Tây Ban Nha: Cơ quan lập pháp ba bộ phận
Tây Ban Nha theo chế độ lưỡng viện được bầu phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 4 năm. Nhưng nói đúng ra, cơ quan lập pháp của nước này gồm 3 bộ phận: Nhà Vua, Viện Dân biểu (Hạ viện) và Thượng viện. Vai trò của Nhà vua Tây Ban Nha trong bộ máy lập pháp cũng giống như của Tổng thống ở các nước theo chế độ nghị viện tổng thống. Ông là người phê chuẩn các đạo luật sau khi Nghị viện đã chấp thuận.
Hiến pháp của Vương quốc Tây Ban Nha năm 1978 khẳng định đất nước theo thể chế quân chủ đại nghị và xây dựng một nhà nước dân chủ, một xã hội có các giá trị tối cao là tự do, công lý, bình đẳng và đa nguyên chính trị.
Tây Ban Nha theo chế độ lưỡng viện được bầu phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 4 năm. Nhưng nói đúng ra, cơ quan lập pháp của nước này gồm 3 bộ phận: Nhà Vua, Viện Dân biểu (Hạ viện) và Thượng viện. Vai trò của Nhà vua Tây Ban Nha trong bộ máy lập pháp cũng giống như của Tổng thống ở các nước theo chế độ nghị viện tổng thống. Ông là người phê chuẩn các đạo luật sau khi Nghị viện đã chấp thuận.
Nhà Vua Tây Ban Nha là nguyên thủ quốc gia, biểu tượng của khối đoàn kết và sự trường tồn của quốc gia. Và giống như bất cứ chế độ quân chủ nào, ngôi Vua được cha truyền con nối. Đức Vua Tây Ban Nha cũng giống như Tổng thống các nước, có quyền bổ nhiệm Thủ tướng, nhưng phải được Hạ viện chấp thuận với đa số tuyệt đối. Nếu trong vòng 2 tháng, Đức Vua và Hạ viện không thể thống nhất về chức danh này thì Vua sẽ giải tán Nghị viện và cho tiến hành bầu cử mới. Nhưng quyết định này phải được sự chấp thuận của Chủ tịch Hạ viện.
Hạ viện có 350 nghị sỹ được bầu theo chế độ đại diện tỷ lệ. Thượng viện có 208 thành viên được bầu trực tiếp và 46 đại biểu của các khu vực. Chính đảng nào muốn có tiếng nói đại diện trong Nghị viện phải giành được ít nhất 3% số phiếu bầu.
Mỗi Viện có quy chế riêng, Chủ tịch riêng, một bộ máy riêng và đều có một Ủy ban Thường vụ gồm 21 thành viên để theo dõi các vấn đề trong thời gian giữa các phiên họp thường kỳ hoặc giữa kỳ bầu cử.
Sáng kiến lập pháp thuộc về Chính phủ và 25 thành viên của Thượng viện hoặc Hạ viện. Ngoài ra, Hội đồng các cộng đồng tự trị hoặc tối thiểu 500.000 cử tri cũng có thể đưa ra sáng kiến luật của mình. Tuy nhiên, dân chúng không được đề xuất sáng kiến lập pháp về Luật Tổ chức, Luật Thuế, các điều ước quốc tế và ân xá.
Quyền lập pháp về cơ bản là của Nghị viện, nhưng Chính phủ cũng có một chút quyền lập pháp nhất định, như ban hành các sắc lệnh trong trường hợp khẩn cấp đặc biệt. Nhưng tất nhiên, các sắc lệnh này không thể tự nhiên được thực thi mãi mãi mà phải lập tức được trình cho Hạ viện thông qua hoặc hủy bỏ trong một phiên họp bất thường. Nếu Nghị viện bị giải tán thì Ủy ban Thường vụ sẽ đảm nhiệm chức năng này.
Mọi dự án và kiến nghị luật trước tiên phải trình Hạ viện, trừ các đạo luật về cán cân thanh toán liên vùng. Một thời gian sau khi dự án luật được công bố thông qua lần thứ nhất (10 ngày ở Thượng viện, 15 ngày ở Hạ viện), các kiến nghị sửa đổi mới bắt đầu được phép trình. Mọi sửa đổi phải được sự đồng ý của các nhóm nghị sỹ. Các kiến nghị sửa đổi toàn bộ dự luật thuộc thẩm quyền của các nhóm nghị sỹ. Chỉ những kiến nghị sửa đổi thuộc phạm vi “biểu quyết đặc biệt” mới được thảo luận trong phiên họp toàn thể. Nếu hai Viện không thể đi đến thống nhất về một vấn đề nào đó thì giống như các nghị viện khác trên thế giới, một ủy ban chung của hai Viện sẽ được thành lập để tìm cách giải quyết bất đồng bằng cách soạn thảo một văn bản để đưa ra biểu quyết lại ở cả hai Viện. Trường hợp vẫn chưa nhất trí được thì vấn đề sẽ được quyết định theo đa số tuyệt đối tại Hạ viện.
Bạch Dương