Công nghiệp hỗ trợ

Doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy để không lỗi nhịp

- Thứ Hai, 21/11/2022, 09:49 - Chia sẻ

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn với nhiều tập đoàn công nghiệp lớn của thế giới. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn này lại chưa nhiều. Điều này cho thấy, năng lực chuyên môn, chiến lược kinh doanh, khả năng tận dụng thời cơ của nhiều công ty trong nước còn yếu, doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy để không lỗi nhịp.

Vắng bóng doanh nghiệp Việt tại các chuỗi cung ứng

Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành này cao nhất thế giới. Đến nay, các sản phẩm điện tử và linh kiện đã trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay rất thấp, chỉ đạt khoảng 10%, với các linh kiện giản đơn dễ làm. Số lượng doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cần có chiến lược dài hạn và chủ động nâng cao nôi lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cần có chiến lược dài hạn và chủ động nâng cao nôi lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo đó, Samsung Việt Nam đến nay có hơn 40 nhà cung cấp thuần Việt trong khi có hàng trăm linh kiện cần nội địa hóa; Canon Việt Nam có 147 nhà cung cấp tại Việt Nam nhưng trong số này chỉ có hơn 20 nhà cung cấp thuần Việt...

Một ví dụ điển hình nữa cho vấn đề này là hiện Việt Nam xếp thứ 6 về số lượng công ty đối tác của Apple. Thời gian tới, thứ hạng của Việt Nam được dự đoán còn tăng. Đây là cơ hội lớn, tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam được dự báo vẫn khó nhập cuộc. Cụ thể, trong danh sách hơn 200 đối tác cung cấp linh kiện cho công ty Apple (Mỹ), có 25 doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả các đối tác của Apple tại Việt Nam đều là công ty nước ngoài, không có doanh nghiệp trong nước nào tham gia.

Nghiên cứu về "Năng lực động của doanh nghiệp Việt Nam: Hiện trạng, vị trí trong chuỗi giá trị và hàm ý cho hợp tác đa phương", do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, cho thấy những vấn đề đáng quan ngại. Trong 500 công ty xuất nhập khẩu thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo được khảo sát thì có tới 53,3% doanh nghiệp cho biết không đặt mục tiêu gì khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp thiếu sự định hướng rõ ràng. Không những thế, mục tiêu mà doanh nghiệp đặt ra chỉ nằm ở ý tưởng, mong muốn chứ chưa đi vào thực thi. Chỉ có 10,2% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch thực hiện trong dài hạn và 15,3% có chiến lược, định hướng tổng thể trong dài hạn. Ngoài ra, có tới 64,7% cho biết chưa có sự chuẩn bị gì khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại Hội thảo “Cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Vai trò của nâng cao năng lực và đổi mới sáng tạo” do VCCI tổ chức trước đó, ông Phạm Thanh Tùng, Phòng Công nghiệp hỗ trợ, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, đa số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều thừa nhận không có thế mạnh về khả năng ứng phó với sự thay đổi môi trường, khả năng nghiên cứu phát triển sản phẩm, tầm nhìn chiến lược sản xuất và hệ thống quản lý... Nhưng khi được hỏi mong muốn có giải pháp hỗ trợ gì, phần lớn doanh nghiệp chỉ muốn được hỗ trợ về thuế, thủ tục hành chính, vốn... chứ không phải là giải pháp để giải quyết những điểm yếu chính họ đã chỉ ra. Đây chính là thách thức không nhỏ trong quá trình thiết kế và triển khai các chính sách phát triển công nghiệp bởi sự khác biệt này.

Thay đổi tư duy, nâng cao năng lực để vươn xa

Ông Pham Thanh Tùng cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tập trung vào "phần ngọn" hơn là giải quyết các vấn đề “phần gốc” mang tính dài hạn, như xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực, làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng kết nối mạng lưới, tăng cường đáp ứng quy chuẩn và quản trị rủi ro...

Các chuyên gia cũng cho rằng, với độ mở cửa lớn và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, tình trạng thiếu chủ động, thiếu sự chuẩn bị của doanh nghiệp như hiện nay sẽ làm doanh nghiệp trong nước lỗi nhịp với thời đại và mất vị thế ngay trên “sân nhà”. Mặt khác, các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận được các ưu đãi, hỗ trợ từ các chương trình của Nhà nước vẫn còn khá thấp. Chỉ có 17% số doanh nghiệp cho hay tiếp cận được một trong những chương trình này, chứng tỏ độ bao phủ của các chính sách còn khá hạn hẹp.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ: hoặc tiếp tục xuất khẩu dựa vào gia công, lắp ráp, có giá trị gia tăng thấp; hoặc đa dạng hoá và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu để tham gia vào công đoạn đem lại giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, đứng trước ngã rẽ này, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bùi Trung Nghĩa, nếu nắm bắt cơ hội trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đang diễn ra, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần chủ động tìm kiếm giải pháp tăng cường kết nối, tập trung đầu tư để từng bước chuyển đổi quy trình sản xuất, nâng cấp máy móc, thiết bị; đào tạo nguồn nhân lực để đẩy nhanh thay đổi quy trình công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại và cải thiện năng suất lao động. Chính phủ cần có chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng minh bạch, bình đẳng, thuận lợi và tiếp cận dễ nhất, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong việc xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; cần đánh kỹ giá tác động của các chính sách đã ban hành, từ đó xác định và điều chỉnh nội dung, cũng như đề xuất các chương trình cải cách trong tương lai. Đồng thời, xây dựng nền tảng giúp cho doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu về năng lực quản trị, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ,... Xây dựng các chiến lược, mục tiêu và kế hoạch cụ thể; thực hiện, phân bổ các nguồn lực hợp lý; tận dụng sự hỗ trợ từ các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và các đối tác…

Tùng Dương
#