Áp lực thi vào lớp 10: "Đừng đánh giá con cá qua khả năng leo cây"

- Thứ Hai, 22/05/2023, 07:24 - Chia sẻ

"Vẻ đẹp của giáo dục nằm ở chỗ giúp chúng ta khám phá bản thân, trở nên tốt hơn chính mình của ngày hôm qua, thay vì khiến chúng ta áp lực, so sánh bản thân với người xung quanh", PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận định.

Căng thẳng "chưa từng có"

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, số học sinh tốt nghiệp lớp 9 trên địa bàn thành phố năm nay là 129.210 em. Trong đó, khoảng 72.000 em sẽ được tuyển vào lớp 10 THPT công lập (chiếm tỷ lệ 55.7%).

Như vậy, trung bình cứ 10 học sinh lớp 9 thì chưa đến 6 em có chỗ học ở lớp 10 công lập. Đây là tỷ lệ chọi cao nhất trong nhiều năm gần đây tại Hà Nội.

Kỳ thi sẽ được tổ trong thời gian 2 ngày từ 10 - 11.6 tới, thí sinh chỉ còn chưa đầy 1 tháng để ôn tập “nước rút”.

Minh Anh, học sinh  lớp 9 một trường THCS ở huyện Thanh Trì chia sẻ, em đang trải qua những ngày căng thẳng “chưa từng có”.

Xác định kiến thức mình nắm còn chưa vững, hàng ngày, ngoài lịch ôn thi kín trên trường vào ban ngày, Minh Anh luôn tự học từ 20h tối đến tận 2 - 3h sáng hôm sau, rồi lại dậy đi học. Nữ sinh cho biết, em thấy rất áp lực vì cha mẹ nói rằng nếu không đỗ, em sẽ không được đi học ở đâu nữa, kể cả trường nghề.

Minh Anh không phải học sinh duy nhất đang chịu rất nhiều áp lực từ việc đỗ - trượt trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 THPT công lập. Nhiều học sinh tâm sự cũng đang trải qua những áp lực tương tự, một trong những nguyên nhân đến từ sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ.

Giá trị to lớn của sự động viên đối với những đứa trẻ

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, cô Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm chia sẻ, nhiều năm làm công tác giảng dạy, trước đây, đã có những học sinh từng tâm sự với cô Hồng rằng: “Cô ơi, cô nói với bố mẹ giúp con một câu. Con biết là con không thi được trường này, nhưng bố mẹ cứ bắt con thi để “dòng họ còn nhìn vào”.

Cô Hồng sau đó đã làm công tác tư tưởng cho phụ huynh, nhưng cũng có một số không lắng nghe các con.

Áp lực thi vào lớp 10:
Thí sinh dự thi vào lớp 10 một trường THPT chuyên ở Hà Nội năm 2022 (Ảnh: Nguyễn Liên)

Theo cô Hồng, việc cha mẹ đặt kỳ vọng quá lớn lên những đứa trẻ, gây áp lực cho các con thuộc về nhận thức của từng gia đình. Nhiều phụ huynh chỉ chú ý đến sức khỏe về mặt thể chất của con, nhưng chưa chú ý tới vấn đề sức khỏe tâm thần, gây áp lực lớn lên tinh thần đứa trẻ.

“Nhiều khi tôi phân tích với phụ huynh thế này, con mình thể chất khỏe mạnh, lại ngoan ngoãn, biết yêu thương, nhân hậu và có một cái nhìn đối với thế giới này rất hiền hòa là đủ và rất mừng rồi. Tất nhiên, nếu đứa trẻ có tố chất, nhưng lại rất lười biếng thì cha mẹ phải có cách để khuyến khích, khích lệ cho con phấn đấu.

Còn về cơ bản trẻ con đi thi cũng đều cố gắng mang hết khả năng của mình rồi. Nên bố mẹ đừng tạo áp lực quá lớn cho các con, như vậy tội trẻ con lắm. Đâu đó lại có vụ trẻ em nghĩ quẩn, viết thư tuyệt mệnh, tìm cách tự vẫn bởi có quá nhiều áp lực…”, cô Hồng chia sẻ.

