Ý nghĩa thế giới của ngày Toàn quốc kháng chiến
“Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!...”

Ngày 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi của Người có đoạn:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!...”
Lời kêu gọi kết thúc bằng tuyên bố rắn chắc đã được lịch sử thế giới xác nhận hoàn toàn:
“Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!...”
Đây là một trang mới trong lịch sử. Trước đó, từ nửa cuối thế kỷ XVIII đến năm 1943, lịch sử là lịch sử bành trướng của chủ nghĩa tư bản đang chuyển thành chủ nghĩa đế quốc, lịch sử chiến tranh giữa các nước tư bản rồi lịch sử ra đời của học thuyết Mác – Lênin và phong trào cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo đã dẫn tới sự thành lập Liên bang Xô Viết, lịch sử hai cuộc thế giới đại chiến. Nhưng nội dung vẫn là chuyện của các cường quốc.
Với cuộc kháng chiến toàn quốc của Việt Nam, lần đầu tiên thấy một nước thuộc địa tự mình đứng lên chống lại một đế quốc đầu sỏ. Nếu như trước đây, có nhắc đến các nước thuộc địa, thì câu chuyện thu hẹp vào những cuộc hành quân, chẳng hạn với vài trăm quân, thực dân Pháp đã chiếm Hà Nội gần như không bị tổn thất gì hết. Nhưng giờ đây, chỉ riêng việc đánh chiếm Hà Nội, Pháp dùng hàng ngàn quân, hàng trăm xe tăng, đại bác nhưng lại mất trên ngàn quân, mất trăm xe tăng mà quân đội Việt Nam vẫn an toàn rút khỏi Thủ đô... Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các dân tộc thuộc địa, một dân tộc thuộc địa đã hiên ngang đứng lên chống lại một trùm đế quốc.
Thường thường, khi nói đến cuộc kháng chiến của Việt Nam, trọng tâm chú ý thường về mặt quân sự. Bài viết này tập trung vào những mặt văn hóa có ý nghĩa thế giới, chủ yếu trong 3 năm đầu. Còn khi Trung Hoa đã được giải phóng thì lịch sử thế giới đã thay đổi.
Nghiên cứu lịch sử Việt Nam giai đoạn này không thể không đề cập đến một sự kiện – hiện tượng kỳ lạ, thực sự hiếm có trong lịch sử thế giới. Đó là cuộc khởi nghĩa toàn dân để thống nhất Tổ quốc theo một chính quyền duy nhất đã hoàn thành chỉ trong 10 ngày. Rồi cũng cái chính quyền hình thành sau 10 ngày ấy lại đứng vững qua 30 năm binh lửa, đánh bại hai đế quốc cùng với bọn tay sai bất chấp mưa bom, bão đạn, mọi mua chuộc, mọi đe dọa. Dĩ nhiên, trong công cuộc này, phải có những nhà chính trị và những nhà quân sự siêu việt. Nhưng dân tộc này phải có một sức mạnh bất biến tuy là quá hiển nhiên nên rất khó thấy.
Nhân dân Việt Nam theo Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trước hết vì đường lối Việt Minh là đúng. Chữ “đúng” có nhiều mặt. Trước hết về mặt quốc tế. Ngay từ khi thành lập ngày 19.5.1945, Việt Minh đã chủ trương đứng về phía Đồng minh, đánh Tây, đuổi Nhật. Điều này trở thành hiển nhiên sau ngày 9.3.1945, khi chính quyền Pháp đầu hàng Nhật ở Đông Dương. Nó “đúng” với truyền thống đánh giặc cứu nước, bất chấp mọi khó khăn, cản trở. Bản Tuyên ngôn độc lập là tiếp thu truyền thống của bài thơ Thần – Nam quốc sơn hà..., đặc biệt là Bình ngô đại cáo, rồi được nâng lên tầm nhân loại khi nhắc đến Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Pháp, và tuyên bố:
“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc ấy phải được tự do. Dân tộc ấy phải được độc lập”.
