Giữ vững “4 kiên định”, thực thi "6 nắm chắc", vì Việt Nam hùng cường:

Bài 4:  Đảng nắm lấy pháp luật đồng bộ, thống nhất với kỷ luật để lãnh đạo, cầm quyền

- Thứ Tư, 29/06/2022, 06:13 - Chia sẻ

TS. NHỊ LÊ - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản 

Để không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, thì trọng sự thứ tư, đó là nắm chắc và không ngừng phát triển hệ thống pháp luật làm rường cột ngày càng hoàn bị nhằm phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương và phát triển nền kinh tế quốc gia vững mạnh để bảo đảm lãnh đạo, cầm quyền, xây dựng quốc gia tự cường.    

Đạo đức và pháp quyền song hành

Bản chất của công việc đổi mới thể chế chính trị là, xác lập một nền chính trị bảo đảm và bảo vệ toàn bộ quyền lực và lợi ích của chế độ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thuộc về nhân dân, của nhân dân, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, bằng Nhà nước pháp quyền XHCN là người đại diện của nhân dân, do nhân dân bầu ra, bằng các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội của nhân dân một cách dân chủ, được bảo đảm bởi luật pháp thượng tôn, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phù hợp với xu thế phát triển chính trị của thời đại.   

Và, một cách tất yếu, bản chất của thể chế chính trị Việt Nam hàm chứa 4 trụ cột căn bản và bất biến sau đây: Một là, Nhà nước pháp quyền XHCN thượng tôn pháp luật; hai là, dân chủ XHCN là mục tiêu và động lực; ba là, Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo; bốn là, xây dựng xã hội công dân làm nền tảng xã hội - chính trị phát triển trên nền móng truyền thống chính trị dân tộc và tiếp thu tinh hoa phát triển chính trị của các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

 Điều mấu chốt là, ở tầm vĩ mô, Đảng lãnh đạo, cầm quyền sao cho công việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật thật sự chuyển mạnh một cách căn bản việc quản lý xã hội bằng pháp luật, bằng thuyết giáo sang quản lý xã hội bởi pháp luật, bởi đạo đức tương dung với bước chuyển mạnh mẽ của nền kinh tế và xã hội trong bối cảnh thị trường và hội nhập toàn cầu. Và, tới lượt mình, trong Đảng, bảo đảm quản lý Đảng một cách toàn diện, đồng bộ bởi pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Đảng. Pháp luật sẽ góp phần làm nên đạo đức, đến lượt nó bảo đảm cho pháp luật tỏa rộng, thấm sâu, giữ vững kỷ cương xã hội. Nghĩa là đạo đức và pháp quyền song hành.

 Nhìn bao trùm, Đảng phải nắm lấy pháp luật đồng bộ, thống nhất với kỷ luật để lãnh đạo, cầm quyền.

Đất nước muốn hùng cường, phải lấy kinh tế là giá đỡ căn bản cùng với văn hóa. Vì thế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là nhu cầu tất yếu trên con đường vươn tới hùng cường đối với chúng ta.

Nhưng, cần thiết phải nhấn mạnh rằng, định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường, trước hết xuất phát từ tính khách quan của nền kinh tế thị trường, đặt ra, tạo nên trong tiến trình phát triển, đồng thời Nhà nước phải chủ động qua chính sách, pháp luật hạn chế mặt tiêu cực của kinh tế thị trường, và tạo ra, xây dựng mặt xã hội (an sinh xã hội, tính công bằng, nhân bản xã hội và sinh thái…) của nó mà kinh tế thị trường khó tạo ra được. Tức là tầm nhìn, mục tiêu của kinh tế là pháp luật, rộng ra là văn hóa của sự phát triển kinh tế. Hơn nữa, phải là nền kinh tế thị trường hiện đại, từ đó mới có nền kinh tế thị trường XHCN. Khi kinh tế thị trường chưa ở trình độ hiện đại thì là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng tính chất định hướng, sự định hướng ấy chỉ mới mang tính khởi phát, sơ khai trong hiện thực và còn lâu dài trong xu hướng vận động, từ kinh tế thị trường định hướng XHCN tiến dần lên nền kinh tế thị trường hiện đại XHCN và nằm trong phạm trù kinh tế thị trường XHCN. Không có nền thị trường hiện đại thì không có nền kinh tế thị trường XHCN.