Nữ Hiệu trưởng cho rằng, điều tốt nhất bố mẹ nên làm để giúp đỡ, hỗ trợ tâm lý cho các con trong giai đoạn “nước rút” hiện nay chính là sự động viên, bằng những lời hỏi thăm như “Hôm nay con đi học có vui không?” “Có điều gì con chưa ổn không?”; nếu có thể hãy tranh thủ đưa đón các con khi trời nắng nóng gay gắt. Nếu trẻ bị điểm thấp khi thi thử, cha mẹ không nên căng thẳng với con.

Bên cạnh đó, nên chăm lo cho các con về mặt sức khỏe, nhắc các con không đi ngủ quá muộn. “Phụ huynh không nên nghĩ rằng con thức đến 1-2h sáng, rồi 6h dậy đi học là con tôi rất chăm chỉ. Hôm nay ngủ không đủ giấc, sáng hôm sau đến lớp con sẽ ngủ gật. Quỹ thời gian mỗi người chỉ có như thế, học nhiều quá thì phải ngủ ít đi. Khi ngủ ít, sức khỏe của con không thể minh mẫn, không thể tiếp thu bài một cách hiệu quả”, cô Hồng nói.

Cô cũng tâm sự thêm, nhiều học sinh rất sợ bố mẹ, không chỉ bởi bố mẹ gây áp lực quá lớn hay đánh mắng, mà còn vì sợ bố mẹ buồn.

“Nhiều đứa trẻ yêu thương bố mẹ lắm, chỉ làm bố mẹ buồn cũng cảm thấy có lỗi. Vì thương người thân vất vả, nên trẻ tự đặt áp lực cho mình.

Do đó, tôi hy vọng giai đoạn này, bố mẹ hãy động viên các con, đồng hành cùng các con, để trẻ được nói những suy nghĩ của mình. Nếu các con có kết quả thi chưa đạt như ý, cũng mong phụ huynh tiếp tục động viên, đồng hành cùng con. Đó là mong muốn lớn nhất của những người thầy cô giáo chúng tôi”, cô Hồng bày tỏ.

Áp lực thi vào lớp 10:
Bố mẹ nên động viên và đồng hành cùng các con trong giai đoạn thi cử áp lực (Ảnh minh họa: Nguyễn Liên)

“Đừng đánh giá một con cá qua khả năng leo cây”

Chia sẻ tại một Hội thảo giáo dục tổ chức tại Hà Nội năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhắc đến câu chuyện nhỏ về người con trai đầu của mình. Năm cô chuẩn bị thi phó giáo sư cũng là khi cậu bé chuẩn bị thi vào một trường cấp 2 chuyên.

Một buổi tối, hai mẹ con đang đi dạo bộ, cô Huyền nghĩ ra một trò chơi, đó là để mẹ đóng vai “con”, còn con đóng vai “mẹ”.

“Tôi nói: “Mẹ ơi, con thấy áp lực quá vì sắp thi rồi. Con không biết con có đậu được không”. Con tôi an ủi: “Con ơi, con cứ yên tâm, con có trượt thì vẫn là con của mẹ. Mẹ luôn tự hào về con, con không là Phó Giáo sư thì mẹ vẫn yêu con”. Nghe thế, tôi vô cùng xúc đông. Và tôi thấy mình rất bình an chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới.

Sau đó, tôi suy nghĩ về các con của mình. Con còn bé thế mà bao dung quá. Còn mình là mẹ mà chưa bao giờ nghĩ được rằng mình sẽ chấp nhận con như nó vốn có, kể cả khi con thất bại”, cô Huyền nhớ lại.

Cũng đợt đó, khi cùng các bạn về thăm lại thầy giáo chủ nhiệm cấp ba, cô Huyền nghe người thầy tâm sự một cách rất xúc động rằng, đừng ép bọn trẻ con học.  Câu nói này làm cô Huyền sực tỉnh.

