Trong số 4 dự án phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thuộc 12 dự án thua lỗ, yếu kém ngành công thương, Công ty cổ phần DAP-Vinachem là đơn vị đầu tiên được đưa ra khỏi danh sách này. Công ty tiếp tục duy trì mức lợi nhuận ổn định kể từ năm 2018 đến nay.
Năm 2024, mặc dù Công ty phải dừng máy dài ngày do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, nhưng Dự án DAP- Vinachem (DAP Hải Phòng) vẫn đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Tính đến hết tháng 10.2024, sản lượng DAP đạt 194.000 tấn (đạt 95% so với cùng kỳ). Doanh thu 2.782 tỷ đồng (đạt 101% so với cùng kỳ); lãi 156 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 lãi 26 tỷ đồng; đạt 125% kế hoạch năm), ước thực hiện năm 2024 đạt 200 tỷ (đạt 160% Kế hoạch năm). Theo đánh giá, kết quả này không chỉ góp phần giúp Việt Nam chấm dứt thời kỳ lệ thuộc nguồn cung phân bón DAP từ nước ngoài, mà sản phẩm phân bón của doanh nghiệp còn được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
3 dự án còn lại là: Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất Đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình và Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai cũng đã và đang được tháo gỡ, xử lý. Kết quả kinh doanh đến nay của các đơn vị cho thấy hướng xử lý là đúng đắn; các dự án này của Vinachem đã duy trì được sản xuất kinh doanh, nỗ lực làm chủ công nghệ, từng bước nâng cao được công suất chạy máy bình quân so với thiết kế.
Năm 2022, lãi của 3 dự án đạt hơn 2.600 tỉ đồng, tăng hiệu quả hơn 2.800 tỉ đồng so với năm 2021; Năm 2023 ba đơn vị này tiếp tục duy trì mức lãi với hơn 1.000 tỷ đồng, qua đó góp phần giúp Vinachem đạt lợi nhuận 108% kế hoạch năm, đóng góp ngân sách và đảm bảo duy trì việc làm, đời sống hàng nghìn lao động.
Cụ thể, Nhà máy Đạm Ninh Bình suốt một thời gian dài nằm trong danh sách 12 dự án yếu kém ngành công thương. Tính đến ngày 31.12.2021, nhà máy còn nợ 12.000 tỷ đồng. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt từ phía Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, những khó khăn của Dự án đã và đang tích cực được tháo gỡ.
Không chỉ trả dần được các khoản nợ, tính đến hết tháng 10.2024, hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị đã đạt và vượt mức tất cả các chỉ tiêu được xây dựng từ đầu năm 2024. Giá trị về sản lượng công ty đạt và vượt 20% so với kế hoạch đặt ra. Cụ thể: Sản lượng urê quy đổi của Dự án Đạm Ninh Bình đạt 424.000 tấn (đạt 123% so với cùng kỳ); Doanh thu 3.976 tỷ đồng (đạt 119% so với cùng kỳ). Tháng 10.2024 Công ty đã có lãi, cả năm dự kiến sẽ giảm lỗ.
Giám đốc xưởng thành phẩm, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình Trịnh Quang Đô cho biết: Hiện nay, nhà máy đang hoạt động, vận hành ổn định, giao tải bình thường nên mọi thiết bị chạy ổn định và gần hết công suất, gần đạt 100%.
Còn tại Dự án DAP số 2, từ việc lỗ luỹ kế trong giai đoạn 2015 - 2021, với cố gắng, nỗ lực, đến năm 2022 là năm đầu tiên Công ty sản xuất kinh doanh có lãi, trả được một phần nợ gốc vay ngân hàng, việc làm của người lao động được đảm bảo, thu nhập của người lao động năm 2022 đạt 11,5 triệu/người/tháng, là yếu tố quan trọng để người lao động yên tâm công tác. Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022 đạt lợi nhuận 3,675 tỷ đồng, giảm lỗ 319 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2022 và giảm lỗ 130 tỷ đồng so với năm 2021.
Theo thông tin từ Vinachem, tính đến hết tháng 10.2024, Dự án DAP số 2 - Vinachem (DAP Lào Cai) sản lượng DAP đạt 194.000 tấn (đạt 124% so với cùng kỳ); Doanh thu 2.782 tỷ đồng (đạt 120% so với cùng kỳ). Lãi 96 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 696 tỷ đồng; đạt 148% Kế hoạch năm). Ước thực hiện năm 2024 đạt 102 tỷ (đạt 157% Kế hoạch năm).
Tại doanh nghiệp sản xuất phân đạm Urê đầu tiên của cả nước, với bề dày truyền thống trên 60 năm hình thành và phát triển - Đạm Hà Bắc, đến hết tháng 10.2024, mặc dù Quý II công ty dừng máy 45 ngày đại tu máy móc thiết bị theo kế hoạch nhưng sản lượng urê quy đổi vẫn đạt 353.000 tấn (đạt 94% so với cùng kỳ), doanh thu 3.153 tỷ đồng (đạt 104% so với cùng kỳ).
Theo lãnh đạo Vinachem, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện Đề án 1468 về xử lý các tồn tại của 12 dự án yếu kém của ngành công thương; Đề án tái cơ cấu Vinachem đến năm 2025 được Chính phủ phê duyệt, trong đó nhấn mạnh việc xử lý dứt điểm các công ty hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả vào năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh giảm lãi suất vay, phương án kéo dài thời gian vay vốn và xoá nợ lãi vay của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho các khoản nợ vay tại Ngân hàng phát triển Việt Nam là những chính sách quan trọng để tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ hội cho các dự án này hồi sinh mạnh mẽ.