Bất kể quốc gia nào cũng phải hết sức coi trọng xu thế phát triển của thời đại, những giá trị phổ quát của nhân loại thì chính giá trị chung phổ quát ấy và là xu thế phát triển của thời đại đó; và các mục tiêu cơ bản có tính bản chất và có tính nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội là nhất trí hay gần đồng nhất với nhau. Bởi các nước càng phát triển lên văn minh và hiện đại thì càng gần với chủ nghĩa xã hội văn minh, hiện đại, nhân văn và phát triển bền vững. Định hướng XHCN làm cho nó phù hợp với tính phổ quát và xu thế nhân văn, tất yếu ấy chứ không phải chủ nghĩa xã hội là thứ gì khác, ngược với xu thế ấy.

Xét về xu hướng và tính phổ quát, giá trị chung nói trên thì, nền kinh tế thị trường XHCN không phải là cái ngoại lệ nào đó. Bởi, tính XHCN nảy sinh trên nền tảng KT - XH hiện đại thông qua biến đổi có tính cách mạng gạt bỏ hình thức KT - XH lỗi thời của nó - chủ nghĩa tư bản mà thôi. Do đó, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là một nấc thang, một giai đoạn phát triển của nền kinh tế thị trường XHCN hiện đại, hoàn bị, dưới chủ nghĩa xã hội, chứ không phải là thứ gì khác. Nó là công cụ dưới chủ nghĩa xã hội.

 Vấn đề của kinh tế Việt Nam hiện nay dường như cho thấy đang gặp vấn đề lúng túng ở tầm nhìn, sâu hơn là tầm chủ thuyết phát triển chứ không phải đơn thuần chỉ dừng lại xem xét những chính sách sai lầm yếu kém đơn lẻ, dù là cần thiết, và vô hình tự bó mình vào đó.

Trong tầm nhìn tới 2030, từ yêu cầu phát triển thực tiễn hiện nay, tối thiểu giải quyết 3 loại công việc cần kíp về nhận thức luận: Một là, nắm lấy nguyên lý thị trường. Hai là, từ nắm lấy nguyên lý thị trường dẫn tới điều tối thiểu không thể không làm: không thể bỏ mặc thị trường. Ba là, từ nắm lấy thị trường, không bỏ mặc thị trường tất yếu phải can dự và chế ước thị trường vĩ mô theo chủ kiến.

Trong điều kiện đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được thể hiện đồng thời dưới ba góc độ, tối thiểu: Một là, Nhà nước đẩy mạnh hội nhập quốc tế, dẫn dắt kinh tế Việt Nam theo quỹ đạo kinh tế thị trường hiện đại bằng luật và các công cụ điều tiết vĩ mô nhằm hình thành, phát triển các loại hình thị trường một cách đồng bộ, phù hợp. Hai là, Nhà nước hoàn thiện khung khổ pháp lý, hoạch định các chế định bảo đảm tôn trọng và củng cố các nền tảng cơ bản pháp lý và kinh tế của kinh tế thị trường (quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh… của các thành phần và khu vực kinh tế), hệ chính sách đòn bẩy và các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô khác. Ba là, Nhà nước kiểm soát theo luật định theo chức năng, nhiệm vụ của mình, với phương châm thượng tôn pháp luật, đối xử bình đẳng, minh bạch và chịu trách nhiệm giải trình.