Cái “đúng” ấy khác xa cái nhìn của nhiều tầng lớp. Có người muốn dựa vào Nhật, có người muốn dựa vào Tàu Tưởng. Trong số này có những người yêu nước, nhưng chưa hiểu chính trị thế giới. Sau này, họ đều theo Việt Minh và có đóng góp tích cực. Còn bọn muốn dựa vào Tàu Tưởng để kiếm chác thì sau khi Tàu Tưởng rút, họ cũng trước sau chuồn hết.
Ngày 9.3.1945, chính quyền Pháp ở Đông Dương đầu hàng Nhật. Ngày 16-17.8.1945, Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào với 60 đại biểu Bắc, Trung, Nam, các đảng phái chính trị, các đoàn thể, các tộc người, các tôn giáo. Đại hội tán thành chủ trương phát động khởi nghĩa toàn dân, giành lấy chính quyền và bầu ra Ủy ban Giải phóng Việt Nam, sau này thành Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Ngày 10.8.1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh thì chỉ trong 10 ngày, từ 18-28.8 cuộc khởi nghĩa toàn dân đã diễn ra nhanh chóng khắp cả nước đi từ thôn xã, đến phủ huyện và đến tỉnh lỵ.
Một cuộc khởi nghĩa toàn dân thành công nhanh chóng như vậy và gần như không có sự chống đối là chuyện kỳ diệu, vô song trong lịch sử thế giới. Nhưng lý do của hiện tượng này phải tìm ở lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ khi thành lập (ngày 3.2.1930), Đảng Cộng sản thực tế là người duy nhất giương cao ngọn cờ dân tộc, tập hợp toàn dân đứng lên chống Pháp. Trong suốt lịch sử của mình các đảng viên của Đảng ta dù có bị chém giết, tù đày, giam cầm vẫn không thay đổi chí hướng. Nếu có một vài chỗ tả khuynh thì chính những lãnh tụ tối cao như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh đã thừa nhận. Vào thời Mặt trận bình dân, thực tế xu hướng tả thực do Đảng bênh vực đã thắng xu hướng lãng mạn trong tiểu thuyết, thơ, nhạc. Đặc biệt, người Việt Nam đánh giá con người theo nhân cách, không phải theo lời nói. Hàng ngàn người Cộng sản đã giữ được nhân cách mình, Giàu sang không thể làm hư hỏng, uy vũ không thể khuất phục, nghèo khổ không thể lay chuyển. Ngoài những người Cộng sản ra, nhân dân không thấy tổ chức nào có thể cứu được nước Việt Nam.
Đặc biệt, khi nắm chính quyền, Mặt trận Việt Minh đã theo con đường “tình nghĩa” của Hồ Chí Minh. “Năm ngón tay có ngón ngắn ngón dài, nhưng đều là những bộ phận của một bàn tay”. Chỉ xin nêu một vài điều có thể xem là ngoại lệ so với mọi cuộc khởi nghĩa, nhưng lại thể hiện đúng truyền thống văn hóa Việt Nam như Nguyễn Trãi nói: “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn; Lấy chí nhân thay cường bạo”. Cuộc khởi nghĩa nào mà chẳng có hàng vạn người bị giết, trong đó không khỏi có người bị giết oan. Riêng cuộc Cách mạng Tháng Tám chỉ có một vài vụ. Trong thời Pháp thuộc, không thiếu gì bọn tham quan, ô lại, mật thám, tay sai. Nhưng chỉ thị đầu tiên mà huyện Yên Thành, Nghệ An của tôi nhận được là nghiêm cấm việc thi hành bạo lực “tự phát”. Những kẻ vi phạm pháp luật đều phải đưa ra tòa án xét xử đường hoàng. Pháp luật chưa có, nên tạm thời dùng pháp luật cũ, đồng thời hủy bỏ những điều chống cách mạng. Bọn tham quan chỉ bị đuổi về, còn về cơ bản bộ máy chính quyền vẫn được dùng. Đó là thể hiện điều mà Bác nói: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
