394 ứng viên được đề nghị xét chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2022

- Thứ Hai, 24/10/2022, 07:50 - Chia sẻ

394 ứng viên giáo sư, phó giáo sư vừa được 28 Hội đồng Giáo sư ngành đề nghị Hội đồng Giáo sư Nhà nước xét chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2022.

85 ứng viên không đạt ở vòng Hội đồng giáo sư ngành

Ngày 24.10, trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, ứng viên giáo sư, phó giáo sư được đề nghị xét tại Hội đồng giáo sư Nhà nước năm 2022 là 394 ứng viên.

Trước đó, danh sách ứng viên giáo sư, phó giáo sư được Hội đồng giáo sư cơ sở đề nghị xét tại Hội đồng giáo sư ngành là 479 ứng viên, trong đó 51 ứng viên giáo sư và 428 ứng viên phó giáo sư.

Tuy nhiên, đến vòng Hội đồng giáo sư ngành thì số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư không đạt là 85 người, trong đó giáo sư là 15 người và phó giáo sư là 70 người.

Số lượng ứng viên do Hội đồng Giáo sư ngành đề nghị Hội đồng Giáo sư Nhà nước xét chỉ còn 394, trong đó có 36 ứng viên giáo sư và 358 ứng viên phó giáo sư.

Năm nay, số lượng ứng viên đăng ký danh sách tham gia xét giáo sư, phó giáo sư đông nhất là trường ĐH Cần Thơ với 23 ứng viên. Tiếp đến là trường ĐH Bách khoa Hà Nội với 16 ứng viên, trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội với 12 ứng viên, trường ĐH Y Hà Nội và trường ĐH Thủy lợi đều có 11 ứng viên.

Tổng số ứng viên phó giáo sư thuộc thế hệ 8x là 168 người. Có 3 ứng viên phó giáo sư sinh năm 1989. 

394 ứng viên được đề nghị xét chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2022 -0
Tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư tại các cơ sở giáo dục đại học (nguồn Bộ GD-ĐT)

Sụt giảm số lượng giảng viên giáo sư, phó giáo sư ở các trường đại học

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện nay có 232 trường đại học. Tổng số giảng viên làm việc toàn thời gian của cả nước tính đến 31.12.2021 là hơn 85.000 người.

Trong đó, số giảng viên có chức danh Giáo sư đang tham gia giảng dạy chiếm tỷ lệ 0,89%. Số giảng viên có chức danh Phó giáo sư là 6,21%. Số giảng viên có học vị tiến sĩ là 25,19%. Số giảng viên có trình độ thạc sĩ chiếm tỷ lệ đông đảo nhất với 60,35% và giảng viên trình độ đại học là 7,36%.

Thực tế cho thấy các trường đang có chính sách để cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn, có trình độ cao (có chức danh giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ, ưu tiên tốt nghiệp ở trường đại học uy tín ở nước ngoài) và khả năng nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, so với số lượng quy mô sinh viên và trường đại học hiện nay, số lượng giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư sụt giảm mạnh. 

Nguồn số lượng giáo sư, phó giáo sư trong nước hiện nay đang giảm mạnh sau khi Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước triển khai thực hiện Quyết định 37/2018/QĐ - TTg xét giáo sư, phó giáo sư.

Cụ thể, năm 2015, cả nước có 52 Giáo sư và 470 Phó giáo sư đạt tiêu chuẩn chức danh, trong tổng số nhà giáo đăng ký từ đầu xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là 681 người (GS là 74, PGS là 607).

Đến năm 2016, cả nước có 64 người đạt tiêu chuẩn giáo sư, 638 người đạt tiêu chuẩn phó giáo sư tăng hơn so với năm 2015.

Được biết, năm 2016, cả nước có 931 người đăng ký hồ sơ xét chức danh giáo sư, phó giáo sư (trong đó, 118 người nộp hồ sơ đăng ký chức danh giáo sư, 813 người nộp hồ sơ đăng ký chức danh phó giáo sư) tại 107 Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở (HĐCDGS) .

394 ứng viên được đề nghị xét chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2022 -0
Đội ngũ giảng viên có trình độ làm toàn thời gian tại trường đại học (nguồn Bộ GD-ĐT)

Năm 2017, số ứng viên nộp hồ sơ là 1.537, trong đó có 151 ứng viên GS và 1.386 ứng viên PGS. Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, số ứng viên tăng là do ngày hết hạn nộp hồ sơ muộn hơn gần 6 tháng so với năm 2016 và đây là năm cuối xét theo quy định hiện hành trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh.

Đến năm 2018, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã quyết định triển khai đợt xét tuyển đầu tiên theo Quyết định 37/2018/QĐ - TTg vào đầu năm 2019. Như vậy, năm 2018 không xét công nhận tiêu chuẩn chức danh GS,PGS năm 2018.

Năm 2019, năm đầu tiên thực hiện xét giáo sư, phó giáo sư theo Quyết định 37/2018/QĐ - TTg thì số lượng giáo sư, phó giáo sư giảm mạnh. Cả nước có 73 nhà giáo đạt tiêu chuẩn giáo sư và 349 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư.

Năm 2020, số lượng đăng ký xét giáo sư, phó giáo sư cũng giảm mạnh, có 87 Hội đồng GS cơ sở có ứng viên đăng ký và nộp hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS với 542 hồ sơ ứng viên, trong đó có 77 hồ sơ ứng viên GS, 465 hồ sơ ứng viên PGS.

Kết quả, số ứng viên đạt đủ số phiếu tín nhiệm theo quy định là 339 ứng viên, trong đó 39 ứng viên GS, 300 ứng viên PGS. Tỷ lệ đạt so với tổng số ứng viên đăng ký nộp hồ sơ tại các Hội đồng GS cơ sở cho đến thời điểm này là 62,55% (trong đó tỉ lệ đạt của ứng viên GS là 50,65%, ứng viên PGS là 64,52%).

Năm 2021, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS và PGS năm 2021 cho 405 ứng viên, bao gồm 42 GS và 363 PGS.

Trước đó, theo thống kê của Bộ GD-ĐT từ năm 2015 đến 2020, cả nước có hơn 1.450 người được công nhận giáo sư. Độ tuổi ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư ngày càng trẻ hơn từ 45- 55 tuổi. Tuy nhiên, số lượng giáo sư tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay chưa đến một nửa.

Hồng Hạnh
#