Bulgaria: Những thăng trầm lịch sử

24/11/2006 00:00

      Những ý tưởng về Hiến pháp và nghị viện, về bầu cử và đại diện xuất hiện từ trước khi Nhà nước Bulgaria được khôi phục năm 1878, dưới ảnh hưởng của các tư tưởng và thực tế ở châu Âu. Điều này được thể hiện trong các cuộc họp, qua các nghi thức và quyết định của Giáo hội (Ecclesiastical) và Hội đồng Nhân dân (People’s Council) tổ chức ở Constantinople năm 1871, và các hoạt động của Phong trào Cách mạng dân tộc Bulgaria  (BRCC) với nhiệm vụ giải phóng dân tộc và thiết lập Nhà nước Bulgaria độc lập. 
      Kỳ họp Quốc hội ở Oborishte ngày 14.4.1876 đã có một quyết định mang tính lịch sử: tuyên bố cuộc Khởi nghĩa Tháng 4, tạo nền tảng cho cái được coi là tiền thân của Quốc hội và chế độ lưỡng viện ở Bulgaria. Lại một lần nữa, nhân dân Bulgaria giương cao ngọn cờ giải phóng, hướng tới một chính phủ hoạt động theo Hiến pháp. Đường hướng chính trị của BCPS (BRCC cũ) nhấn mạnh nhiệm vụ tái lập Nhà nước Bulgaria và nêu rõ: “Nhà nước Bulgaria sẽ là một nhà nước độc lập trong sự hòa hợp với cơ quan Hiến pháp được cụ thể hóa bởi một cơ quan lập pháp do nhân dân bầu ra.” Tôn chỉ này còn được thể hiện trong 2 điều quy định sau đó: “Tất cả các cơ quan của chính phủ sẽ có luật riêng, dựa trên tinh thần của đạo luật này và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân” và “tất cả người nước ngoài khi tham gia vào cộng đồng người Bulgaria sẽ được hưởng sự công bằng về chính trị và quyền công dân”. Đây không chỉ là truyền thống lịch sử mà còn là quy tắc dân chủ trong đời sống chính trị ở Bulgaria sau giải phóng.
      Kỳ họp Quốc hội Lập hiến ở Veliko Turnovo (10.2-16.4.1879) đã đặt nền móng cho chế độ nghị viện ở nước Bulgaria tự do. Kỳ họp được triệu tập theo điều 4, Hiệp ước Berlin, gồm 229 đại biểu, trong đó, 100 đại biểu được bầu theo tỷ lệ 1/10.000 dân và những đại biểu khác được chỉ định hoặc là đại diện cho các tổ chức, hiệp hội. Thay thế cho Luật Tổ chức quy định tại Đại hội Berlin, các thành viên của Quốc hội Lập hiến đã soạn ra Hiếp pháp Turnovo và nhất trí thông qua vào ngày 16.4.1879. Bản Hiến pháp gồm 22 chương, 169 điều. Công quốc Bulgaria được định nghĩa là “một chế độ quân chủ lập hiến và nối truyền, với sự đại diện của nhân dân.” Quốc hội chấp nhận nguyên tắc chia sẻ quyền lực giữa cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp. Hiến pháp bảo vệ quyền tự do của công dân, quyền bất khả xâm phạm tài sản riêng; Các cá nhân có quyền tự do và bình đẳng trước pháp luật, tham gia hoặc từ bỏ các quyền liên quan đến giai cấp... 
      Tại kỳ họp thứ 7, Đại Hội đồng Quốc gia đã thông qua Hiến pháp của nước Cộng hòa Bulgaria vào ngày 12.7.1991, với 10 chương, 169 điều. Hiến pháp tháng 7.1991 chứa đựng các nguyên tắc phân chia quyền lực, các quyền và tự do của công dân và quyền tối cao của Hiến pháp. Quốc hội được bầu với nhiệm kỳ 4 năm, gồm 240 đại biểu thực thi quyền lập pháp và giám sát. Không giống như các văn bản hiến pháp trước đó, Hiến pháp tháng 7.1991 nêu rõ: Quốc hội là cơ quan thường trực, tất cả các cuộc họp được tổ chức công khai; Các văn bản luật và quyết định mà Quốc hội thông qua có giá trị bắt buộc đối với mọi cơ quan nhà nước, các tổ chức và công dân của nước Cộng hòa Bulgaria. Các thành viên của Quốc hội không chỉ đại diện cho cử tri tại khu vực bầu cử mà còn đại diện cho toàn thể nhân dân. Mọi hoạt động của họ đều tuân theo Hiến pháp và pháp luật, nhưng cũng phù hợp với trách nhiệm và lương tâm.

Minh Hạnh