Chính theo Pháp quyền dân chủ mà Chính phủ lâm thời được công bố ngày 28.8.1945, tuy gồm 15 bộ, nhưng chỉ có 6 người là Cộng sản. Chính sự thành lập nhanh chóng một chính quyền toàn dân với đủ mọi thành phần khiến Tàu Tưởng và quân Anh khi đến Việt Nam đều “đớ” người, chỉ còn cách đàm phán với Chính phủ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ví thử họ đến khi chính quyền chưa lập xong, chắc chắn bọn phản động sẽ nhảy ra lập chính quyền bù nhìn, và chưa biết tình hình cách mạng sẽ ra sao. Tình hình Việt Nam là kết quả của ngót 1.000 năm độc lập, thống nhất dân tộc, từ đời Lý. Rồi sau đó, ngày 6.1.1946 là Tổng tuyển cử tự do hoàn toàn: Tất cả công dân Việt Nam cả trai gái từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử. Rồi Quốc dân đại hội do Tổng tuyển cử bầu lên thông qua Chính phủ chính thức theo đúng luật pháp một nước thực sự dân chủ. Đặc biệt, Quốc hội họp ngày 28.10.1946 thông qua Hiến pháp, thừa nhận quyền bình đẳng của mọi công dân Việt Nam cả nam lẫn nữ, quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại trong nước và ngoài nước, thừa nhận quyền tư hữu tài sản... mọi yêu cầu của một chính quyền dân chủ. Rồi một bộ luật mới được ban hành. Biết bao nhiêu công việc đã làm để củng cố một chính quyền dựa trên pháp luật ngay trong lúc tình hình quân sự, chính trị và kinh tế đều hết sức khó khăn.
Để được dân ủng hộ, hy sinh tính mạng, của cải cho chính quyền cách mạng, chính quyền ấy phải lo cho hạnh phúc của dân. Hạnh phúc không phải cái gì trừu tượng được thể hiện bằng văn chương hoa mỹ, mà nó là cụ thể: Cơm ăn, áo mặc, học hành, nhà cửa, thuốc men, tự do phát triển. Trước mắt, có 3 thứ giặc: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Chính phủ có huy động được dân chống hai tên giặc đầu, thì nhân dân mới hy sinh tất cả chống ngoại xâm được.
Chính quyền cách mạng đã thắng giặc đói. Khi chính quyền cách mạng được thành lập, Việt Nam phải đương đầu với nạn đói khủng khiếp nhất lịch sử với 2 triệu người chết đói do mất mùa một phần, nhưng chính là do chính sách vơ vét thuế gạo của Pháp và Nhật. Nhờ đường lối kinh tế đúng đắn, kết hợp với một phong trào sản xuất rầm rộ Đồng ruộng là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, sản xuất khoai lang tăng gấp đôi, đỗ tương tăng gấp ba, vụ mùa và vụ chiêm đều vượt bậc. Cách mạng đã thắng giặc đói.
Sau giặc đói, đến giặt dốt. Theo cụ Vũ Đình Hòe, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục (trong quyển Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh), Nha Bình dân học vụ được thành lập và một phong trào chống nạn mù chữ lôi cuốn cả nước. Chỉ sau 4 tháng, khoảng 1 triệu người đã biết đọc, biết viết. Giặc dốt đã bị đánh bại.
