Vì sao Giáo dục đại học Việt Nam chưa vượt được “bẫy” top 5 ASEAN?

- Thứ Sáu, 17/02/2023, 06:48 - Chia sẻ

Chất lượng giáo dục đại học có vai trò quan trọng, cung cấp nguồn lực chính cho công cuộc xây dựng đất nước. Tuy nhiên, qua đánh giá chất lượng từ các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) cho thấy còn nhiều bất cập và thách thức.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Hữu Đức, ThS. Trần Mai Anh và TS. Tạ Thị Thu Hiền về "Thách thức của giáo dục đại học Việt Nam qua kết quả kiểm định chất lượng, xếp hạng và xếp hạng đối sánh" chỉ ra rằng, xếp hạng chung, giáo dục đại học Việt Nam có thể thuộc nhóm 70 của thế giới, nhưng chúng ta vẫn chưa CSGDĐH nào thuộc top 10 của ASEAN theo bảng xếp hạng QS và đặc biệt đại học nước ta vẫn chưa thể vượt qua được “bẫy” top 5 ASEAN.  

Đặc biệt, trong bảng xếp hạng 140 thành phố đại học tốt nhất thế giới năm 2023, Việt Nam không có tên, trong khi đó khu vực ASEAN có đến 7 thành phố thuộc các quốc gia Singapore (1), Malaysia (1), Thailand (1), Philippines (1) và Indonesia (3).

Vì sao Giáo dục đại học Việt Nam chưa vượt được “bẫy” top 5 ASEAN? -0
Top 10 cơ sở giáo dục đại học ASEAN – vắng mặt đại học Việt Nam (Nguồn khảo sát của Nhóm nghiên cứu  Nguyễn Hữu Đức, Trần Mai Anh, Tạ Thị Thu Hiền)

Kết quả phân tích không chỉ dựa vào đánh giá xếp hạng QS, mà còn dựa vảo cả xếp hạng đối sánh UPM và kết quả kiểm định chất lượng theo Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo (CTĐT) của của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó chất lượng giáo dục đại học Việt Nam được nhận diện trên cả ba cấp độ: quốc gia, CSGDĐH và CTĐT.

Phân tích đã chỉ ra 20 bất cập ở cấp độ CSGDĐH, cấp độ CTĐT và các nguyên nhân dẫn đến bẫy top 5 ASEAN của đại học Việt Nam.

Trước nhận định trên về giáo dục đại học Việt Nam hiện nay qua kết quả kiểm định, đối sánh, Báo Đại biểu Nhân dân đã trao đổi với GS.TS Nguyễn Hữu Đức về kết quả nghiên cứu này.

Vì sao Giáo dục đại học Việt Nam chưa vượt được “bẫy” top 5 ASEAN? -0
GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

So với tầm khu vực, xu thế phát triển giáo dục đại học của nước ta đang bị chậm lại

- Thưa GS, những năm vừa qua, số lượng cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) của Việt Nam có mặt trong các bảng xếp hạng thế giới và châu Á tăng lên, phản ánh nỗ lực hội nhập và thúc đẩy nghiên cứu, công bố quốc tế nhưng vì sao kết quả nghiên cứu của GS lại có nhận định như trên đối với giáo dục đại học Việt Nam?

GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Xét cho một số CSGDĐH thì thấy vậy, nhưng về tổng thể thì vẫn còn bất cập. Xếp hạng thành phố đại học xuất sắc của QS dựa trên 6 tiêu chí: (i) Kết quả xếp hạng của các đại học trên địa bàn; (ii) Tỷ lệ sinh viên (cả sinh viên quốc tế) trên tổng dân số của thành phố; (iii)  Mức độ lựa chọn của sinh viên và môi trường sinh hoạt; (iv) Việc làm sau tốt nghiệp và đánh giá của nhà tuyển dụng; (v) Học phí và sinh hoạt phí và (vi) Đánh giá của sinh viên về sự thân thiện, bền vững, đa dạng và chính sách việc làm của thành phố.

Nếu như xếp hạng đại học đánh giá thành tựu và trách nhiệm trực tiếp của CSGDĐH thì xếp hạng thành phố đại học đánh giá nỗ lực của nhiều bên liên quan hơn, liên quan đến năng lực cạnh tranh của thành phố và quốc gia.

