Lạc lõng còn đáng sợ hơn lạc hậu

25/12/2006 00:00

Không chỉ kêu ca là các bảo tàng TP Hồ Chí Minh không chịu mở cửa buổi trưa, một khách du lịch còn than phiền là không hiểu sao, các bác xích lô đã biết bảo tàng không mở cửa mà cứ đạp xe chở khách tới. Hình như họ không quan tâm tới nhu cầu của khách mà chỉ cần tiền.

      Đọc mẩu tin này trên báo, một người bạn tôi phì cười: 
      - Cho bà ấy ở đây thì bà ta sẽ được than phiền suốt ngày. Người trồng rau biết thuốc trừ sâu có hại mà vẫn phun vào rau cho đẹp để mang bán. Người buôn thuốc sẵn sàng cung cấp thuốc giả cho các bệnh viện, cũng như các thầy các cô biết trò dốt vẫn cho lên lớp như thường. Tàu xe chở quá số người cho phép. Đường xá làm không đạt chuẩn mực cũng cứ nghiệm thu. Nhiều công trình được tiến hành xây dựng để cơ quan chủ quản hưởng phần trăm chứ không phải là do nhu cầu sử dụng. Cái nước mình nó thế mất rồi, muốn đến Việt Nam trước tiên phải hiểu điều đó đã.

                                    ****
      Tôi không được lì như ông bạn. Đọc mẩu tin trên tôi vẫn giật mình. Hình như có nhiều chuyện vì xảy ra quá thường xuyên nên mình đâm quen. Hoặc có những chuyện mình biết là dở mười mươi kêu mãi không thấy ai chuyển biến nên không buồn nói nữa. Nên thỉnh thoảng cũng cần có người nhắc mới được, nhắc nhau để khỏi trở thành vô cảm. Chẳng hạn như cái lần nghe tin một làng ở Hà Tây chuyên môn làm kẹo giả, và chất lượng vệ sinh thì “cao” đến mức một ông chủ mắng con “Chết! Không ăn được đâu, kẹo nhà làm đấy!”. Thú thực là đọc đến cái tin ấy, trong tôi cứ thấy quẩn lên câu hỏi:
       - Chúng ta có còn là người nữa không? 
    
                                    ****
      Có hai mẩu tin nhỏ liên quan đến giới nghệ thuật: 
      1/ Dạo này xã hội giàu lên, các phòng khách cần trang trí cho ra ông chủ  có văn hóa, nên nhiều họa sỹ cũng sống được. Chỉ có điều theo nhà thơ Lý Đợi phát hiện, dân tình ngày nay toàn thích chơi tranh giả. Cứ ngồi mà sao chép lại tranh các họa sỹ cỡ như Bùi Xuân Phái là trước sau sẽ bán được, họ tự nhủ vậy. Đối với những anh còn thích sáng tạo và muốn trương lên một cái tên thì cũng nên nhớ một quy luật khác. Là sau khi vẽ ra một bức tranh mà “vô phúc” lại gặp người mua thì đừng có làm gì khác nữa, cứ ngồi mà vẽ lại bức đã bán, cũng phong cách ấy, cũng khuôn khổ ấy, rồi thể nào cũng có người đến mua. Lo tái bản chính mình thì còn bằng mấy sáng tạo! 
      2/ Trên đường từ Lạng Sơn về Hà Nội, một công viên thuộc huyện Lạng Giang cho làm hai bức tượng ngựa bằng đồng. Chẳng phải địa phương có truyền thống nuôi ngựa. Cũng chẳng phải có nghệ sỹ nào mới cho ra lò một kiệt tác, dân sở tại  thấy cần  trình ra cho bàn dân thiên hạ cùng thưởng thức. Mà chẳng qua chỉ là sự hứng chí của mấy vị có quyền chức ở huyện, trước tiên một ông cho thuê thợ về làm một con đã, rồi một ông khác bổ sung cho làm con thứ hai cho nó khỏi lẻ đôi. Nghe đâu ngành văn hóa địa phương đang rút kinh nghiệm!
 
                                    ****
      Lại nhớ có lần ông Lê Đăng Doanh nhận xét rằng trong quá trình hội nhập với thế giới, dĩ nhiên cái đáng lo của mình là lạc hậu, nhưng nên nhớ còn một thứ lạc nữa là lạc lõng. Lạc hậu là trong một hàng người kẻ trước người sau, mình đứng ở cuối hàng. Lạc lõng là thế giới người ta làm ăn suy nghĩ một đằng, còn dân mình thì sống và quan hệ với nhau theo một nẻo khác, nghĩ về cái tốt cái đẹp theo những tiêu chuẩn khác. Lạc hậu thì còn dễ chữa hơn lạc lõng, nhà kinh tế học có lời nhắn nhủ như thế!

Vương Trí Nhàn