Một sự đổi mới về văn hóa diễn ra khắp nước. Những ai sống vào giai đoạn 1945 – 1949 đã chứng kiến những điều phải nói là diệu kỳ. Toàn bộ xã hội thay đổi theo văn hóa mới. Các trò cờ bạc, hút thuốc phiện, ma chay đình đám tốn kém, ăn uống linh đình chấm dứt, nếu còn cũng đều lén lút. Nhân dân tự động ra đường dọn dẹp đường sá, bảo vệ trật tự, an ninh, bọn anh chị trước đây đều sống khép nép. Đâu đâu cũng nghe những bài ca cách mạng. Làng chưa đòi hỏi đến dân binh, dân quân thì số người xin nhập ngũ đã chen chúc nhau đến nghẹt thở. Nền văn hóa tốt đẹp có sẵn trong lòng từng người được dịp bộc lộ.
Bọn thực dân Pháp không muốn gì hơn là điều đình với Anh và Tàu Tưởng để một mình chiếm lại Đông Dương. Với Anh, câu chuyện là dễ dàng, vì Anh rất sợ cuộc cách mạng ở Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến các thuộc địa của mình ở Châu Á. Cho nên ngày 12.9.1945, khi quân Anh đến Sài Gòn, thì những đơn vị quân Pháp cũng theo chân đến Sài Gòn.
Bọn Tàu Tưởng rất muốn chiếm toàn bộ Bắc vỹ tuyến 16 để lập nên chính phủ bù nhìn của họ. Nhưng tình hình Trung Hoa đang bị nguy ngập trước cuộc tấn công của quân đội giải phóng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nên đành phải để Pháp thay thế mình để đổi lấy những nhượng địa Trung Quốc đã nhường cho Pháp ở Thượng Hải, Hong Kong, Quảng Châu.
Tình hình này dẫn tới 4 cuộc đàm phán:
Hiệp định Pháp – Việt (Hiệp định sơ bộ), ký ngày 6.3.1946 giữa đại diện Việt Nam là Hồ Chí Minh và đại diện Pháp là Xanhtơni.
Hội nghị Đà Lạt, về phía Việt Nam do Nguyễn Tường Tam làm Trưởng đoàn và Võ Nguyên Giáp làm Phó trưởng đoàn.
Hội nghị Phôngtennơblô do Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn. Hồ Chí Minh không ở trong đoàn, đóng vai thượng khách để dễ dàng tiếp xúc với các chính khách.
Tạm ước Việt – Pháp (ngày 14.9.1946) do Hồ Chí Minh đại diện Việt Nam ký với đại diện chính phủ Pháp, nội dung nhắc lại những điều trong Hiệp định sơ bộ ngày 6.3.1946.
Những điều đình này tuy không có kết quả, nhưng đã giúp cho Đảng và Chính phủ ta có được một thời gian 1 năm 3 tháng (từ ngày 2.9.1945 đến ngày toàn quốc kháng chiến ngày 12.12.1946), giúp nhân dân thấy Chính phủ và Mặt trận là của mình, và sẵn sàng hy sinh tính mệnh, tài sản cho Tổ quốc độc lập và thống nhất, dù cho cuộc kháng chiến là trường kỳ, gian khổ.
Thời gian chuẩn bị này là một thời gian “nhẫn nhục” theo “đường lối Câu Tiễn”. Nhưng chính thực tế đã cho thấy giai đoạn “nhẫn nhục” này đã đem đến vinh quang cho dân tộc. Nếu như sau Điện Biên Phủ, chính Pháp đã rút kinh nghiệm chấp nhận các thuộc địa của mình ở Châu Phi được độc lập, và sau thất bại ở Việt Nam, tham vọng chiếm giữ thuộc địa của các đế quốc đã mất để đi đến giai đoạn hòa giải dân tộc, chuyển từ đối đầu sang đối thoại, thì giai đoạn “nhẫn nhục” theo “đường lối Câu Tiễn” đã được đền bù thích đáng, và đường lối đối ngoại tài tình của Đảng và Bác Hồ một lần nữa lại tỏa sáng trong lịch sử.
Gs Phan Ngọc
Theo Văn hóa quân sự, số 16, tháng 12.2006