Bất cập trong quản lý nhà, đất công tại TP Hà Nội - Bài 5:

Hàng loạt nhà, đất công tại TP Hà Nội đang trong tình trạng lãng phí như thế nào?

- Thứ Hai, 26/09/2022, 08:55 - Chia sẻ

Chậm hoặc không trả tiền thuê nhà; nhà chuyên dùng ở khu "đất vàng" của Thủ đô nhưng giá thuê lại quá rẻ, không được cập nhật, điều chỉnh theo giá thị trường; xây dựng không phép hoặc trái phép, cơi nới thêm diện tích trong khu nhà chuyên dùng... là những sai phạm được HĐND TP Hà Nội nhận diện và chỉ ra sau giám sát về sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu quản lý của thành phố.

Nhiều đơn vị chậm hoặc không trả tiền thuê nhà

Để phục vụ phiên chất vấn và trả lời chất vấn về công tác quản lý về sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu quản lý của thành phố, Thường trực HĐND thành phố đã chuẩn bị phóng sự để đại biểu HĐND thành phố và cử tri có cái nhìn toàn cảnh về nội dung này. Trong phóng sự có chỉ rõ, một trong những vi phạm phổ biến đó là việc chậm hoặc không trả tiền thuê nhà. Điển hình như Nhà xuất bản Thế giới thuê nhà 46 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) hiện đang nợ số tiền thuê nhà là hơn 14,3 tỷ đồng. Đồng thời, đơn vị đang làm các thủ tục trả lại nhà chuyên dùng. Tương tự, nhà xuất bản Văn hoá dân tộc thuê nhà chuyên dùng 19 Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Hai Bà Trưng) còn nợ hơn 2,5 tỷ đồng; Hợp tác xã Tiến Thành nợ tiền thuê nhà chuyên dùng 42 Hàng Đường số tiền hơn 3,7 tỷ đồng... 

Bài 5: Quá nhiều sai phạm trong quản lý sử dụng tài sản công là nhà, đất -0
Nhà xuất bản Thế giới thuê nhà 46 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) hiện đang nợ số tiền thuê nhà là hơn 14,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo báo cáo giám sát của HĐND thành phố Hà Nội về sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu của thành phố cũng chỉ rõ hiện nay có tình trạng có những đơn vị không ký hợp đồng và không trả tiền nhà thuê nhà là nhà chuyên dùng của thành phố. Mặt khác, có nhiều địa điểm nhà chuyên dùng đã hết thời hạn Hợp đồng thuê nhà đất đến nay chưa được đơn vị quản lý nhà ký lại, gia hạn thuê dẫn đến tình trạng quản lý quỹ nhà chuyên dùng ngày càng phức tạp. 

Bài 5: Quá nhiều sai phạm trong quản lý sử dụng tài sản công là nhà, đất -0
Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc thuê nhà chuyên dùng 19 Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Hai Bà Trưng) còn nợ hơn 2,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong báo cáo của Sở Tài chính cũng nêu rõ, tính đến nay trên địa bàn thành phố, tổng số đề án sử dụng tài sản công là nhà, đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết gửi Sở Tài chính cho ý kiến, thẩm định là 40 đề án. Trong đó có tới 36 đề án không đủ điều kiện trình UBND TP Hà Nội phê duyệt. Đồng thời, đến nay chưa có đơn vị sự nghiệp công lập nào thuộc cấp quận được thành phố phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê.

Thuê "đất vàng" với giá rẻ, không được điều chỉnh theo thị trường

Bên cạnh việc chậm hoặc không trả tiền thuê nhà, nhiều nhà chuyên dùng hiện đang ở những vị trí đắc địa nhất Hà Nội, là những khu đất được coi là "đất vàng" của Thủ đô nhưng giá thuê vẫn chưa cập nhật, điều chỉnh theo thị trường. Điển hình như Công ty TNHH Hùng Chung Nghĩa thuê nhà chuyên dùng 26 Điện Biên Phủ (quận Ba Đình) với diện tích nhà thuê 353m2, diện tích đất thuê là 435m2, thế nhưng tổng tiền thuê cả nhà và đất 1 tháng chỉ có khoảng 39,7 triệu đồng. Tượng tự, nhà chuyên dùng 57 Trần Phú do Công ty Cổ phần Du lịch Kim Liên có diện tích nhà thuê là 611m2 và diện tích đất là hơn 1.000m2, tuy nhiên, giá thuê tất cả diện tích đất và nhà chỉ có gần 100 triệu đồng/tháng. 

Bài 5: Quá nhiều sai phạm trong quản lý sử dụng tài sản công là nhà, đất -0
Công ty TNHH Hùng Chung Nghĩa thuê nhà chuyên dùng 26 Điện Biên Phủ (quận Ba Đình) thuê nhà với diện tích hàng trăm mét vuông với giá gần 40 triệu đồng.

Liên quan đến nội dung trên, qua giám sát công tác quản lý nhà, đất công trên địa bàn TP Hà Nội, HĐND thành phố đánh giá công tác tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý sử dụng tài sản công là nhà, đất của thành phố còn chậm. Theo đó, mặc dù Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các văn bản là nghị định, thông tư hướng dẫn đã có từ năm 2017; các quy định liên quan đến định giá đất, giá nhà có nhiều thay đổi..., tuy nhiên, thành phố vẫn chưa ban hành văn bản thay thế, hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời triển khai, tổ chức thực hiện. 

