Khuyến công Hà Nội tiếp sức cho cơ sở công nghiệp nông thôn

- Thứ Sáu, 19/05/2023, 10:48 - Chia sẻ

Những năm qua, công tác khuyến công trên địa bàn TP. Hà Nội mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, từ đó các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở công nghiệp nông thôn từng bước nâng cao năng lực sản xuất.

Có sức lan tỏa mạnh mẽ

Chương trình khuyến công của Hà Nội có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các địa bàn nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, thực hiện xây dựng mô hình nông thôn mới trên địa bàn các huyện, thị xã.

Khuyến công Hà Nội tiếp sức cho cơ sở công nghiệp nông thôn -0
Các chương trình khuyến công giúp cơ sở công nghiệp nông thôn, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. Ảnh: VGP

Trong năm 2022, với chương trình khuyến công, thành phố hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ 10 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; hỗ trợ hơn 450 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm hàng lưu niệm, quà tặng, hàng thủ công mỹ nghệ năm 2022; hỗ trợ 35 cơ sở công nghiệp nông thôn thiết kế mẫu mã, bao bì và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.

Đặc biệt, việc tổ chức Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội hằng năm đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ giao lưu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, thị trường, cơ hội kinh doanh, trao đổi kinh nghiệm thiết kế mẫu mã sản phẩm; tổ chức hội thảo, hội nghị giao thương, các tour du lịch làng nghề, tuần lễ trưng bày theo chủ đề, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, quảng bá sản phẩm…

Đánh giá về hiệu quả chương trình khuyến công của thành phố Hà Nội đem lại cho doanh nghiệp, nghệ nhân làng gốm Bát Tràng Nguyễn Trung Kiên cho biết, từ khi sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng thông qua chương trình khuyến công, các sản phẩm ở Bát Tràng đẹp, chi phí sản xuất thấp hơn, chỉ tiêu về môi trường trong xây dựng nông thôn mới được bảo đảm.

Còn theo ông Ðặng Cao Năm, chủ doanh nghiệp Năm Lan (làng nghề kim khí Phùng Xá, huyện Thạch Thất), sau khi tham gia lớp tập huấn khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội tổ chức, các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề đã nắm bắt được kế hoạch phát triển công nghiệp của Thành phố để định hướng phát triển sản xuất; đồng thời được hỗ trợ kinh phí đầu tư thiết bị, quảng bá sản phẩm. Đây là những vấn đề cơ sở sản xuất làng nghề còn thiếu và yếu.

Tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, năm 2023, Hà Nội sẽ hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc 6 nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ ứng dụng công nghệ chuyển đổi số để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên môi trường mạng.

Theo đó, Sở Công thương đã tham mưu trình UBND TP. Hà Nội triển khai chương trình khuyến công, phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, sản xuất, tiêu dùng bền vững giai đoạn đến năm 2025.

Trong đó, sẽ hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc các ngành có tiềm năng, thế mạnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu; nâng cao năng lực quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển sản phẩm, thị trường bền vững...

Riêng với ngành thủ công mỹ nghệ, TP Hà Nội phấn đấu giai đoạn 2021-2025, trên 10.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn Thành phố được hỗ trợ từ chương trình khuyến công; tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động nông thôn; tạo ra khoảng 2.000 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thiết kế mới phục vụ xuất khẩu…

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội Đào Hồng Thái cho biết, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề, trong đó chú trọng khuyến khích áp dụng công nghệ mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất làng nghề; hỗ trợ vốn đầu tư, đào tạo lao động, mở rộng mặt bằng... để các hộ sản xuất, doanh nghiệp làng nghề có điều kiện hoạt động tốt nhất, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế Thủ đô và bảo đảm an sinh xã hội.

Đồng thời, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất ở các cơ sở công nghiệp nông thôn sẽ gắn hoạt động hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy thiết kế sáng tạo, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm.

Diệu Anh
#