Tranh sơn mài nhìn từ góc độ hình thức- chất liệu - kỹ thuật

31/12/2006 00:00

Nếu nói về tranh sơn mài, danh họa Tô Ngọc Vân trong bản thuyết trình tại Hội nghị Văn hóa cứu quốc năm 1948 đã đặt ra câu hỏi và tự trả lời: “Dư luận Châu Âu thắc mắc hỏi: Hội họa nên hướng về đâu? Chúng tôi đáp: Nên hướng về Việt Nam. Hội họa thế giới theo ý chúng tôi sẽ thấy lối cải sinh cho mình trong tranh sơn mài”.

     

      Một dự báo thiên tài. Sau 58 năm tranh sơn mài đã thực sự góp phần làm rạng rỡ trang mỹ thuật hiện đại Việt Nam, được bạn bè tôn vinh là quốc họa của nghệ thuật hội họa Việt Nam. Thực tiễn sáng tác tranh sơn mài của các thế hệ họa sỹ tâm đắc không ngừng hoàn thiện mỹ thuật tranh sơn mài Việt Nam đã góp cho hội họa thế giới một chất liệu mới, một thể loại mới có tên gọi TRANH SƠN MÀI.
      Nghề sơn với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nói rộng ra là sản phẩm, tác phẩm trang trí đã hiện diện trong các cung đình, lăng tẩm, đình chùa, miếu mạo... như hoành phi, câu đối, bệ thờ, tượng chùa, ngai vàng, bài vị, hương án, đài dâng lễ, bát hương, mâm bồng, chân nến, lẵng hoa, mõ chùa và nhiều đồ gia dụng trong cung và nhà dân làm bằng chất liệu sơn nổi tiếng từ trước công nguyên ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam. Nghề sơn mài Việt Nam với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo đã có một truyền thống lâu đời. Trong đền chùa thời Lý (thế kỷ XI có thể còn sớm hơn) đã hiện diện sản phẩm làm bằng sơn khá tinh vi... có nhiều làng nghề nổi tiếng như làng Đình Bảng với kỹ thuật pha chế sơn then, làng Bình Cầu, Lam Cầu với kỹ thuật sơn đồ thờ cúng...
      Còn tranh sơn mài mãi đến năm 1930, sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thế hệ họa sỹ đầu tiên của lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam mới khám phá sáng tạo thông qua kỹ thuật mài. Chất liệu sơn truyền thống với kỹ thuật mài được coi như một bước đột biến làm phong phú hình thức tạo hình chất liệu sơn mài có tên gọi TRANH SƠN MÀI...

      Nói đến hình thức nghệ thuật, không thể không nói đến chất liệu, kỹ thuật... Tuy chúng chỉ là phương tiện, song không có nó, khó tạo nên những hình thức nghệ thuật mới. Mỗi chất liệu có vẻ đẹp đặc thù và luôn đòi hỏi một kỹ thuật riêng, đòi hỏi họa sỹ phải làm chủ chất liệu và tinh thông kỹ thuật. Với chất liệu sơn mài như danh họa Tô Ngọc Vân đã khẳng định: Thể chất lộng lẫy... là thỏa lòng nghệ sỹ khát khao đi tìm một phẩm chất mới, ngon mắt và xúc động hơn sơn dầu. Thể chất sơn cánh dán, sơn then, vàng bạc ở sơn mài đằm thắm, sắc nhị âm vang, sâu rộng rung tới tận đáy lòng người xem. Không một màu đỏ nào của sơn dầu đứng cạnh màu sơn của sơn mài mà không bị tái nhợt. Chưa thấy một màu đen nào của sơn dầu đặt cạnh màu đen của sơn mài mà lại không bạc và trơ...
      Sơn mài có sắc phẩm, có phẩm chất đủ năng lực để làm tan các mâu thuẫn giữa hình sắc, mâu thuẫn đã có từ non thế kỷ. Sơn mài, một ngành hội họa mới do tay người Việt Nam dựng lên, sẽ đem lại cho thế giới hội họa sự điều hòa hình – sắc – chất đang mong đợi và sự điều hòa những khuynh hướng trái ngược nhau...

      Đó chính là vẻ đẹp đặc thù và tiềm năng diễn hình, màu thông qua kỹ thuật mài. Mỗi một chất liệu đều có một vẻ đẹp và đặc thù như: chất liệu lụa với kỹ thuật nhuộm rửa làm sao khoe được cái óng ả, nhung mịn, thớ dọc, gạch ngang đã trở thành một tên gọi, một thể loại hội họa TRANH LỤA. Còn chất liệu sơn với vẻ đẹp lộng lẫy của vàng son với kỹ thuật đắp – gắn... làm nên sản phẩm trang trí, mỹ nghệ. Còn chất liệu sơn với kỹ thuật phủ sơn, dát vàng bạc, gắn vỏ trứng với kỹ thuật mài, mài là vẽ, là thể hiện mới làm nên tác phẩm hội họa có tên độc đáo TRANH SƠN MÀI.

