giỏi, nhiều cô chết mê chết mệt. Sau này ta mở chiến dịch, họ phân tán theo các đơn vị chiến đấu. Nghe đâu anh ấy trong ban chính trị hậu cầu. Mà hình như đã chuyển ngành rồi thì phải.
      Rồi họ cũng gặp nhau. Một chiều chủ nhật, ngay tại bến xe điện Bờ Hồ, Oanh thấy dáng người đứng trước mình quen quen. Linh tính mách bảo, Oanh vượt lên mặt đối mặt. Trời ơi! Thật hay mơ! Lâm của cô đây rồi, họ nhìn nhau không chớp mắt, tay trong tay chẳng nói lên lời. Nước mắt Oanh cứ trào ra, rồi không nén được, cô rút tay khỏi tay Lâm đang run lên nắm chặt, cô ôm mặt nức nở. Nước mắt cứ chảy dài cho ngày gặp mặt. Oanh ngây ngất như mê đi trong niềm hạnh phúc, cô không nhớ bằng cách nào mà họ về được đến nhà. Giờ đây chỉ có hai người với nhau, trong căn nhà đầy ắp những kỷ niệm. Họ kể cho nhau nghe những biến đổi của tháng năm xa cách mong đợi nhớ thương. Lâm đã chuyển ngành, phụ trách công đoàn của một nhà máy lớn thuộc tỉnh Thái Nguyên. Về Hà Nội họp, sáng nay được nghỉ tranh thủ đi chơi và cũng có ý tìm kiếm Oanh. Ông chú Đà Nẵng tới, cô giới thiệu với Lâm đây là ân nhân của cô trong những ngày đầu khó khăn.
      - Chú coi em như con, cho em đi học đánh máy. Xin cho em vào làm văn thư trong xí nghiệp của chú. Chú ơi! Còn đây là Lâm, mà đã nhiều lần cháu kể với chú về anh ấy. Chú ấy cũng là bộ đội chuyển ngành anh ạ!
      Ông chú đưa tay bắt tay Lâm rất thân tình, vui như chính mình gặp lại người thân. Oanh ríu rít chuyện trò với cả hai người. Lâm thì có vẻ dè dặt thăm dò và không được tự nhiên cho lắm.

Truyện của Đoàn Thị Tảo