Chuyển hướng xuất khẩu cá ngừ sang thị trường ngách

- Chủ Nhật, 02/04/2023, 06:42 - Chia sẻ

Gặp khó khăn ở thị trường chính, doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đã nhanh chóng chuyển hướng sang các thị trường ngách như EU, Israel, Thái Lan, Nga…

Xuất khẩu sang Mỹ giảm hơn một nửa

Theo số liệu của Hải quan, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 2 giảm 13% so với cùng kỳ, tháng 3 tiếp tục giảm 33%. Ước tính quý I, xuất khẩu cá ngừ chỉ đạt 179 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong đó, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ - khách hàng lớn nhất - giảm tới 45% trong tháng 2. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ đạt gần 37 triệu USD, giảm 54% so với cùng kỳ.

Tình hình ảm đạm cũng diễn ra tại khối thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): tháng 2 giảm 13%, lũy kế 2 tháng giảm 3%. Thị trường Canada sụt giảm lớn nhất, tháng 2 giảm tới 81% và chỉ đạt gần 800 nghìn USD. 

Lý giải diễn biến này, bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, lạm phát cao đã làm giảm sức mua tại các thị trường xuất khẩu cá ngừ của nước ta. Bên cạnh đó, chênh lệch tỷ giá khiến cá ngừ Việt Nam có giá cao hơn các nước làm giảm sức cạnh tranh và các nhà nhập khẩu trì hoãn đơn hàng để chờ giá giảm…

Hiện tại, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ lo lắng vì ít đơn hàng so với cùng kỳ năm trước. Công ty TNHH T&H Nha Trang cho biết, xuất khẩu sang các thị trường đều chậm, đơn hàng của doanh nghiệp chỉ bằng 30 - 40% so với mọi năm. 

Tiềm năng từ thị trường ngách

Trái ngược với diễn biến ở các thị trường chính, xuất khẩu cá ngừ sang châu Âu (EU) đảo chiều trong tháng 2, tăng 59% so với cùng kỳ, đạt gần 14 triệu USD, nâng kim ngạch 2 tháng lên hơn 22 triệu USD. Xuất khẩu sang cả 3 thị trường lớn nhất trong khối là Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha đều tăng trưởng cao, lần lượt đạt 77%, 372% và 58%.

Ngoài EU, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường Israel, Thái Lan và Nga cũng tăng trưởng ấn tượng trong tháng 2, lần lượt là 131%, 55% và 255%. 

Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường nhỏ tăng trưởng đột phá ở mức 3 con số như Hàn Quốc tăng 525%, Anh tăng 182% hay Australia tăng 104%, Phần Lan tăng 654%, Algeria tăng 363%...

Trong khối CPTPP, Nhật Bản đang gia tăng nhập khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh từ các nước, trong đó có Việt Nam. Đầu năm nay, các ưu đãi thuế quan theo thỏa thuận Nhật Bản dành cho Việt Nam trong Hiệp định CPTPP được khởi động lại đang tạo sức hút cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam.

VASEP tin rằng xuất khẩu cá ngừ có nhiều kỳ vọng trong nửa cuối năm. Lý do là xuất khẩu sang các thị trường đã ký kết hiệp định thương mại tự do với nước ta đang rất khả quan và nhu cầu thị trường có thể sẽ dần phục hồi. 

Với nguồn nguyên liệu ổn định, năng lực chế biến đang dần tăng lên, Hiệp hội khuyến cáo doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng và tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do để về đích thành công trong năm 2023. Năm ngoái, lần đầu tiên xuất khẩu cá ngừ đạt trên 1 tỷ USD, kết quả này đưa cá ngừ vào danh sách “loài cá tỷ đô”, cùng với cá tra.

Việt Nam có trữ lượng và tiềm năng khai thác lớn đối với cá ngừ vốn là mặt hàng vốn được tiêu thụ rộng rãi tại nhiều quốc gia. Ở các vùng biển của Việt Nam có 9 loài cá ngừ phân bố bao gồm nhóm cá ngừ đại dương và cá ngừ nhỏ ven bờ; trữ lượng ước tính khoảng 600.000 tấn, trong đó cá ngừ sọc dưa chiếm hơn 50%. Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa hiện là 3 tỉnh khai thác lớn nhất. 

Lam Ngọc