“Tôi cho con nghỉ lớp luyện thi vào chuyên ngay ngày hôm sau. Sau đó, cháu học một trường cấp 2 công lập ở gần nhà. Sau đó nữa, tôi chuyển cháu sang học ở trường dân lập mới thành lập. Bởi vì khi tôi đến trường đó, tôi không nhìn thấy những biển bảng khẩu hiểu thông thường đâu cả. Tôi thấy có một câu rất hay: “Đừng đánh giá một con cá qua khả năng leo cây của nó. Vì như thế thì suốt đời nó sẽ sống mà nghĩ rằng mình ngu ngốc”, cô nhớ lại.

Cô Huyền chia sẻ, vẻ đẹp của giáo dục nằm ở chỗ giúp chúng ta khám phá bản thân, trở nên tốt hơn chính mình của ngày hôm qua, chứ không làm mình bị áp lực, so sánh bản thân với những người xung quanh. Quan trọng nhất là chúng ta cần cân bằng được bản thân và chấp nhận chính mình.

Áp lực thi vào lớp 10:
Hình ảnh cha mẹ chờ con trước phòng thi, trong một kỳ thi vào lớp 10 THPT chuyên ở Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Liên)

“Gần đây theo dõi báo chí, chúng ta thấy có nhiều trường hợp rất thương tâm, đặc biệt là trong giai đoạn Covid-19, nhiều cháu bị trầm cảm và thậm chí tự hủy hoại bản thân mình. Tôi nghĩ rằng đó là những hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc cha mẹ.

Bản thân tôi khi đọc những thông tin ấy thực sự rất đau lòng, không dám đọc hết. Và tôi nghĩ rằng con mình không cần phải trở thành thiên tài. Con cứ bình an, khỏe mạnh, hạnh phúc là tốt lắm rồi”, cô Huyền tâm sự.

Bà Lê Tuệ Minh, Chủ tịch Hội đồng Trường, Hệ thống Trường PTLC Edison thì chia sẻ, bà trước kia đi học không học trường chuyên, lớp chọn; nhưng có rất nhiều bạn học chuyên Toán, chuyên Văn, chuyên Nga… Vì vậy, bà may mắn có thể nhìn nhận và chứng kiến hai phía, phía của mình và của các bạn.

Những bạn học chuyên rõ ràng xuất sắc và tỷ lệ thành công ở những học sinh này cao hơn so với bình thường. Bởi trên thực tế, bản thân họ phải vượt qua rất nhiều vòng tuyển chọn.

Tuy nhiên, theo bà Minh, nếu trước đây chúng ta chỉ đề cao khái niệm trí thông minh về mặt trí tuệ (IQ) thì bây giờ có rất nhiều trí thông minh khác được đưa ra đánh giá, như trí thông minh về mặt cảm xúc (EQ). Với tất cả những người đã trải qua nhiều giai đoạn của cuộc sống, có lẽ đều thấy rằng EQ quan trọng hơn rất nhiều.

“Chúng ta vẫn hay nói đùa “thái độ quan trọng hơn trình độ”. Ngay cả bản thân tôi là một người sáng lập trường học, là người quản lý, điều hành trường và cũng là một nhà tuyển dụng và sử dụng lao động thì tiêu chí tuyển dụng của tôi với điều kiện cần là khả năng chuyên môn và điều kiện đủ chính là thái độ và khả năng hợp tác, trí tuệ cảm xúc”, bà nói.

Bà Minh cũng cho rằng, lâu nay, chúng ta có thể đã tập trung quá nhiều vào những yếu tố học thuật, những yếu tố “đo đếm được”. Thế nhưng sự thành công của con người không phải lúc nào cũng đo đếm được bằng những điểm số, bằng những kết quả, bằng những thành tích.

Chính các kỹ năng, khả năng giao tiếp, hợp tác, thấu hiểu người khác, khả năng giải quyết vấn đề nhiều khi quan trọng hơn rất nhiều so với chuyên môn. Ngay cả với các bạn học sinh, trí tuệ cảm xúc cũng rất quan trọng trong quá trình học tập.

Nguyễn Liên
#