Hiện thực cam kết Net Zero 2050: Cần lộ trình cụ thể và quyết tâm cao độ

- Thứ Sáu, 13/01/2023, 14:15 - Chia sẻ

Tại Diễn đàn "Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero 2050): Từ cam kết đến hành động" vừa được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia khẳng định, bất cứ lộ trình giảm phát thải nào cũng đều cần quyết tâm từ các cơ quan quản lý và sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng, doanh nghiệp.

Đây là dịp để nhìn lại quá trình từ cam kết đến hành động của Chính phủ Việt Nam kể từ sau COP26. Qua đó, thấy những gì đã làm được, những gì cần làm tiếp theo để hiện thực hóa cam kết một cách tốt nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Nhìn lại quá trình từ cam kết đến hành động

Phát biểu đề dẫn tại diễn đàn, PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường nhấn mạnh, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu là vấn đề hết sức cấp thiết hiện nay.  

Cần lộ trình cụ thể và quyết tâm cao độ -0
PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường phát biểu khai mạc Diễn đàn

Tại COP26 (2021), Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế nhờ những cam kết mạnh mẽ (Đưa phát thải carbon về 0 vào năm 2050). Ngay sau đó, Chính phủ lập tức thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng các để án và kế hoạch hành động nhằm hiện thực hóa cam kết của Thủ tướng tại COP26.

“Diễn đàn sẽ nhìn lại quá trình từ cam kết đến hành động của Chính phủ Việt Nam từ sau COP26. Nhìn lại chúng ta đã làm được những gì và cần phải làm những gì tiếp theo để hiện thực hóa cam kết tại COP26 một cách tốt nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất", PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhấn mạnh.

Tham dự trực tuyến từ Đại học Quốc gia Úc, TS. Đỗ Nam Thắng khẳng định: quốc tế đánh giá rất cao cam kết của Việt Nam tại COP26 cùng những hành động nhanh, quyết liệt của các cơ quan Chính phủ trong triển khai cam kết này. "Dựa trên kinh nghiệm quốc tế và tại Úc, theo tôi lộ trình giảm phát thải carbon gồm có 4 bước: Một là, tăng cường công tác tiết kiệm năng lượng; hai là, chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo; ba là, điện hóa các quá trình sản xuất, dịch vụ và sinh hoạt; bốn là, tăng hấp thụ carbon và khí nhà kính khác bằng cách mở rộng diện tích rừng, đặc biệt là hệ sinh thái biển", TS. Đỗ Nam Thắng đề xuất.

Cần lộ trình cụ thể và quyết tâm cao độ -0
TS. Đỗ Nam Thắng (Đại học Quốc gia Úc) tham gia Diễn đàn dưới hình thức trực tuyến

TS. Đỗ Nam Thắng khuyến nghị, để đạt phát thải ròng bằng 0 cần sự hợp tác của các bên liên quan. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, tạo hành lang pháp lý thuận lợi. Doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào sản xuất và cũng là bên tiêu dùng năng lượng lớn, là đối tượng chính phải giảm phát thải. Bên cạnh đó, tiếng nói của cộng đồng, các tổ chức xã hội dân sự, giới khoa học cũng rất quan trọng, đặc biệt trong chuyển đổi nhận thức, hành động trong những vấn đề như tiêu dùng giảm phát thải, giá năng lượng…

Sớm xây dựng tiêu chí phân loại xanh và kinh tế tuần hoàn

Kể từ sau COP26 đến nay, Việt Nam  có hàng loạt các hành động, bước đi mạnh mẽ để hiện thực những cam kết. Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết tại COP26 được thành lập do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng ban đã nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế. Tại COP 27 vừa diễn ra cuối năm 2022, một lần nữa, phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (hiện là Phó Thủ tướng Chính phủ) làm Trưởng đoàn đã tái khẳng định trước toàn thế giới về cam kết của Việt Nam đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Cần lộ trình cụ thể và quyết tâm cao độ -0
Các chuyên gia và khách mời tham dự Diễn đàn "Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero 2050):  Từ cam kết đến hành động"

Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Đình Thọ cho biết: năm 2022, Việt Nam cùng các đối tác quốc tế đã thông qua Tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Thông qua cơ chế này, Việt Nam có thể nhận được hơn 15 tỷ USD từ các nước đối tác, nhưng đi kèm là áp lực nặng nề về giảm phát thải từ điện than hàng năm. Việt Nam sẽ phải đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 thay vì 2035 như mục tiêu trước đây và sẽ phải nỗ lực rất nhiều để đạt phát thải ròng bằng 0.

Muốn phát thải ròng bằng 0, các ngành kinh tế và các địa phương đều phải phát thải ròng bằng 0. Vì thế, cần lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quốc gia, các ngành, địa phương, doanh nghiệp. Một vấn đề nữa là xây dựng tiêu chí phân loại xanh để giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn nhanh hơn. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ dự thảo Quyết định về ban hành tiêu chí môi trường và xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Trong năm nay, Bộ cũng sẽ xây dựng Kế hoạch quốc gia về kinh tế tuần hoàn.

Hình thành, phát triển thị trường carbon ở Việt Nam

Tại diễn đàn, vấn đề hình thành và phát triển thị trường carbon ở Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học, chuyên gia. PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường chia sẻ: Thị trường carbon về nguyên lý được xây dựng dựa trên những nguyên tắc vận hành của thị trường cạnh tranh “thuận mua, vừa bán” và đôi bên cùng có lợi. Mặt khác đối với giảm thiểu carbon, nhà nước sẽ đạt được mục tiêu mong muốn giảm thiểu carbon theo kế hoạch đã định của mình.

Cần lộ trình cụ thể và quyết tâm cao độ -0
Toàn cảnh Diễn đàn "Phát thải ròng bằng 0" (Net Zero 2050): Từ cam kết đến hành động

Theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26, Việt Nam sẽ đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này đồng nghĩa với việc tổng lượng carbon phát thải ra môi trường sẽ bằng tổng lượng carbon giảm đi (thu về), như vậy số tín chỉ phát thải carbon ra môi trường sẽ bảo đảm phát thải ròng bằng 0.

Để hình thành và phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, một số kiến nghị đã được đưa ra cần thực hiện đồng bộ và kịp thời. Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Bộ Tài Chính cần sớm xây dựng đề án thành lập thị trường carbon trình Thủ tướng Chính phủ để chuẩn bị đến năm 2025 sàn giao dịch tín chỉ carbon tiến hành vận hành thí điểm.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm tiến hành triển khai kiểm kê khí nhà kính khí nhà kính của hơn 1900 doanh nghiệp đã xác định, đây là căn cứ đầu tiên để làm cơ sở cho các doanh nghiệp khẳng định mình là đối tượng thuộc diện nào trong quy định hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Đối với doanh nghiệp cần chuẩn bị khả năng tham gia của doanh nghiệp mình. Chẳng hạn, nếu là doanh nghiệp sản xuất phát thải khí nhà kính cần xác định khối lượng phát thải tại doanh nghiệp, số lượng tín chỉ cần có…để chủ động đăng ký khi cần cho cơ quan quản lý nhà nước và tính toán khả năng tham gia thị trường mua hay bán khi thị trường carbon trong nước đi vào vận hành trước năm 2025.

Cần lộ trình cụ thể và quyết tâm cao độ -0
Ban tổ chức và chuyên gia khách mời chụp hình lưu niệm tại Diễn đàn

Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Sỹ Linh, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường khuyến nghị: cần có lộ trình áp dụng mức giá carbon mà Liên minh châu Âu và một số quốc gia khác dự kiến áp dụng đến các doanh nghiệp Việt Nam để có lộ trình điều chỉnh việc áp dụng công cụ định giá carbon phù hợp. Nghiên cứu, xác định các rào cản về kỹ thuật để xác định thuế suất carbon phù hợp để đạt được các mục tiêu tạo ra động lực cho việc đầu tư hiệu quả vào các phương án carbon thấp và tránh tác động tiêu cực lên mục tiêu phát triển và ổn định kinh tế, đồng thời xác định phạm vi thuế carbon áp dụng lên các đối tượng chịu thuế nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội trong nỗ lực chung để giảm phái thải khí nhà kính.

Tuấn Nguyên
#