Giới thiệu chung về OSCE PA

23/11/2006 00:00

Hội đồng Nghị viện (OSCE PA) là cơ quan nghị viện của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), với 35 quốc gia thành viên, có khu vực địa lý kéo dài từ Vancouver đến tận Vladivostok. Nhiệm vụ ban đầu của 317 nghị sỹ Hội đồng là tạo điều kiện cho đối thoại liên nghị viện –yếu tố quan trọng trong mọi cố gắng để đạt được mục tiêu dân chủ trong khu vực OSCE.

      Tuyên bố Madrid và truyền thống mới của OSCE
      Tháng 4.1991, theo lời mời của Nghị viện Tây Ban Nha, các lãnh đạo cấp cao nhất của Nghị viện các nước thành viên OSCE đã có mặt tại Madrid, Tây Ban Nha, để thành lập một Hội đồng Nghị viện của Hội nghị An ninh và Hợp tác Châu Âu (CSCE, nay là Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu -OSCE). Kết quả cuộc gặp là Tuyên bố Madrid, văn bản đặt nền tảng các quy định về thủ tục, phương pháp làm việc, quy mô cũng như nhiệm kỳ và hình thức bầu cử của Hội đồng.
      Phiên họp chính thức đầu tiên của Hội đồng Nghị viện đã diễn ra ở Budapest vào đầu tháng 7.1992. Tại đây, Hội đồng đã quyết định chấp nhận mong muốn của Nghị viện Đan Mạch là hình thành một Ban Thư ký quốc tế ở Copenhagen. Cùng năm đó, tại cuộc họp ở Prague, Hội đồng Bộ trưởng của OSCE đã đi bước trực tiếp đến hoạt động đối thoại bằng việc tuyên bố rằng Chủ tịch OSCE có nhiệm vụ chuẩn bị báo cáo cho Hội đồng Nghị viện về công việc của OSCE, trả lời các câu hỏi của các nghị sỹ, qua đó, ghi nhận các quan điểm của nghị sỹ và chuyển cho Hội đồng Bộ trưởng. Từ đó, hoạt động này đã trở thành truyền thống của OSCE.
      Vai trò ngày một tăng
      Kể từ sau hội nghị lần đầu tiên, OSCE PA đã trở thành một trong những thể chế quan trọng nhất của OSCE và là cơ quan đưa ra nhiều ý tưởng, đề xuất mới. 
      Tại Hội nghị thường niên lần thứ nhất ở Budapest năm 1992, thứ hai ở Helsinki năm 1993 và lần thứ ba ở Vienna năm 1994, OSCE PA đều tập trung đưa ra phương hướng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Nam Tư cũ, vấn đề an ninh Châu Âu, gìn giữ hòa bình, hợp tác về môi trường và nhân quyền. Riêng Tuyên bố chung tại Hội nghị lần thứ ba, OSCE PA đã nhấn mạnh đến sự hình thành của một Bộ luật Ứng xử trong lĩnh vực chính trị và an ninh quân sự, thảm kịch Chernobyl, Tòa án quốc tế xét xử Tội phạm chiến tranh và tình hình nhân quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ. 
      Hội nghị thường niên lần thứ tư là lần đầu tiên được tổ chức ở một nước Châu Mỹ. Bản Tuyên bố chung Ottawa năm 1995 này đã đưa ra một loạt các giải pháp và đề xuất của các nghị sỹ cho OSCE về các hoạt động liên quan đến Nam Tư cũ, khu vực Baltic, Chesnia và Moldova. Tại đây, Hội đồng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố vai trò và các thể chế của OSCE và kêu gọi vì sự phát triển và đưa ra tiêu chí để đình chỉ sự tham gia của một nhà nước thành viên nếu trắng trợn không thực hiện đầy đủ các quyết định của OSCE cũng như  các nhiệm vụ mà OSCE giao phó.
      Hội nghị thường niên lần thứ 5 tại Stockholm năm 1996 tập trung vào tranh luận về hình mẫu an ninh hỗn hợp cho Châu Âu trong thế kỷ 21. Tuyên bố chung tại hội nghị đã nhắc lại sự ủng hộ của OSCE PA với việc thông qua khái niệm khái quát về an ninh, về căng thẳng, tầm quan trọng của việc ổn định kinh tế và phát triển môi trường bền vững. OSCE PA cũng kêu gọi thành lập một khu vực an ninh chung của Châu Âu, tại đó các quyết định của OSCE có thể được thi hành. Để bảo đảm các quyết định của OSCE, Tuyên bố chung Stockholm cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải phát triển và củng cố chính sách ngoại giao phòng ngừa, dự đoán xung đột và kế hoạch tái thiết hậu xung đột...
      Tại cuộc họp lần thứ 7, OSCE PA tập trung vào cấu trúc, thể chế và các triển vọng đặc biệt của OSCE. Hội đồng đã thông qua Tuyên bố Copenhagen trong đó thừa nhận rằng để đạt được mục tiêu là các quy định và nhiệm vụ mà OSCE đưa ra được thực hiện đầy đủ, hiệu quả, thì OSCE cần có những công cụ phù hợp. Hội đồng cũng tiếp tục kêu gọi xem xét lại các thủ tục ra quyết định của OSCE và đề nghị Hội đồng Bộ trưởng OSCE xem xét mở rộng cơ chế đồng thuận trừ một đang áp dụng cho việc thông qua ngân sách, huy động quân đội và chọn nhân sự.
      Hướng đến thiên niên kỷ mới, hội nghị thường niên lần thứ 8 năm 1999 ở St.Petersburg đã thông qua nhiều nghị quyết về chủ đề chính là An ninh chung và Dân chủ trong Thế kỷ 21. Tuyên bố chung cuối hội nghị cũng nói về tình hình tại Kosovo, vai trò của OSCE trong việc đoán trước khủng hoảng và giải quyết khủng hoảng, vấn đề buôn bán phụ nữ và trẻ em...
      Tuyên bố Berlin năm 2002 đã lên án mọi hành động khủng bố dù dưới hình thức gì và bắt nguồn từ nguyên nhân nào, đồng thời, nhấn mạnh tình đoàn kết của OSCE PA trong nhiệm vụ chống khủng bố. Tuyên bố cũng nhắc nhở các nước thành viên OSCE rằng mọi biện pháp có thể làm hạn chế nhân quyền và các quyền tự do cơ bản nhằm chống khủng bố vẫn phải tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế và các quy định của OSCE. 
      Cứ như vậy, các hội nghị của OSCE PA đều theo sát tình hình chính trị thực tế, các nghị sỹ luôn đưa ra những khuyến nghị, cũng như các đề xuất giải pháp thiết thực cho Hội đồng Bộ trưởng OSCE. Chính vì thế mà liên tục các Hội nghị Thượng đỉnh của OSCE đều khẳng định lại mối quan tâm của các nhà nước thành viên đối với sự tham gia tích cực của các nghị sỹ trong quá trình tiến triển của tổ chức.

Hoàng Linh