Mở rộng thêm một số thông tin cụ thể còn có thể thấy: Việt Nam vẫn đứng thứ 5 về tổng số công bố quốc tế trong khu vực ASEAN (trong đó đóng góp từ các CSGDĐH hơn 80%).

Số lượng đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam cũng đứng thứ 5 trong khu vực. Đặc biệt, xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII giảm từ thứ 44/132 (năm 2021) xuống thứ 48/132 (năm 2022).

Vì sao Giáo dục đại học Việt Nam chưa vượt được “bẫy” top 5 ASEAN? -0
Bảy thành phố đại học tốt nhất thế giới của ASEAN – vắng mặt Việt Nam (Nguồn khảo sát của Nhóm nghiên cứu  Nguyễn Hữu Đức, Trần Mai Anh, Tạ Thị Thu Hiền)

Như vậy, mặc dù nhiều chỉ số giáo dục đại học (về đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu cơ bản, phát minh sáng chế, chỉ số đổi mới sáng tạo, xếp hạng đại học) đã được cải thiện, nhưng chưa đủ, mục tiêu tổng quát để giáo dục đại học và KHCN đóng góp đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa thực hiện được.

So với tầm khu vực, xu thế phát triển của nước ta đang bị chậm lại, đạt ngưỡng và thậm chí khả năng mắc bẫy top 5 ASEAN đã hiện hữu, khả năng tăng trưởng đã bị hạn chế, càng thách thức với khả năng vượt qua bẫy thu nhập trung bình của nền kinh tế. Với các phát hiện này, cần thiết phải xem xét lại chính sách đầu tư và mô hình phát triển giáo dục đạo học và KHCN.

Bất cập trong thu hút sinh viên giỏi vào ngành kỹ thuật

- GS phân tích cụ thể hơn về “mắc bẫy” top 5 ASEAN của giáo dục đại học Việt Nam?

GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Chất lượng giáo dục từ cấp độ CSGDĐH được chúng tôi thực hiện dựa vào số liệu đánh giá theo bộ tiêu chuẩn xếp hạng đối sánh và gắn sao UPM cho 10 CSGDĐH định hướng nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ kỹ thuật.

Bộ tiêu chuẩn UPM này gồm có 8 tiêu chuẩn và 52 tiêu chí. Đối với khảo sát này, phổ phân bố kết quả của các trường không đồng nhất.

 Kết quả trung bình cho thấy, các CSGDĐH này còn có 10 tiêu chí có mức độ đạt chưa cao so với mốc chuẩn của hệ thống UPM (đối sánh cho nhóm các trường đại học trong top 1000 thế giới).

Đó là các tiêu chí về (i) chất lượng tuyển sinh, (ii) mức độ thích ứng với CMCN 4.0 của CTĐT, (iii) đào tạo cá thể hoá, (iv) chỉ số xếp hạng Scimago về nghiên cứu và (v) đổi mới sáng tạo, (vi) số doanh nghiệp khởi nghiệp, (vii) số lượng sáng chế, (viii) hoạt động hỗ trợ cộng đồng học tập suốt đời, (ix) khuôn viên đại học và (x) chuyển đổi số.

Trước hết, chất lượng tuyển sinh phản ánh khả năng thu hút sinh viên giỏi vào các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ kỹ thuật, nhất là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo… đang có nhiều bất cập. Chúng ta đang nỗ lực đưa đất nước trở thành một quốc gia có công nghiệp hiện đại, nhưng với việc chuẩn bị nguồn nhân lực chính như hiện nay khó khăn sẽ ngày càng lớn.

Cấu trúc và nội dung của CTĐT là thước đo cụ thể nhất để đánh giá mức độ đổi mới và thích ứng của giáo dục đại học với những yêu cầu to lớn đang xảy ra hiện nay. Tuy nhiên, cũng có thể thấy chúng ta đang trao đổi nhiều trên các diễn đàn nhưng thực hiện chưa được bao nhiêu trong việc nâng cao năng lực số và kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên thế hệ Z.

