Mèo con nghịch ngợm - Phần một
Thực tình là nó từ đâu lạc đến, Đoan cũng không biết. Chỉ biết là đêm ấy lạnh, quận mình trong cái chăn len, gần sáng bỗng thấy nóng sực bên sườn, đưa tay xuống sờ thì thấy một túm lông nhặm nhuội phát ra những tiếng rên gừ gừ. Lôi ra thì là nó.
Nó, tức con mèo ranh này. Mới hơn một tháng tuổi. Còm nhom, xác xơ, lông da lẫn lộn, nhom nhoem bẩn thỉu như một túm giẻ lau.
Đoan không thích mèo. Mèo đến nhà thì khó. Chó đến nhà thì giàu. Không phải Đoan sợ nghèo khó. Cái chính là mèo không như bầy cá cảnh, đôi vẹt Hồng Kông anh đang nuôi. Mèo hay gây phiền cho người.
Đoan không thích con mèo con này. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính, mới nứt mắt mà nó đã bướng bỉnh và hỗn quá. Nhưng chẳng lẽ lại tống khứ nó đi, cái sinh linh còm cõi, yếu đuối tội nghiệp kia. Thôi thì đành vậy. Cứu một người phúc đẳng hà sa. Vui vẻ, Đoan kéo nó đến trước cái bếp dầu.
“Con lạy thần thổ công ạ. Con kêu là Kết. Nay con xin quý thần cho con làm lễ nhập gia với ông nhà báo Văn Đoan...” Kẹp nhẹ đầu, cổ con mèo vào hai bàn tay, Đoan vừa nói vừa ép nó làm động tác vái lạy ông thần bếp. Nhưng, nó đâu có chịu. Chưa được ba lạy, nó đã ngoẹo đầu như răng bập vào tay Đoan và quẫy đạp loạn xạ.
- Hư nào!
Đoan mắng con mèo. Rồi đặt nó xuống đất, lấy que tre đo đuôi nó, đoạn đem bỏ vào hố tiêu.
- Kết! Từ nay đi vệ sinh thì vào đây. Nhớ chưa? Nhà chỉ có mình tao vừa là chủ vừa là tớ, không hơi sức đâu mà dọn dẹp cho mày được.
- Meo meo...
- Còn meo meo cái gì! Đòi thả ra á? Hừ, mày có trông thấy cái quán ăn chuyên làm thịt tiểu hổ ở ngoài phố không? Thôi, cơm đấy, ăn đi!
Con mèo con nghe lời Đoan, tắt tiếng kêu, cúi xuống đĩa cơm trộn ruốc thịt. Và lập tức vừa xốc từng miếng như lợn đói xốc cám vừa kêu ngao ngao khoái trá. Điệu này là xuất thân con nhà nghèo, giỏi lắm chỉ có cám lợn cám gà, chứ đã bao giờ được miếng ngon như thế!
Ngay sau khi chén sạch đĩa cơm, Kết đã có chỗ ở. Đó là một cái hộp các tông đặt dưới cái bể cá, ở phòng khách. Nơi đây, Kết chính thức gia nhập nhóm sinh vật cảnh của Đoan, gồm bầy cá và đôi vẹt Hồng Kông. Bầy cá có tới hai chục con. Con vằn, con đốm, con dài như lưỡi kiếm, con tròn dẹt như đồng xu, những kỳ quan của loài thủy tộc, đỉnh cao của trí tưởng tượng, của thơ siêu linh. Hai con vẹt thì nhỏ nhắn, xinh đẹp, con xanh lam, con xanh lá mạ sống trong một cái lồng nan sắt treo ở giữa nhà. Chúng không phải là kỳ quan, nhưng cũng là những con vật quý phái. Chúng luôn vui vẻ trong thanh tĩnh và như vậy là hòa hợp với cuộc sống độc thân và ưa thích sự thầm lặng để tư duy có điều kiện khai triển, tâm hồn thêm giàu có của Đoan. Chúng tham dự và thích hợp với cuộc sống có chiều hướng thu vào bên trong nội tâm, ít giao tiếp của Đoan. Vì cùng với sách, sản phẩm bền vững của các giá trị trí tuệ, chúng làm cho cuộc sống con người đỡ đi phần nông cạn, nghèo nàn và cô độc.
