Cứ gõ, cửa sẽ mở

30/12/2006 00:00

Đứng trước những cam kết khi mở cửa thị trường cho hàng nước ngoài, cho các nhà phân phối nước ngoài khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa lo ngại sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài “ẵm” phần lớn thị phần, nhưng thực tế không diễn ra như nhiều doanh nghiệp lo ngại.

      Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Thương mại, Trần Quốc Khánh cho rằng trong những cam kết về hàng hóa, dịch vụ, cung ứng dịch vụ mà doanh nghiệp nước ngoài được phép thực hiện ở Việt Nam, thì các nhà phân phối, bán lẻ muốn mở thêm điểm bán lẻ thứ hai trên lãnh thổ Việt Nam phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước. Số lượng các nhà bán lẻ vào Việt Nam còn phụ thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cách đây 10 năm, chúng ta không thể nghĩ đến sẽ có Parkson, Metro hay BigC như bây giờ, chỉ khi trình độ kinh tế phát triển đến một mức độ nào đó, sức mua của dân cư tăng lên, xuất hiện những nhóm dân cư đủ điều kiện tiêu thụ được hàng hóa thì mới xuất hiện các nhà bán lẻ lớn. Các nhà bán lẻ trong nước vẫn có rất nhiều cơ hội tại “sân nhà”. 
      Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước phải “xốc lại” hệ thống phân phối, phương pháp kinh doanh và đa dạng hóa loại hình dịch vụ. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế, và theo thành phần kinh tế, từ năm 1994, ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài  đạt 446 tỷ đồng, chiếm 0,5%, nhưng đến năm 2005 con số này là hơn 18 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 4%. Tuy chiếm tỷ lệ % lớn, nhưng doanh thu có xu hướng giảm, trong khi khu vực kinh tế nước ngoài đang lớn mạnh và có khả năng chiếm tỷ trọng lớn trong thời gian tới. Với lợi thế của mình, các doanh nghiệp trong nước, nếu biết phát huy được sức mạnh đó, sẽ tạo ra nền tảng vững chắc trước sự tấn công ồ ạt của các doanh nghiệp nước ngoài vào mảng cung cấp hàng hóa, dịch vụ. “Cứ gõ đi, cửa sẽ mở” – đó là phương châm hành động của các nhà bán lẻ tại thị trường trong nước lúc này. 
      Theo quy luật chung của các nước, đặc biệt là các thành viên mới gia nhập WTO, thì quan hệ giữa tốc độc phát triển GDP và các điểm bán lẻ theo tỷ lệ thuận. Nghĩa là GDP càng thấp thì mức độ phân tán bán lẻ càng lớn, GDP càng cao thì sự tập trung các nhà bán lẻ càng cao. Trong khi đó so với tốc độ phát triển trung bình trên thế giới, GDP của nước ta chưa phải là cao. Do vậy, trong một thời gian dài nữa, mật độ bán lẻ vẫn giữ được sự phân tán lớn. Độ phân tán này sẽ giúp chúng ta khắc phục được sức ép cạnh tranh từ các nhà bán lẻ nước ngoài. Và đây chính là thế mạnh của các nhà bán lẻ trong nước. Muốn “đề kháng” mạnh mẽ với các nhà phân phối, bán lẻ nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước phải biết phát huy được thế mạnh này. 
      Mặt khác, thị trường nông thôn, vùng núi, vùng sâu vùng xa sẽ không hấp dẫn các nhà bán lẻ nước ngoài. Nhưng, thị trường này đang chiếm 80% dân số. Các doanh nghiệp trong nước từ lâu đã xác lập cho mình những chi nhánh, cửa hàng phân phối, giới thiệu sản phẩm tại đây. Hiện nay cần có chiến dịch để người tiêu dùng ở những khu vực này nhận biết được thương hiệu cửa hàng mình, tin dùng hàng hóa do mình cung cấp. Tại những nước phát triển như Italy, Nhật Bản, Mỹ, 10 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới chỉ chiếm được 10% thị phần của thị trường bán lẻ. Như vậy có thể thấy, độ tập trung tích tụ của các dịch vụ phân phối không lớn và sự xuất hiện của các nhà bán lẻ hàng đầu chưa chắc đã làm mất cơ hội kinh doanh của các nhà bán lẻ trong nước. 
      Một trong những thuận lợi cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước là thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân Việt Nam: Chưa quen với siêu thị, cửa hàng lớn khi cần mua những thực phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày. Nhưng, thói quen này sẽ sớm xuất hiện khi người tiêu dùng tìm thấy sự thuận tiện ở những siêu thị, bách hóa. Doanh nghiệp trong nước buộc phải tính đến các chuỗi siêu thị, bách hóa thật sự tiện lợi trước khi các doanh nghiệp nước ngoài kéo hết khách hàng về phía mình.

Thục Uyên