Giới thiệu Luật Cư trú (Phần một)

02/01/2007 00:00

Luật Cư trú gồm 6 chương, 42 điều, có hiệu lực thi hành từ 1.1.2007.

      Phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm hai nội dung chủ yếu là quyền tự do cư trú của công dân và việc đăng ký, quản lý cư trú.
      1. Quyền tự do cư trú của công dân
      Quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Luật Cư trú là việc công dân có quyền tự mình lựa chọn, quyết định nơi thường trú, nơi tạm trú theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
      Quyền tự do cư trú của công dân còn được thể hiện bằng việc công dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cho họ. Vì vậy, Điều 3 đã quy định:
      “Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú, thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú.
      Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định”.
      2. Nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú
      Điều 4 quy định rõ về nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú:
      Bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích của công dân, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và xã hội, trình tự, thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú phải đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, không gây phiền hà; Việc quản lý cư trú phải đảm bảo hiệu quả; Mọi thay đổi về cư trú phải được đăng ký; Mỗi người chỉ được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú một nơi.
      Nguyên tắc này là tư tưởng chỉ đạo, xuyên suốt cho việc cư trú của công dân cũng như công tác quản lý cư trú của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
      3. Bảo đảm điều kiện thực hiện quyền tự do cư trú và hoạt động quản lý cư trú
      Điều 5 khẳng định, quyền tự do cư trú của công dân được Nhà nước bảo đảm. Mọi hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân xâm phạm đến quyền tự do cư trú của công dân đều bị xử lý nghiêm minh. Trong điều này, Luật cũng đã thể hiện rõ sự quan tâm của Nhà nước đối với hoạt động quản lý cư trú, bằng các bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, nguồn lực, đầu tư phát triển công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Việc quan tâm về nguồn lực cũng như về vật chất của Nhà nước cho hoạt động quản lý cư trú cũng có nghĩa là phục vụ tốt cho việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân. Tới đây, Bộ Công an sẽ phải xây dựng đề án cụ thể về bảo đảm nguồn lực, đầu tư phát triển công nghệ áp dụng trong công tác quản lý cư trú để trình Chính phủ xem xét, quyết định.
      4. Các hành vi bị nghiêm cấm
      Điều 8 quy định cụ thể 9 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, để áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhằm bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân được thực hiện nghiêm chỉnh, không gây phiền hà trong khi thực hiện việc đăng ký thường trú, tạm trú hoặc thông báo lưu trú; Đồng thời, cũng bảo đảm cho công tác quản lý cư trú đạt hiệu quả cao.
      5. Quyền và trách nhiệm của công dân về cư trú
      a. Quyền của công dân về cư trú
      Theo quy định tại Điều 9, công dân có các quyền về cư trú sau đây:
      Lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình phù hợp với quy định của Luật này và các quy định của pháp luật khác có liên quan; Được cấp, cấp lại, đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú; Được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền cư trú; Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền cư trú của mình; Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Điều 10 cũng chỉ rõ một số trường hợp công dân bị hạn chế quyền tự do cư trú, đó là: Người bị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; Người bị tòa án áp dụng hình phạt cấm cư trú; Người bị kết án phạt tù chưa có quyêæt định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; Người đang bị quản chế; Người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành.
      b. Trách nhiệm của công dân về cư trú
      Chấp hành các quy định của pháp luật về cư trú; Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, ngời có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, tài liệu đã cung cấp; Nộp lệ phí đăng ký cư trú; Xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu; Báo ngay với cơ quan đã đăng ký cư trú khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú bị mất hoặc bị hư hỏng.
      6. Nơi cư trú của công dân
      Nơi cư trú của công dân có ý nghĩa quan trọng, là yếu tố không thể thiếu để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú. Điều 12 quy định nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú; Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống, nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú; Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
      Chỗ ở hợp pháp là một trong những điều kiện cần thiết để công dân được đăng ký cư trú. So với các quy định về cư trú, Luật Cư trú có một số điểm mới: Quy định chỗ ở hợp pháp theo hướng rộng hơn, bao gồm “nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú”. Nhà ở được coi là chỗ ở hợp pháp cũng được quy định rộng hơn, có thể là nhà thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở theo quy định của pháp luật.
     Thực tế có nhiều trường hợp người đi thuê hoặc ở nhờ nhà của người khác nhưng lại có hành vi gây tranh chấp dân sự với chủ nhà (như đòi được chia nhà...) làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nhà, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự. Để khắc phục tình trạng này, Điều 19 và Điều 20 quy định: đối với trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nhà của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Điều đó có nghĩa là, nếu chủ nhà không đồng ý cho người ở nhờ, thuê nhà, mượn nhà được đăng ký thường trú, thì không được cơ quan có thẩm quyền giải quyết đăng ký thường trú.
      Đối với trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nhà của Nhà nước, của các tổ chức chuyên kinh doanh nhà thì không cần phải có sự đồng ý của chủ nhà; Bởi vì, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì Nhà nước, các tổ chức chuyên kinh doanh nhà, khi đã cho người khác mượn, thuê, cho ở nhờ nhà phải làm hợp đồng. Nội dung của hợp đồng này đã thể hiện sự đồng ý cho đăng ký thường trú vào ngôi nhà đó.
      Quy định như trên của Luật Cư trú là nhằm bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân và đơn giản hóa thủ tục đăng ký thường trú.

Theo tài liệu VP Chủ tịch Nước
(Còn nữa)