Mọi sự phát triển của kinh tế phải vì lợi ích quốc gia, lợi ích của nhân dân

Với vai trò là người dẫn dắt, Nhà nước tập trung thực thi, thứ nhất, định hướng phát triển cho nền kinh tế của đất nước, sử dụng hệ thống đòn bẩy kinh tế mà Nhà nước nắm giữ: hệ thống tiền tệ, hạn ngạch, các khoản thu và thuế tiêu thụ đặc biệt, các khoản chiết khấu, các loại thuế khác. Thứ hai, điều chỉnh nền kinh tế của đất nước, chế định khuôn khổ pháp lý cho sự vận hành của nó theo quy luật vận động khách quan phù hợp với chủ kiến của Nhà nước, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Thứ ba, kiểm soát các dòng chảy kinh tế, các hoạt động xuất, nhập khẩu bằng việc sử dụng các cơ quan thuế và hệ thống hải quan, hệ thống kiểm soát, thanh tra và giám sát. Thứ tư, là thành viên lớn nhất của thị trường, người mua bán hàng hóa và mua bán tài nguyên một cách chủ động. Thứ năm, thông qua và nhờ thuế và các khoản thu khác, Nhà nước trở thành người nắm giữ tiền tệ lớn nhất trong nước, kể cả quỹ ngoại tệ và các quỹ khác. Thứ sáu, tích trữ, quản lý và phân bổ các nguồn tài nguyên của mình (lương thực, dầu mỏ, khí đốt…) hoặc các nguồn lực tài nguyên khác mà Nhà nước mua để dự phòng chiến lược. Thứ bảy, trên cơ sở tầm nhìn quản lý vĩ mô, chủ động điều hành một cách mềm dẻo theo luật, với bộ máy gọn nhẹ, tinh thông, liêm chính và tận tụy phục vụ nhân dân...

Trong việc đổi mới chính trị hiện nay, để xây dựng thực lực nền kinh tế quốc gia vững mạnh làm nền tảng chiến lược cho đổi mới chính trị, với phương thức phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường định hướng XHCN một cách hoàn bị, hiện đại, kiên quyết chuyển mạnh mẽ và triệt để từ một nền kinh tế tồn tại sang một nền kinh tế cơ cấu, với phương thức chuyển từ lợi thế tiềm năng sang lợi thế cạnh tranh độc đáo, không rơi vào quyết định luận kinh tế. Chúng ta từng bước hướng tới xây dựng tư tưởng kinh tế Việt Nam của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, để dân tộc trở nên tự cường mạnh mẽ và bền vững. Đó là bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà chúng ta xây dựng và phát triển.

Xin nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế rất quan trọng, nhưng đẳng cấp của nền kinh tế mới là điều phải hướng tới xây dựng, mà tiêu chí hàng đầu là chất lượng và giá trị của sự phát triển. Đó là cái gốc của đẳng cấp nền kinh tế. Cuộc cạnh tranh hoặc thắng hoặc thua trên thế giới trong tương lai, sự thành hay bại của chúng ta chính là ở chỗ này. Nói gọn lại, đó chính là đẳng cấp, là thương hiệu Việt, mà đội ngũ tiên phong chính là các doanh nghiệp - rường cột là đội ngũ doanh nhân nước nhà trên tất cả các khu vực kinh tế và các thành phần kinh tế giữ vai trò quyết định. Mấu chốt ở đây là, chuyển mạnh từ nền kinh tế tồn tại sang nền kinh tế cơ cấu, chuyển mạnh từ lợi thế thành lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chống chọi và thích ứng nhằm định vị trên thế giới nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam.

Nói khái quát, phát triển kinh tế thị trường hiện đại hoàn bị, với xung lực là kinh tế tri thức, với những đột phá chủ lực, dưới sự dẫn dắt của Nhà nước XHCN, làm nền tảng căn bản đổi mới và phát triển quốc gia. Và, đến lượt nó, mọi sự phát triển của kinh tế phải xoay chung quanh vì lợi ích quốc gia và lợi ích của nhân dân, chứ không phải ngược lại. Đó chính là văn hóa của sự phát triển kinh tế được bảo đảm bằng pháp quyền và đạo đức mà chúng ta theo đuổi vậy!

 Vì thế, hiện nay, hơn bao giờ hết, chúng ta phải tự mình trở nên hùng mạnh và văn minh, đó là con đường phát triển mạnh mẽ và bền vững và tự khẳng định mình trước thế giới và chính mình tạo ra cơ hội đóng góp phát triển thế giới một cách chủ động, hài hòa và xứng đáng mà Đảng phải nắm lấy.