Lịch sử ra đời “Ngày Nhà giáo Việt Nam”

- Thứ Năm, 17/11/2022, 07:36 - Bản đầy đủ

Sự ra đời của “Ngày Nhà giáo Việt Nam” gắn liền với lịch sử của tổ chức Giáo giới tiến bộ trên thế giới.

Để bảo vệ quyền lợi chân chính của các nhà giáo, tháng 7 năm 1946, Liên hiệp quốc tế các Công đoàn giáo giới được thành lập ở Pari (Pháp). Năm 1954 với nòng cốt là các nhà giáo xã hội chủ nghĩa đã nhất trí thông qua bản “Hiến chương các Nhà giáo”.

Hội nghị quốc tế các nhà giáo lần thứ 2 (tháng 8/1957) đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là “Ngày quốc tế Hiến chương các Nhà giáo”. Ở Việt Nam, ngày 20/11/1958, lần đầu tiên ngày “Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo” được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta.

Khi đất nước thống nhất, ngày 20/11 đã được tổ chức rộng rãi trong cả nước và dần dần trở thành ngày truyền thống của giáo giới Việt Nam.

Để thể hiện đầy đủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ giáo viên, cũng như nêu rõ vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát huy truyền thống của nhân dân ta luôn tôn trọng, quý mến thầy giáo và cô giáo; theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982, nêu rõ: hàng năm sẽ lấy ngày 20 tháng 11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.

 Ngày 20.11.1982 đã đi vào lịch sử Việt Nam, khi chính thức được công nhận là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Ngày vinh danh nghề dạy học và nhà giáo, được tổ chức trọng thể trên toàn quốc, trở thành ngày hội truyền thống của các nhà giáo Việt Nam và của toàn dân quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, ngày cả xã hội thể hiện tình cảm, tấm lòng trân trọng tri ân đối với đội ngũ các thầy giáo, cô giáo, vì những đóng góp to lớn của họ cho sự nghiệp trồng người.

 Ngày 20.11.1982 đã đi vào lịch sử Việt Nam, khi chính thức được công nhận là Ngày Nhà giáo Việt Nam

Theo PGS.TS. Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, kế thừa tinh thần các kỳ đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng rất quan tâm đến phát triển giáo dục và đào tạo và tiếp tục khẳng định “Giáo dục và đào tạo có vị trí then chốt”, những điểm mới về giáo dục, đào tạo trong các văn kiện Đại hội XIII thể hiện rõ ý nghĩa sâu sắc.

Khẳng định tính kế thừa, sự nhất quán trong quan điểm của Đảng ta, luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, thực hiện khát vọng phát triển đất nước trong thời gian tới.

Thể hiện sự nhanh nhạy của Đảng, Nhà nước Việt Nam, thích ứng với xu thế thời đại, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, thành tựu của giáo dục và đào tạo trên thế giới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Bên cạnh đó, tiếp tục làm sáng tỏ hệ thống lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có lộ trình và bước đi phù hợp, lấy con người là trung tâm, trên nền tảng của sự phát triển  giáo dục và đào tạo.

Nhật Hồng

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP