Nỗ lực khắc phục thừa - thiếu giáo viên

- Thứ Bảy, 13/08/2022, 06:01 - Chia sẻ

Tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ đang đặt ra thách thức rất lớn đối với ngành giáo dục trong thực hiện Nghị quyết số-29 NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhiều giáo viên nghỉ việc

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học mới, sáng 12.8, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) Nghệ An Thái Văn Thành cho biết, Nghệ An là tỉnh thiếu giáo viên trầm trọng nhất cả nước khi thiếu gần 8.000 giáo viên các cấp. Nghệ An vừa được bổ sung 2.820 giáo viên cho năm học 2022 - 2023, nhưng như thế vẫn còn thiếu hơn 5.000 giáo viên. Trong đó, thiếu giáo viên các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là việc đáng lo khi chương trình đang được thực hiện.

Nỗ lực khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên
Nguồn: ITN

Giám đốc Sở GD - ĐT Bình Dương Nguyễn Thị Nhật Hằng thì thông tin, từ tháng 1.2021 - 4.2022, toàn tỉnh Bình Dương có 527 giáo viên nghỉ việc, dù đã công tác trong ngành nhiều năm, chủ yếu ở bậc tiểu học và mầm non. Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục Bình Dương thiếu hơn 3.100 giáo viên; trong đó tiểu học thiếu nhiều nhất, hơn 1.000 giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên khiến tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học thấp, nhiều trường chỉ dạy được 1 buổi/ngày.

Căn cứ quy định về định mức giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành giáo dục đang thừa 10.178 giáo viên ở cấp tiểu học, THCS, THPT; thiếu 94.714 giáo viên ở cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT.

Theo Bộ GD - ĐT, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học, cấp học và địa phương là do bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn; không có giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn. Việc bố trí giáo viên tiếng Anh, tin học và công nghệ dạy liên trường, liên cấp còn nhiều bất cập. Nhân viên y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch... Bà Hằng bổ sung, nguyên nhân thiếu giáo viên trầm trọng hiện nay còn do lương thấp, áp lực công việc lớn khi số lượng học sinh tăng nhanh.

Ứng dụng công nghệ cập nhật dữ liệu về giáo viên

Để khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên, Bộ GD - ĐT cho biết, sẽ tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. 

Trong khi chờ triển khai những kế hoạch mang tính vĩ mô, các địa phương cũng đang cố gắng tự giải bài toán thiếu giáo viên trên địa bàn. Bà Hằng cho biết, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương tuyển dụng 154 chỉ tiêu (chỉ tính khối đơn vị trực thuộc Sở GD - ĐT); xem xét tiếp tục cho các đơn vị hợp đồng viên chức, nhân viên còn thiếu sau tuyển dụng; đồng thời từng bước giải quyết cho những viên chức không trực tiếp giảng dạy nhưng có gốc đào tạo sư phạm được chuyển ra dạy lớp đúng chuyên môn trên cơ sở đánh giá về chuyên môn của đơn vị sử dụng và cơ quan quản lý trực tiếp...

Nghệ An cũng triển khai một số giải pháp mang tính trước mắt như: chuyển giáo viên hợp đồng đang dạy học tại bậc THCS hoặc tiểu học xuống mầm non hợp đồng theo Nghị định 06 và Thông tư 09 (hưởng chế độ tương đương viên chức); hợp đồng giáo viên thỉnh giảng (trong tổng chỉ tiêu biên chế); tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng theo Công văn 5378 của Bộ Nội vụ… Đối với các huyện miền núi, Nghệ An ưu tiên giao đủ giáo viên/lớp để bảo đảm chất lượng dạy học vùng khó khăn. Tuy nhiên, ông Thái Văn Thành cho rằng, việc thiếu giáo viên vẫn sẽ diễn ra do địa bàn tỉnh rộng, có nhiều điểm trường lẻ. Bên cạnh đó, giáo viên Tin học, Ngoại ngữ sẽ khó lấp đầy vì không có nguồn tuyển dù có chỉ tiêu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với Bộ GD - ĐT khi không thể quyết định được các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, trong đó có biên chế giáo viên. “Ngành giáo dục đương nhiên bao giờ cũng đề ra yêu cầu phải có đủ giáo viên, trường lớp, nhưng Bộ trưởng Bộ GD - ĐT không giải quyết được yêu cầu này”. Cho rằng việc thừa, thiếu giáo viên do nhiều nguyên nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, phải có cơ chế tự chủ thiết thực để có thêm nguồn tài chính xây dựng trường lớp khang trang, nâng cao đời sống giáo viên, nhân viên, giúp họ yên tâm cống hiến, từ đó giảm sĩ số học sinh đúng chuẩn. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ để có cơ sở dữ liệu về dân cư định hướng quy hoạch về trường, lớp, giáo viên. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lấy ví dụ: “Khi Bình Dương nói thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT đề nghị tỉnh báo cáo. Nhưng những số liệu đó nếu được cập nhật tốt và có bộ phận phân tích thông tin hàng ngày thì Bộ GD - ĐT có thể chủ động nắm được từ trước, không cần tỉnh báo cáo”.

Khải Minh