Thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu:

Việt Nam nên giành quyền đánh thuế và bù đắp cho doanh nghiệp

- Thứ Tư, 19/04/2023, 03:59 - Chia sẻ

Việt Nam nên chủ động áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và có chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp FDI chịu tác động. Đây là khuyến nghị của các chuyên gia tại hội thảo “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 18.4.

Phần lớn quốc gia áp dụng từ năm 2024

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) với mục đích ngăn chặn các hành vi làm xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận. 

Các đại biểu dự hội thảo  Nguồn: vtv.vn
Các đại biểu dự hội thảo. Nguồn: vtv.vn

Đến nay, khung giải pháp hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế (gọi tắt là thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu) đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước thành viên, trong đó có Việt Nam.  Trong đó, Trụ cột 1 là phân bổ thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên kỹ thuật số. Trụ cột 2 đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế. Cụ thể, các công ty có doanh thu toàn cầu từ 750 triệu euro (tương đương 870 triệu USD) trở lên sẽ bị áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu ở mức 15%. Các công ty hưởng thuế suất thấp hơn mức 15% tại quốc gia đầu tư sẽ phải nộp bổ sung khoản chênh lệch tại nước đặt trụ sở chính.

Theo nguyên tắc đã được công bố, các nước thành viên không bắt buộc phải áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng nếu lựa chọn áp dụng các quy định này sẽ phải thực hiện nhất quán theo hướng dẫn. Trong trường hợp một nước không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận các quy định thuế tối thiểu toàn cầu được các thành viên khác áp dụng.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, phần lớn các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%). Trong đó có các nước, vùng lãnh thổ có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore. Các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài cũng đang nghiên cứu chính sách ứng phó, tránh việc các tập đoàn phải nộp thuế bổ sung về nước mà công ty mẹ đóng trụ sở chính; đồng thời tìm kiếm giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân các công ty thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút các công ty mới.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024. Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh động thái rõ ràng của các nước đang phát triển và các nước là đối thủ cạnh tranh đầu tư như trên, nếu Việt Nam không hành động - tức là không tham gia vào cuộc cạnh tranh mới - thì sẽ phải đối mặt với 2 vấn đề, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng Giám đốc Tư vấn thuế Công ty TNHH Deloitte Việt Nam nói. Một là mất đi nguồn thu thuế bổ sung tiềm năng từ thu nhập phát sinh tại quốc gia của mình, sau đó sẽ bị đánh thuế bổ sung ở bất kỳ quốc gia khác; trước mắt là hơn 12.000 tỷ đồng trong năm 2024 theo ước tính của Bộ Tài chính. Hai là, ảnh hưởng lợi thế cạnh tranh đầu tư một cách tiêu cực nếu các nước khác thay đổi chính sách đầu tư và chính sách thuế đem lại lợi ích tài chính cho các công ty hơn.

Ông Đặng Ngọc Minh cũng cho rằng, nếu thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng và Việt Nam không có những giải pháp ứng phó kịp thời, những lợi ích mang lại từ các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà các dự án được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tính hấp dẫn dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án. 

“Việt Nam không có cách nào để đứng ngoài cuộc”

“Trong cuộc chơi thuế tối thiểu toàn cầu, mỗi quốc gia đều phải chủ động để bảo về quyền lợi của mình vì không có cách nào để đứng ngoài cuộc”, ông Robert King, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam nói tại hội thảo. Với vị trí là một nước tiếp nhận đầu tư, ông khuyên Việt Nam chủ động giành quyền đánh thuế và tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi để bảo đảm cạnh tranh hiệu quả trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Về cách đánh thuế, ông Robert King gợi ý Việt Nam áp dụng “thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn” (viết tắt là QDMTT) theo quy tắc mẫu GloBE thay vì áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung chung (15%). Lý do là nếu Việt Nam áp dụng thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn, thu nhập của công ty con phát sinh tại Việt Nam sẽ không phải chịu thêm bất kỳ khoản thuế bổ sung nào theo các quy tắc mẫu GloBE tại bất kỳ quốc gia nào khác. Bên cạnh đó, thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn có thể được thiết kế để chỉ tập trung vào các đối tượng thực sự bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu trong khi các đối tượng khác vẫn có thể tiếp tục với các chính sách thuế hiện hành. Nếu Việt Nam nâng thuế suất chung lên 15% thì vừa có nguy cơ không đạt chuẩn, vừa khó thiết kế để phân biệt các nhóm đối tượng áp dụng.

Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Viện Đào tạo và Nghiên cứu của BIDV cho rằng, Việt Nam cần ban hành quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn như là một cơ chế phản ứng nhanh để bảo vệ quyền đánh thuế thay vì nhường quyền đánh thuế cho các quốc gia khác.

Các chuyên gia dự hội nghị nhất trí cho rằng, khi các công cụ ưu đãi về thuế không còn phát huy hiệu quả trong thu hút đầu tư, Việt Nam cần có biện pháp hỗ trợ để duy trì tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Các biện pháp hỗ trợ cần đạt được hai mục tiêu quan trọng: đem lại lợi ích thực sự cho nhà đầu tư và không vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như tuân thủ các quy tắc của thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo TS. Cấn Văn Lực, để bù đắp một phần cho các đối tượng sẽ chịu tác động, Việt Nam cần có chính sách, biện pháp ứng xử phù hợp với 2 nhóm nhà đầu tư. Với những nhà đầu tư FDI đang hoạt động tại Việt Nam, có thể có hỗ trợ tiền thuê đất, cho phép tính một số khoản được khấu trừ thuế, đào tạo nguồn nhân lực, chi phí R&D, giải phóng mặt bằng, nhà ở công nhân.... “Nên áp dụng mức độ khác nhau với nhóm nhà đầu tư, loại dự án khác nhau”, ông Lực nói. Với những nhà đầu tư FDI sẽ vào Việt Nam từ đầu năm 2024, có thể áp dụng một số chính sách hỗ trợ tương tự, thậm chí cao hơn đối với các lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế chung trên toàn cầu cùng lúc các quy tắc mới về thuế tối thiểu được áp dụng, đây có thể xem như là tác động kép đối với các doanh nghiệp. Đối tượng ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu lại là các doanh nghiệp lớn mà Việt Nam đang muốn thu hút. Vì vậy, tại thời điểm này, sự đồng hành của Chính phủ với nhà đầu tư là yếu tố đặc biệt quan trọng hơn bao giờ hết để giữ chân và thu hút “đại bàng”, ông Robert King, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam lưu ý.

Hà Lan