      Tựu chung nghệ thuật tranh sơn mài của chúng ta đã từng bước hoàn thiện mình. Chúng ta thực sự đã có một trang sử đẹp về tranh sơn mài với nhiều thế hệ và nhiều xu hướng, khuynh hướng, hình thức, phong cách nghệ thuật. Mỗi một thế hệ họa sỹ sơn mài đều có một quan niệm, một cách tiếp cận hiện thực dân tộc, và chất liệu kỹ thuật, chất liệu sơn ta riêng.
      Nếu như một thế hệ họa sỹ Trường Mỹ thuật Đông Dương có công lớn mở đường sáng tạo ra kỹ thuật mài, tìm ra được gam lạnh: xanh – lam mà vẫn giữ được sâu thăm thẳm của màu sơn mài làm cho bảng màu sơn mài  ngày một phong phú hơn. Cùng với thủ pháp tả: tả ánh sáng, tả chất, tả khối... coi như hoàn thiện quy trình – quy tắc sáng tác tranh sơn mài theo tiêu chí thẩm định: Phẳng – Bóng – Trong và độ sâu thăm thẳm của màu. Thiếu nữ bên hoa Phù dung (1944), Mùa xuân thiếu nữ (1943), của Nguyễn Gia Trí; Nghỉ chân bên đồi (1954) của Tô Ngọc Vân; Tát nước đồng chiêm (1958). Mùa đông sắp đến của Trần Văn Cẩn, Nhớ một chiều Tây Bắc (1955) của Phan Kế An; Gióng (1990), Điệu múa cổ (1986) của Nguyễn Tư Nghiêm... là những tác phẩm thuộc dòng nghệ thuật hiện thực biết phát huy vẻ đẹp đặc thù của chất liệu sơn mài.
      Các thế hệ họa sỹ sơn mài tiếp theo một mặt vẫn phát huy xu hướng nghệ thuật hiện thực nhưng là một hiện thực mới, biết tiếp thu các yếu tố tạo hình của chủ nghĩa hiện đại. Đồng thời phát huy vẻ đẹp đặc thù của chất liệu sơn mài theo xu hướng chất liệu truyền thống, hình thức hiện đại. Song, không ít họa sỹ trẻ không bằng lòng với khuôn mẫu cũ. Các tác phẩm của họ tham dự triển lãm Việt Nam hay triển lãm cá nhân trong và ngoài nước không chỉ là mài phẳng mà còn đắp nổi, gắn đá, đồng xu, chằng dây, thậm chí gắn cả một đầu rồng trên mặt vóc... Những kỹ thuật đó dù muốn hay không đã tạo được cái lạ, cái mới... nhưng trở thành một dạng khác, một chất liệu tổng hợp và không còn là tranh sơn mài nữa.
      Có một thế hệ họa sỹ tâm huyết với nghệ thuật sơn mài trưởng thành trong 30 năm đất nước đổi mới, mở cửa, hội nhập thường xuyên công bố tác phẩm sơn mài trong các triển lãm chung, nhất là triển lãm nhóm và cá nhân trong và ngoài nước như: Mai Hiên, Đoàn Thu Hương, Trần Thị Doanh, Công Kim Hoa... Đông đảo hơn là các nam tác giả như: Công Quốc Hà, Đinh Quân, Vũ Thăng, Nguyễn Thiện Đức... đều biết khai thác nét tinh hoa của chất liệu sơn mài truyền thống và hình thức theo kênh tạo hình của chủ nghĩa hiện đại, nhất là các yếu tố tạo hình như: Lập thể ấn tượng, tượng trưng, biểu hiện siêu thực, biểu hiện trừu tượng và trừu tượng. Đó là một hướng đi đáng trân trọng, tìm cho được những hình thức nghệ thuật sơn mài mới, đúng với thời đại mình đang sống, tạo dựng một phong cách nghệ thuật của thế hệ mình. Một thế hệ đã và đang sống trong thế kỷ XXI.
      Tranh sơn mài hôm nay đã mở ra một trang mới không thể đứng ngoài xu thế sáng tác mỹ thuật chung trong và ngoài nước. Có điều tranh sơn mài phải là tranh sơn mài theo tiêu chí: Phẳng – Bóng – Trong và sâu thăm thẳm của màu, đúng với cảm quan của thời đại và dân tộc.

Nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo