20 năm Mỹ thuật trẻ Việt Nam (1986-2006): Tìm kiếm bản sắc riêng

11/12/2006 00:00

Từ sau thời kỳ Đổi mới, mỹ thuật Việt Nam trăm hoa đua nở, nhiều tác giả đã “rinh” về những giải thưởng danh giá trong nước và khu vực, tạo đà cho mỹ thuật nước nhà phát triển. Nhưng đó mới là bề rộng...

          Mỹ thuật Việt Nam hôm nay thực sự đa dạng và phong phú. Các nghệ sỹ trẻ có nhiều sân chơi, nhiều đối tác để lựa chọn công bố tác phẩm trên con đường chiếm lĩnh cái đẹp đích thực của nghệ thuật. Thế hệ trẻ tìm thấy một ngôn ngữ, một hành động hội họa ở những bậc thầy đi trước. Và họ muốn bứt phá qua cái chung để tìm kiếm một bản sắc riêng.

      Nhận diện một chặng đường
      Tính từ năm 1986 đến nay đã có 3 thế hệ mỹ thuật trẻ. Trong vòng 5 năm, từ triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1985 – 1990 là một chuyển hướng tích cực trong sáng tác và cảm nhận nghệ thuật. Các tác giả thế hệ đầu tiên (Lê Anh Vân, Lương Xuân Đoàn...) với tiêu điểm là: Tính dân tộc và tính hiện đại; Phương pháp làm việc, quan niệm về sáng tác và đặc điểm về ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại. Chính những tiêu điểm này đã tạo tiền đề cho hội họa trẻ Việt Nam. Những năm 1990 có thể coi là thập kỷ vàng của thế hệ các họa sỹ đã thành danh qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc với những sáng tạo bền vững, hình tượng nghệ thuật cao cả, đằm thắm, trữ tình. Cũng từ đó hội họa Việt Nam được nước ngoài biết đến qua các cuộc trưng bày của các họa sỹ ở độ tuổi 40 (Công Quốc Hà, Mai Hiên, Vi Kiến Thành...) với những vấn đề nổi cộm như: chiến tranh – hòa bình, rác thải – môi trường, HIV-AIDS. Các họa sỹ lao động nghệ thuật hết mình, táo bạo tìm một ngôn ngữ hội họa mới. 

      Phong phú nhưng đơn điệu
      Theo họa sỹ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, “Giờ đây, nghệ sỹ trẻ có nhiều điều kiện để sáng tạo, mở rộng nội dung, tìm tòi phong cách, bút pháp mới, có điều kiện giao lưu quốc tế, tạo ra luồng sinh khí mới cho họ hoạt động hiệu quả.” Còn họa sỹ Thái Hanh cho rằng, nghệ thuật của các nghệ sỹ trẻ phần nhiều được sáng tạo từ du nhập, hấp thụ từ các xu hướng, trường phái nghệ thuật hiện đại trên thế giới và kế thừa vốn nghệ thuật cổ truyền, với đề tài mở rộng, ngôn ngữ diễn đạt lạ lẫm, sang trọng, trên nhiều thể loại, chất liệu mới. Những năm gần đây, các triển lãm cá nhân và nhóm tác giả diễn ra liên tục cả trong và ngoài nước, được coi như một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Họa sỹ, nhà phê bình, nhà giáo Lê Quốc Bảo cho biết, các họa sỹ trẻ rất tự tin, khẳng định mình một cách táo bạo. Có họa sỹ trẻ một năm trưng bày 2 triển lãm cá nhân, hoặc 2, 3 năm  trưng bày 3, 4 triển lãm cá nhân trong và ngoài nước.
      Tuy nhiên, họa sỹ Hoàng Hồng Cẩm cho rằng, khó có thể lạc quan tìm kiếm nhân tài thực sự trong hội họa hôm nay. “Có cảm tưởng rất rõ ràng là các họa sỹ tìm sự mới lạ trên tranh nhưng lại quên mất cái gốc của nghệ thuật là tình cảm”. Chính nữ họa sỹ Nguyễn Bạch Đàn cũng thừa nhận: Mỹ thuật Việt Nam có nhiều khuynh hướng, tìm tòi sáng tạo và hướng tới mỹ thuật đương đại thế giới, nhưng chưa có khuynh hướng nào bứt phá. Nhiều khi, nghệ sỹ bị bức bách quá nhiều về kinh tế, bị phân tán, nên khó chuyên tâm về nghề nghiệp... Theo họa sỹ Vũ Giáng Hương – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam: “Chúng ta đang bước vào hội nhập, đòi hỏi nghệ sỹ phải cho ra đời những tác phẩm có chất lượng cao, mang tâm hồn Việt Nam, màu sắc Việt Nam. Chính vì thế, bản thân nghệ sỹ phải nâng cao trình độ, có ý tưởng độc lập, sâu sắc hơn trong sáng tạo và rèn luyện tài năng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách nuôi dưỡng tài năng trẻ; Các bảo tàng có thể mua tranh, đặt hàng tạo điều kiện cho nghệ thuật phát triển đúng hướng”.

Hồng Nga