Hình thành làn sóng đầu tư mới
Tính đến thời điểm hiện nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và bổ sung của các doanh nghiệp đầu tư vào nước ta đạt khoảng 10,2 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 4,1 tỷ USD - mức cao nhất từ trước tới nay. Điều này cho thấy sức hút của môi trường đầu tư của nước ta ngày càng được tăng cường và đang dần tạo thành làn sóng đầu tư nước ngoài mới…
Ngay từ những tháng đầu năm 2006, làn sóng đầu tư nước ngoài đã có dấu hiệu hình thành. 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện tăng 17,7% và vốn đăng ký của các dự án mới cũng tăng 21% so với cùng kỳ năm 2005. Mức tăng trưởng này tuy chưa thực sự tạo ra bước đột phá rõ rệt về làn sóng đầu tư nước ngoài mới do đã nằm trong dự kiến nhưng đây là những căn cứ quan trọng để Chính phủ tích cực hơn trong việc đưa ra những biện pháp cải thiện thủ tục hành chính nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư… Kết quả của nỗ lực này được thể hiện thông qua việc có nhiều dự án tăng vốn với quy mô lớn của các công ty như Công ty Intel Products Việt Nam, Công ty TNHH Công nghiệp gốm Bạch Mã, Công ty TNHH Giày Ching Luh Việt Nam, Công ty TNHH Canon Việt Nam… Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư Phan Hữu Thắng cho biết: “Đây là cố gắng của Chính phủ trong thực hiện hợp tác song phương và đa phương, hoàn thiện môi trường đầu tư và kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho đất nước. Ví dụ như việc hợp tác với Nhật Bản thực hiện sáng kiến chung Việt - Nhật, hay hợp tác với Singapore để kết nối 2 nền kinh tế, trong đó hai bên cam kết lựa chọn các dự án đầu tư thích hợp và áp dụng cơ chế chấp nhận nhanh”.
Trong Tuần lễ cấp cao APEC 2006 tại Hà Nội, có khoảng 1.200 nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và kết quả là hàng loạt thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá lên tới 2 tỷ USD được ký kết, đó là chưa tính đến những cam kết của nhiều nhà đầu tư sau khi khảo sát về các điều kiện đầu tư tại Việt Nam. Các chuyên gia phân tích kinh tế quốc tế cho rằng, trong thời gian tới nguồn vốn FDI của các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ sẽ vào Việt Nam nhiều hơn nữa chứ không chỉ tập trung ở các nhà đầu tư châu Á như hiện nay. Về cơ hội đầu tư tại nước ta, Giám đốc điều hành nghiệp vụ, Công ty bảo hiểm phi nhân thọ AIG Việt Nam Brian Murphy chia sẻ: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phát triển và đầu tư tại Việt Nam như đầu tư vào sản xuất những sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu vào thị trường Mỹ, phát triển các loại hình dịch vụ bảo hiểm… Hiện tổng mức vốn đầu tư của AIG tại Việt Nam khoảng 50 triệu USD và AIG đang tính đến việc đầu tư vào thị trường chứng khoán”. Theo kết quả điều tra mới đây của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) về triển vọng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản trong 3 năm tới, Việt Nam đứng thứ 3 trong danh sách 10 nước có triển vọng nhất đối với các hoạt động kinh doanh hải ngoại trung hạn của các doanh nghiệp Nhật Bản, tăng một bậc so với năm ngoái và lần đầu tiên vượt qua Thái Lan. Đây là lợi thế cơ bản, nhưng điều quan trọng là nắm bắt và phát huy lợi thế này.
Về triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài khi Việt Nam đã là thành viên WTO, Phó tổng giám đốc Trung tâm thương mại Vật liệu xây dựng và Trang thiết bị nội thất – Melinh Plaza Hannes Romauch cho rằng: “Chắc chắn việc thu hút đầu tư sẽ có nhiều thuận lợi. Để đáp ứng xu hướng này, theo tôi vấn đề quan tâm trước tiên là cải cách phương thức đào tạo nguồn nhân lực, ví dụ như tập trung đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin để tạo lợi thế cạnh tranh. Hiện nay đang có xu hướng đầu tư mạnh của các doanh nghiệp quốc tế vào khu vực Đông Nam Á, vì vậy nước nào có môi trường đầu tư thuận lợi sẽ thu hút được những nguồn vốn này”.
Hiện cả nước có trên 6.760 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 59 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 7 vạn lao động. Các doanh nghiệp có vốn FDI đóng góp tới 22,9 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 42,5% so với năm 2005. Tổng giám đốc Công ty BP Việt Nam John Mingé nhận xét: “Môi trường đầu tư của Việt Nam không ngừng được cải thiện, song cũng cần đẩy nhanh hơn nữa việc ra các quyết định từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Chúng tôi cam kết sẽ sát cánh cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2006 – 2010 vì điều này đồng nghĩa với việc sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư của BP nhất là trong lĩnh vực năng lượng”. Còn Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cộng đồng Châu Âu, Giám đốc Ngân hàng Hong Kong – Thượng Hải (HSBC) tại Việt Nam Alain Cany thì kiến nghị: “Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực hơn trong vịêc cải cách hoạt động ngân hàng thương mại trong nước, nhất là tiến độ thẩm định các dự án đầu tư để tăng khả năng cạnh tranh. Các tổ chức ngân hàng nước ngoài mong muốn hợp tác với các ngân hàng thương mại trong nước nhằm cung cấp nguồn vốn tín dụng cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và phát triển thị trường vốn nói chung”.
Chính phủ đã và đang kiện toàn bộ máy quản lý đầu tư nước ngoài tại các địa phương để đáp ứng yêu cầu phân cấp. Tập trung hướng dẫn, theo dõi thực hiện quy định mới về thủ tục đầu tư, tránh gây ách tắc phiền hà cho các doanh nghiệp. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế "một cửa", tăng cường rà soát các dự án đã được cấp phép. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm soát sau cấp giấy phép nhằm hướng dẫn việc thực hiện đúng pháp luật và ngăn chặn các vi phạm pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Với quyết tâm của Chính phủ, chắc chắn khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2007 và các năm tiếp theo sẽ duy trì được đà tăng trưởng cao. Đến thời điểm cuối năm 2006 này, nhiều dự án quy mô đầu tư lớn vẫn tiếp tục được cấp giấy chứng nhận đầu tư và nhiều dự án đầu tư khác cũng đang nằm trong danh sách chờ cấp phép. Dự báo nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước ta năm 2007 có thể đạt trên 10 tỷ USD.
Hải Định