Đào tạo cá thể hoá đã có thể thực hiện được phần nào khi bắt đầu áp dụng phương thức đào tạo theo tín chỉ. Trong thời đại của CMCN 4.0, yêu cầu này càng cao, nhưng thực tế các trường vẫn còn nhiều lúng túng. Xu thế áp dụng học kỳ doanh nghiệp và trao đổi, thay thế tín chỉ bằng các chứng chỉ doanh nghiệp phù hợp còn phải đợi lâu hơn nữa mới được triển khai.

Mặc dù tình hình đã được cải thiện nhiều trong 10 năm qua, nhưng cho đến nay chỉ số nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của các CSGDĐH hàng đầu nước ta vẫn còn thấp so với nhóm dẫn đầu của khu vực. Số lượng các CSGDĐH Việt Nam có tên trong xếp hạng Scimago cũng còn rất khiêm tốn.

Đây là lý do chính của bẫy top 5 ASEAN đã nói ở trên và cũng là nguyên nhân hạn chế sức cạnh tranh của quốc gia. Như là một hệ quả, số lượng sáng chế, doanh nghiệp khởi nghiệp được hình thành từ đại học cũng chưa được nhiều.

Để giải quyết vấn đề này, giải pháp duy nhất là nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của giảng viên. Tỷ lệ giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ, năng suất và chất lượng nghiên cứu phải được tiếp tục tăng cường mạnh mẽ hơn nữa.

Qua kết quả khảo sát, đánh giá, nhận thấy rằng, chỉ có các CSGDĐH đáp ứng yếu tố này mới có khả năng đổi mới giáo dục thành công, mới có khả năng gia tăng giá trị cho người học từ đầu vào đến khi tốt nghiệp. Ngược lại, các nỗ lực đổi mới chỉ là hình thức, kém hiệu quả và thực chất.

Chỉ bằng kinh nghiệm không gia tăng được nhiều giá trị cho người học

-Số liệu đánh giá về chất lượng giáo dục từ cấp độ CTĐT dựa theo tiêu chuẩn nào thưa GS?

GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Kết quả được thực hiện dựa vào số liệu đánh giá ngoài theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GDĐT ban hành tại Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT mà các Trung tâm kiểm định trong nước đã thực hiện đối với 550 CTĐT (518 CTĐT trình độ đại học và 32 CTĐT trình độ thạc sĩ).

Bộ tiêu chuẩn này gồm có 11 Tiêu chuẩn và 50 Tiêu chí. Kết quả cho thấy, đối với các CTĐT hiện nay, tỷ lệ chưa đạt với tần suất cao nhất cũng tập trung đối với 10 tiêu chí.

Vì sao Giáo dục đại học Việt Nam chưa vượt được “bẫy” top 5 ASEAN? -0
Đối sánh mức độ đạt được so mới mốc chuẩn của 10 tiêu chí còn có mức độ bất cập cao nhất ở cấp độ các cơ sở giáo dục đại học công nghệ kỹ thuật

Trong 10 tiêu chí bất cập này, 4 tiêu chí đầu tiên liên quan đến việc phát triển CTĐT, trong đó có việc xác định chuẩn đầu ra (CĐR), xây dựng đề cương học phần, sự tương thích của ma trận giữa CĐR của CTĐT và các học phần. Cuối cùng là việc đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra của các học phần.

Hơn thế nữa, tiêu chí thứ 8, việc rà soát quá trình dạy học và đánh giá kết quả học tập của người học để đảm bảo sự tương thích và phù hợp với CĐR mà cốt lõi là việc đánh giá mức độ đạt CĐR của cả CTĐT.

Các nội dung này hoàn toàn phản ánh năng lực nghề nghiệp, nhưng mức độ đạt chuẩn khá thấp, chứng tỏ rằng đã có một thời gian khá dài, giáo dục đại học hoàn toàn chỉ được triển khai dựa trên kinh nghiệm. Các chuẩn mực về xây dựng chuẩn đầu ra CĐR và phát triển CTĐT mới được thực sự quan tâm chỉ hơn mười năm lại đây, nên chất lượng phát triển CTĐT còn nhiều bất cập.

Tỉ lệ sinh viên/giảng viên của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với quy định của thế giới

-Vậy khung trình độ Quốc gia Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của giáo dục đại học hiện nay?