Đáng chú ý, một số văn bản của UBND thành phố được ban hành từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn đang được áp dụng và chưa được điều chỉnh (Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND ngày 12.11.2012 quy định về quản lý, sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn TP Hà Nội; Quyết định số 38/2012/QĐ-UBND ngày 14.12.2012 của UBND TP Hà Nội quy định về đơn giá thuê nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; Quyết định số 5469/QĐ-UBND ngày 10.9.2013 của UBND thành phố quy định về giá dịch vụ nhà chung cư...). 

"Với sự thay đổi của chính sách pháp luật, sự phát triển của nền kinh tế, cho đến nay các quy định này có nhiều điểm không còn phù hợp, bất cập với yêu cầu quản lý cho thuê và thu tiền thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố", báo cáo giám sát HĐND thành phố chỉ rõ.

Gia tăng vi phạm trật tự xây dựng tại các khu nhà chuyên dùng

Theo đánh giá, hiện có nhiều nhà chuyên dùng được đơn vị thuê xây dựng không phép hoặc trái phép, cơi nới thêm diện tích và điều đáng nói ở đây là hành vi vi phạm này đang có chiều hướng gia tăng. Điển hình như Viện nghiên cứu phát triển đô thị thuê nhà chuyên dùng 35 Điện Biên Phủ với diện tích nhà là 164m2và khuôn viên đất là 538m2. Sau đó, Viện này đã xây dựng thêm diện tích 463 m2, trong đó không phép là 71m2. Từ năm 2002 đến nay đơn vị chưa thanh toán tiền thuê nhà. Năm 2013, UBND thành phố đã có quyết định thu hồi 565m2 đất có nhà, công trình tại số nhà 35 Điện Biên Phủ nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được. 

Bài 5: Quá nhiều sai phạm trong quản lý sử dụng tài sản công là nhà, đất -0
Nhà chuyên dùng số 6 Nguyễn Công Trứ được Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn sử dụng là khu liên cơ gồm 9 đơn vị trực thuộc, hầu hết các đơn vị thuê đều cơi nới, xây thêm công trình cho nhiều đơn vị khác thuê lại.

Hay tại nhà chuyên dùng số 6 Nguyễn Công Trứ được Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn sử dụng là khu liên cơ gồm 9 đơn vị trực thuộc thì cả 9 đơn vị đều nợ đọng tiền thuê nhà, trong đó đơn vị nợ tiền nhiều nhất là Công ty Cổ phần Cơ điện xây dựng và hợp tác lao động nợ gần 10 tỷ đồng. Thậm chí hầu hết các đơn vị thuê đều cơi nới, xây thêm công trình cho nhiều đơn vị khác thuê lại.

Còn tại nhà ở 56 Trần Quốc Toản do Công ty Cổ phần Vật liệu và Công nghệ đứng tên thuê từ năm 2014, đơn vị đã tự ý sử dụng diện tích tầng 1 và 2 làm nhà hàng ăn uống; tự ý dựng nhà tạm 2 tầng khung nhôm kính, ốp gạch bên ngoài trong khuôn viên căn biệt thự...

Hoặc trường hợp số nhà 281 Đội Cấn do Công ty Cổ phần Du lịch và Xúc tiến đầu tư thuê, cả một khu vực nhà chuyên dùng rộng hơn 9.000m2 được đơn vị này biến thành nhà xưởng cấp 4 với đa dạng các loại hình dịch vụ, từ siêu thị, kho bãi, garage ôtô cho tới kinh doanh nhà hàng. 

Điều đáng nói ở đây là những sai phạm của các công trình nêu trên không được các cơ quan chức năng có liên quan nghiêm túc xử lý, gây thất thoát lớn nguồn thu từ tài sản nhà nước. 

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn rất nhiều nhà chuyên dùng sử dụng không hiệu quả như nhà số 37 phố Hàng Khay (quận Hoàn Kiếm) bỏ trống chưa đấu giá... Nhiều nhà chuyên dùng người dân tự ý chuyển đổi thành nhà để ở như tại số nhà 30 Hàng Cá (quận Hoàn Kiếm) do Công ty Xuất nhập khẩu Mỹ nghệ Thăng Long thuê nhưng có tới 12 hộ dân đang sinh sống bên trong... Hay như nhà chuyên dùng tại số 43 ngõ Văn Hương (quận Đống Đa) do Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội đứng tên thuê nhà, nhưng hiện trạng cũng là nơi sinh sống của 3 hộ dân... 

Có thể thấy việc sử dụng nhà chuyên dùng trên địa bàn thành phố đang tồn tại nhiều tồn tại, bất cập. Ngoài các vi phạm của đơn vị sử dụng, sự buông lỏng quản lý của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội còn có trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Việc này đòi hỏi UBND thành phố Hà Nội cần sớm vào cuộc để xử lý tận gốc của những tồn tại, bất cập trong sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu của thành phố. Ngoài ra, các sở ngành của thành phố như Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường... cần sớm xây dựng và tham mưu cho thành phố bộ khung pháp lý hoàn chỉnh để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu của thành phố.

Theo kết quả rà soát, tính đến năm 2022, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang quản lý 803 địa điểm nhà chuyên dùng. Trong số này có 66 điểm thuộc danh mục nhà trống, bao gồm 53 điểm trống toàn bộ và 13 địa điểm thuộc diện nhà trống còn tồn tại, vướng mắc, vi phạm; 357 địa điểm thuộc danh mục các địa điểm nhà chuyên dùng có vướng mắc, vi phạm.

* Báo điện tử Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan liên quan đến bạn đọc và cử tri cả nước. 

Anh Thế - Phi Long - Lê Tú
#