Bốn mươi tuổi mà Đoan còn sống độc thân thì cũng hơi kỳ cục thật. Nhưng biết làm thế nào được. Thời gian trôi không phải một mà là cả chục năm đánh vèo. ở chiến trường về, nghĩ tới đường vợ con đã thấy mình thuộc loại lỡ cỡ. Lại thêm cái tính như là kỵ húy đàn bà con gái, với đoạn đời vừa qua chỉ những là yêu vụng nhớ thầm mà thôi. ấy thế, trên trường văn trận bút thì hùng hổ vậy mà hễ gặp phái nữ là đỏ mặt bẽn lẽn mới kỳ. Một cuộc sống độc thân kéo dài, một con số không to tướng. Nhưng, một con số không diễn tả sự trống không, sự không hiện diện, lại cũng có thể đồng thời diễn tả cả cái không gian bao la, một bầu trời mênh mông, vùng thiên thể không thể đo đếm được lắm chứ nhỉ!
*
Quả nhiên là con Kết từ đâu lạc đến đã chứng tỏ nó là một nhân tố lạ, không hòa nhập với cuộc sống của Đoan. Nó đâu có như hai con vẹt và bầy cá cảnh, chúng không mảy may làm phiền Đoan. Ngược lại, cái vũ điệu bơi lượn thần tiên của bầy cá lại như dẫn dắt hồn người vào cõi mung lung hư ảo. Còn tiếng nói của hai con vẹt thì đó không chỉ là tiếng hót có thể tạo nên cơn đắm say cho tâm hồn. Không, đó còn là làn ánh sáng trong trẻo rót vào tâm khảm cần được nuôi dưỡng ở nơi ngọn nguồn những tình cảm tốt đẹp của Đoan.
Con Kết chỉ gây phiền cho Đoan! Buộc chặt nó lại thì nó kêu rên. Kêu rên thảm thiết như bị tra khảo, như bị đòn oan. Buộc lỏng một chút là nó sổ dây thoát ra. Thoát ra là nó làm đủ trò quái quỷ! Nó ngồi lù lù vào giữa bóng sáng của cái chụp đèn bàn, che lấp cả nguồn đèn khi Đoan ngồi ở bàn viết. Tắt đèn thì nó leo lên lòng. Hất xuống nó lại leo lên. Khó chịu nhất là Đoan động đắp chăn nằm là nó rúc vào rồi trườn lên lên cạnh sườn và bò lên nằm chễm chệ trên ngực, trên bụng Đoan. Có lúc lại còn nằm kề bên tai Đoan mà khò khè như kéo bễ. Đã đo đuôi làm cữ và dặn dò cẩn thận rồi mà nó nghe đâu! Gầm giường, gầm bàn, gầm tủ nhà Đoan từ ngày có nó có lúc nào không sặc sụa mùi hôi thối tanh tưởi!
Còn trưa nay, vừa thiu thiu, Đoan đã choàng tỉnh vì nghe thấy tiếng vỗ cánh chàm chạp và tiếng kêu thất thanh của hai con vẹt. Đẩy cửa buồng bước ra, Đoan sững người vì một cảnh tượng không thể tưởng tượng nổi. Con mèo con yêu quái! Bằng sức nhảy thăng thiên nào mà từ đất nó vọt lên được cao đến thế; Và bây giờ nó đã ở trên nó cái lồng sắt sát trần nhà, đang thò chân xuống để khều hai con vẹt. Chiếc lồng rung lắc như quả chuông, còn hai con vẹt thì bám vào vách lồng, kêu choét choét khiếp đảm đến lạc cả tiếng! Bắc ghế, bắt con Kết xuống, Đoan phát một cái rõ mạnh vào mông nó, nó liền chạy biến đi.
*
Con mèo con trốn đi đâu? Bữa ăn không thấy nó về. Sục sạo khắp nhà, không sót một ngăn kéo, gầm bàn, góc tủ nào. Vẫn không thấy nó đâu. Hay là nó nằm ở trên đỉnh màn? Rũ màn xuống, không thấy. Dưới bếp, lục lọi từng cái nồi, cái xoong, từng khe hở, kẽ tủ đựng bát đĩa, cũng không thấy. Nó đã giở pháp thuật thăng thiên rồi, giờ có lẽ nó sử dụng phép độn thổ tàng hình chắc!