GS.TS Nguyễn Hữu Đức:  Việc thực hiện Khung trình độ Quốc gia Việt Nam, xây dựng các chuẩn CTĐT hiện mới đang trong giai đoạn bắt đầu. Các CSGDĐH mới quan tâm đến việc xây dựng CĐR, còn việc tổ chức kiểm tra đánh giá mức độ đạt CĐR của các học phần và CĐR của cả CTĐT chưa có điều kiện quan tâm nhiều.

Đây là một bất cập lớn cần được cải thiện trong thời gian tới một cách hiệu quả và có trách nhiệm mới đảm bảo được điều kiện đảm bảo chất lượng của các CTĐT.

Về điều kiện và nguồn lực triển khai CTĐT, có 2 điểm bất cập liên quan đến tỉ lệ SV/GV và năng suất, chất lượng NCKH của GV. Mặc dù đã có định mức chỉ tiêu tuyển sinh theo số lượng GV quy đổi, nhưng vẫn còn có xu thế hiện nay là một số CSGDĐH tuyển sinh vượt chỉ tiêu.

Nếu tuyển sinh đúng định mức quy định thì tỉ lệ SV/GV của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với quy định của thế giới, đặc biệt thế giới người ta không quy đổi GV theo chức danh và trình độ như ở ta.

Do đó, điều kiện giảng dạy và hỗ trợ học tập cho SV từ đội ngũ GV rất hạn chế, làm ảnh hưởng đến chất lượng. Năng lực NCKH của GV cũng là một tiêu chí quan trọng. Trên thế giới, hình như không có đại học nào là đại học không nghiên cứu, chỉ khác nhau về đối tượng, phương pháp và mức độ mà thôi.

-Với bất cập về tỉ lệ sinh viên/giảng viên như vậy thì đội ngũ giảng viên đại học sẽ khó có thời gian để nghiên cứu khoa học?

GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Qua khảo sát và thống kê số liệu cho thấy, ở các CSGDĐH có đội ngũ GV với tỷ lệ tiến sĩ cao (> 40%) và tổ chức NCKH tốt, khả năng triển khai các hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo rất có hiệu quả.

Đặc biệt, với việc kết hợp đào tạo và NCKH, khả năng gia tăng giá trị từ đầu vào đến đầu ra cho người học rất rõ rệt. Ngược lại, các CSGDĐH thiếu các điều kiện này, dù rất quan tâm đến đổi mới, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhiều nhưng hiệu quả cũng rất hạn chế. Cũng phù hợp với các nhận định này, khi GV NCKH tốt, SV cũng được hưởng lợi và năng lực, phẩm chất của SV cũng được nâng cao trong quá trình tham gia cac hoạt động này với GV.

Đối với khuôn viên đại học, ngoài sự hạn chế về diện tích, mặt bằng, thư viện và các nguồn học liệu cũng là một bất cập lớn, khá phổ biến, do đó cũng làm ảnh hưởng nhiều đến việc phục vụ và hỗ trợ các hoạt động đào tạo và nghiên cứu.

Vì sao Giáo dục đại học Việt Nam chưa vượt được “bẫy” top 5 ASEAN? -0
Mười tiêu chí có mức đạt thấp nhất ở cấp độ chương trình đào tạo

Bên cạnh đó, mối quan hệ của nhà trường và các bên liên quan, đặc biệt là với doanh nghiệp cũng là một điểm yếu của đại học nước ta. Khó khăn chung là do doanh nghiệp Việt Nam chưa lớn mạnh. Số liệu cho thấy trên 98,5% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, với động lực phát triển dựa vào KHCN và đổi mới sáng tạo rất hạn chế.

Trong tình hình này, nếu CSGDĐH Việt Nam cứ triển khai theo cách cứng nhắc, sử dụng đúng lý thuyết như các nước phát triển thì sẽ thất bại. Các CSGDĐH cần có cách đi sáng tạo, kết hợp với doanh nghiệp theo cách phù hợp nhất để kiến tạo cho nhiều khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên nhằm phát triển một thế hệ doanh nghiệp mới, làm tiền đề xuất hiện một số doanh nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao trong 5-10 năm tới.

Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến đào tạo nhân tài

-Từ kết quả nghiên cứu khảo sát này, nhóm nghiên cứu có đưa ra được giải pháp nào để giúp giáo dục đại học Việt Nam khắc phục những hạn chế, bất cập trên?

GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Chất lượng giáo dục đại học có vai trò quan trọng, cung cấp nguồn lực chính cho công cuộc xây dựng đưa nước ta trở thành một quốc gia có công nghiệp hiện đại.

Để giáo dục đại học hoàn thành được sứ mạng của mình thì phải kiên định với hội nhập để vừa tiếp thu tinh hoa, cách làm của thế giới; vừa đối sánh và xác định đối sách nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, năng lực nghiên cứu, các ấn phẩm khoa học và công bố quốc tế là những chỉ báo cơ bản, có tính hội nhập cao hơn cả..

Nguy cơ về bẫy top 5 ASEAN trong GDĐT và KHCN cho thấy với chiến lược phát triển theo phương thức gia tăng giá trị một cách tuyến tính và tuần tự như hiện nay đang triển khai sẽ không tạo được động lực cho sự tăng trưởng.

Việt Nam ta cần xác định lại quỹ đạo phát triển với cách thức tổ chức (từ cấp quản lý nhà nước đến cấp CSGDĐH), mức độ đầu tư (đầu tư đạt ngưỡng, đầu tư đi trước) và động lực mới (đổi mới sáng tạo) để thoát bẫy top 5, trở thành quốc gia trong nhóm dẫn đầu của khu vực, tạo tiền đề thoát bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước công nghiệp hiện đại.

Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến đào tạo nhân tài; đầu tư, thu hút được sinh viên giỏi vào học các lĩnh vực khoa học cơ bản và công nghệ kỹ thuật. Đấy là nguồn lực chính cho công cuộc công nghiệp hoá. Hiện nay, chất lượng tuyển sinh đầu vào của nhiều ngành công nghiệp chế tạo, chế biến đang rất bất cập.

Trong quá trình đổi mới GDĐH, cần đặc biệt quan tâm đến trình độ của đội ngũ và chất lượng nghiên cứu của giảng viên. Đấy là hai yếu tố có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cho người học, đảm bảo đào tạo đạt chuẩn các bậc 6-8 của Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Thiếu hai điều này, hiệu quả của các cải tiến nâng cao chất lượng sẽ không hiệu quả, chỉ là hình thức; nguồn nhân lực do đại học đào tạo ra khó vượt qua trình độ đào tạo bậc 5.

Bên cạnh đó, khoa học giáo dục và khoa học phát triển CTĐT cần được quan tâm để triển khai bồi dưỡng cho toàn bộ hệ thống, đặc biệt đối với đội ngũ giảng viên. Năng lực đánh giá mức độ đạt CĐR của học phần và của CTĐT là điểm mấu chốt của nghề làm thầy. Làm nghề mà các năng lực cơ bản của nghề mới chỉ đạt được 50-60% yêu cầu thì bất cập còn còn quá lớn.

Ở vào giai đoạn hiện nay, tiêu chuẩn KĐCLGD của Việt Nam nên dựa nhiều vào các quy định và tiêu chuẩn định lượng. Cùng với chuẩn CTĐT, Bộ GDĐT cần khẩn trương ban hành thông tư về Chuẩn CSGDĐH Việt Nam, làm cơ sở đánh giá cho phép thành lập và vận hành các CSGDĐH, đồng thời làm cơ sở của hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.

Đánh giá chất lượng giáo dục một cách đồng bộ và toàn diện trên cả 3 cấp độ: CTĐT, CSGD và hệ thống là rất cần thiết, phùhợp với trách nhiệm tự chủ và quản trị chiến lược đặc thù của các CSGDĐH.

Đối với các CTĐT chỉ nên quy định bắt buộc thực hiện theo chuẩn quốc gia đến một tỷ lệ tối thiểu. Sau khi hoàn thành chỉ tiêu đó, các CSGDĐH có thể chủ động lựa chọn các phương thức quản trị chất lượng cho đơn vị mình, kể cả các tiếp cận đối sánh, gắn sao.

Theo chúng tôi, đổi mới GDĐH cần tập trung chuyển đổi hướng đến tư duy và kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hướng tới nỗ lực tạo ra của cải vật chất và gia tăng giá trị cho xã hội. Đó mới là những tiền đề cho nền văn minh và thịnh vượng của các quốc gia.

-Xin trân trọng cảm ơn GS!

Văn Chiều
#