Con Kết trốn biệt đi đâu cả đêm?
Sáng hôm sau, Đoan ngồi viết bài thì nghe vẳng một tiếng nước quẫy ở cái bể cá. Chạy ra, Đoan thật không ngờ, con Kết đang ngồi trên nóc bể cá cảnh, vừa chúc đầu xuống uống nước, nó vừa đưa chân xuống khuấy nước bắt cá. Và đàn cá thì hoảng hốt, tán loạn tóe ra bốn góc bể. Thì ra cả đêm qua, con Kết nằm cuộn tròn ngủ trong cái túi công tác của Đoan. Mùi nước tiểu khai sặc của nó đã tố cáo vậy!
- Kết! Mày là con quái vật chứ không phải là mèo nữa!
Đoan quát. Không hề sợ hãi, con mèo quay lại, hai mắt quắc sáng nhìn Đoan, rồi chậm rãi, co mình lại, vồng cao tấm lưng dài, há miệng ngáp một tiếng thật oai vệ.
*
Giờ thì Kết từ đâu lạc đến với sứ mệnh là gây phiền cho Đoan, đã chẳng còn là con mèo ranh nữa rồi! Cơm trộn ruốc thiệt ngày ba bữa, bữa nào cũng lưng bát cơm đều, Kết lớn từng ngày. Kết đã tự xóa bỏ hình hài con mèo con lạc loài lam lũ gầy còm xơ rơ bẩn thỉu. Giờ lông da Kết mượt mà. Bốn chân Kết mũm mĩm ngấn thịt, hai mắt Kết tròn xanh óng ánh như hai viên ngọc bích. Cái giẻ lau nhôm nhoam ngày nào giờ đã là một khối hình óng ả tròn mềm, hiện rõ ba màu tam thể trắng, vàng, đen, vừa duyên dáng vừa đài đệ, cao sang.
Chỉ buồn là tính nết Kết chẳng những chỉ là nghịch ngợm ngỗ ngược như tuổi ấu niên nữa, giờ nó còn vừa lười vừa đài các, lại vụng về, thô lỗ.
Lười biếng vụng về quá và càng lúc càng biếng nhác vụng về thêm thì phải. Nhảy nhót leo trèo không đánh vỡ cốc chén thì cũng đánh đổ bức tượng, cái chai cái lọ. Ngày ba bữa. Cơm xong là nó đi. Đi thì chớ, về đến nhà là nó tìm chỗ ngủ. Hoặc rúc chăn ông chủ. Hoặc chui vào cái bóng đèn bàn. Không thì nằm trên cái giỏ ấm tích. Cùng nữa là leo lên trên nóc cái ti vi. Có bận từ trên nóc cái ti vi ngủ gật giật mình ngã uỵch xuống đất đã không ngượng, lại vừa ngoeo ngoeo vừa tìm đường leo lên để tiếp tục ngủ.
Kết lười nhác lắm! Nhưng mà thôi, cứ cho lười nhác là đặc tính cố hữu của sinh vật, thì cũng không thể tất được cho Kết. Nghệ thuật phải là chính nó. Nếu khác đi thì còn gì là nghệ thuật nữa. Vậy thử hỏi: Kết không biết bắt chuột nữa thì Kết có còn là giống mèo nữa không?
Kết không biết bắt chuột thật rồi!
Cúng rằm tháng ấy, Đoan thắp hương trên bàn thờ song thân. Tàn một tuần hương, dọn đồ cúng xuống thì ôi thôi, chuột đã khoét vẹt một góc chiếc bánh chưng còn nguyên lá. Chuột gặm lê táo trên bàn nước giữa ban ngày ban mặt. Chuột đuổi nhau huỳnh huỵch, cắn nhau chí chóe trên cái giá sách của Đoan. Ban ngày, chuột nhắt, chuột cống bò qua bò lại trong nhà, ngay trước mặt Kết, Kết cũng lờ đi. Kết đã thoái hóa, đã đánh mất bản năng mèo của mình, đã trở thành đồ vô tích sự rồi!
(còn nữa)
Ma Văn Kháng