Về kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu

Bài cuối: Năm giải pháp chính yếu

- Thứ Sáu, 08/10/2021, 06:24 - Chia sẻ

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Đổi mới kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu là công việc không thể không làm, dù rất khó khăn. Ở đây, phải chăng có ba loại vấn đề cơ bản cần nắm lấy và kiên định thực thi?   

Thẩm quyền phải gắn với trách nhiệm

Về nguyên tắc kiểm soát quyền lực, nguyên tắc hàng đầu, thẩm quyền phải gắn với trách nhiệm. Và, mọi quyền lực phải được kiểm soát, giao quyền gì kiểm soát đó, theo trách nhiệm được giao, bằng kỷ luật và pháp luật. Thứ hai, kiểm soát bằng thể chế và thông qua cơ chế kiểm soát. Thứ ba, công khai, minh bạch, dân chủ và bình đẳng. Đó cũng là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất trong thực thi kiểm soát quyền lực. Thứ tư, kiểm soát bằng công luận và dư luận một cách tổng thể và bao trùm quyền lực và trách nhiệm được kiểm soát trên nền móng pháp luật và kỷ luật. Những điều kỷ luật, pháp luật không cấm nhưng đạo đức, đạo lý không cho phép và không dung thứ. 

Về phương châm kiểm soát quyền lực, trước hết, kiểm soát toàn diện, đồng bộ, thống nhất, triệt để và cụ thể. Thứ hai, thực thi dân chủ, bình đẳng, không đặc quyền đặc lợi, không “vùng trống, vùng tránh, vùng trắng”, không phân chia đẳng cấp (vùng lễ, vùng pháp), bảo đảm thống nhất nghiêm ngặt vô điều kiện Đảng cương bất vị nể, Quốc pháp bất vị thân, thượng tôn tuyệt đối kỷ luật và pháp luật. Thứ ba, kiểm soát đa chiều: trên - dưới, đa phương: trong - ngoài, đa dạng: trực tiếp - gián tiếp và kiểm soát chéo… Thứ tư, giữ chức vụ, thẩm quyền, nếu trọng trách càng cao càng phải nêu gương nói và làm, sống và hành động theo kỷ luật và pháp luật.   

Cần hệ thống giải pháp đồng bộ, phù hợp và khả thi

Để thực thi kiểm soát quyền lực và kiểm soát quyền lực phải có hệ thống giải pháp đồng bộ, phù hợp và khả thi: dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ định luận và dễ xác quyết. Trước mắt, tập trung thực hiện năm giải pháp chính yếu. Một là, định lượng hóa và cụ thể hóa trách nhiệm theo thẩm quyền trên từng phương diện công tác và từng vị trí chức vụ, bảo đảm đúng quyền, rõ quyền, đủ quyền và thực quyền. Theo đó, định lượng hóa và cụ thể hóa những biểu hiện tha hóa, thoái hóa quyền lực, với phương châm “xây kết hợp với chống”, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Hai là, đổi mới cơ chế kiểm soát quyền lực theo nguyên tắc quyền hạn song hành và gắn với trách nhiệm, mọi quyền lực đều phải được kiểm soát đồng thời với trách nhiệm. Mâu thuẫn nổi bật là quyền lực với năng lực và phẩm hạnh của người đứng đầu phải được kiểm soát đa diện và chặt chẽ. Đây là mấu chốt của vấn đề kiểm soát quyền lực. Đổi mới và hoàn thiện bảo đảm thống nhất các quy định của Đảng với hệ thống pháp luật của Nhà nước và Điều lệ các đoàn thể nhân dân một cách toàn diện, đồng bộ và cụ thể. Cần nhấn mạnh, tiếp tục hiến định và luật định hóa quyền lực của Nhân dân - với tư cách là chủ thể quyền lực quốc gia - trong việc kiểm soát quyền lực được Nhân dân ủy quyền, giao phó cho người đứng đầu dù trong bộ máy đảng hay bộ máy nhà nước.   

Trên cơ sở định lượng hóa và cụ thể hóa về thẩm quyền, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế về cá thể hóa trách nhiệm đối với xử lý chất vấn, giải trình và phản biện một cách dân chủ công khai và minh bạch về người được giao và giữ quyền lực với đối tượng tác động (người, tổ chức và công việc) của quyền lực được giao và giữ đó với tập thể lãnh đạo. Đồng thời, định chế minh bạch nguyên tắc, trách nhiệm, thẩm quyền của tập thể lãnh đạo, quản lý, quản trị (gồm các cá nhân thành viên ban lãnh đạo với vị trí công vụ của mỗi người) với người đứng đầu, theo nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm. Tất cả nhằm khắc phục sự chồng lấn, không minh bạch giữa trách nhiệm cá nhân với trách nhiệm tập thể, ngăn chặn nạn nhân danh tập thể để mưu đồ cá nhân hoặc ẩn nấp trong danh nghĩa tập thể để che giấu, trốn tránh, thoái thác và rũ bỏ trách nhiệm cá nhân.   

Gắn công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra của Nhà nước và thanh tra, giám sát của Nhân dân trong việc kiểm soát quyền lực một cách đồng bộ, thống nhất, liên thông và chặt chẽ. Thực hiện đồng thời cấp trên kiểm tra, giám sát cấp dưới; kiểm tra, giám sát nội bộ, giám sát từ dưới lên; giám sát chéo giữa các cơ quan, tổ chức, giám sát của Nhân dân.

Định vị chế tài nghiêm minh và phù hợp bảo đảm thực thi cơ chế thưởng phạt một cách dân chủ, minh bạch và thống nhất một cách tập trung, theo phương châm công minh, chính xác, kịp thời, không có giới hạn cuối cùng trong kiểm soát quyền lực.

Ba là, đổi mới và xây dựng bộ máy thực thi công việc kiểm soát quyền lực (kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát…) trong tổng thể đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị các cấp một cách tinh gọn, liên thông, hiệu lực, hiệu quả. Kiện toàn đội ngũ cán bộ giữ chức năng, nhiệm vụ kiểm soát việc thực thi quyền lực có ý nghĩa rất quan trọng, là nhân tố quyết định thành bại của việc kiểm soát quyền lực. Họ phải là những người trung thành, tinh nhuệ, liêm chính, mẫn cán, dũng cảm và chỉ duy nhất hành động công vụ theo kỷ luật và pháp luật.

Bốn là, cổ vũ, bảo vệ vô điều kiện sự tham gia và phát huy vai trò của Nhân dân - với tư cách là chủ thể quyền lực, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông xã hội trong phát hiện, tố cáo, khiếu nại sự tha hóa, thoái hóa quyền lực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, của cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là người đứng đầu. Đây là công việc kiểm soát từ ngoài vào, từ dưới lên… cả phương diện pháp lý lẫn bình diện đạo lý xã hội và dư luận xã hội (hiện đang bị ngăn trở bởi không ít “cục nghẽn mạch” về thể chế cấp bách cần dỡ bỏ), một cách bao trùm, rộng lớn và có ý nghĩa thành bại, dù rất khó khăn hiện nay. Tiếp tục đổi mới tư duy, Hiến định và luật định về quyền thông tin và được thông tin (về người đứng đầu), về quyền và trách nhiệm giám sát, về phương thức kiểm tra, giám sát, kiểm soát, về quyền được trưng cầu và bãi miễn… của Nhân dân theo luật định đối với người đứng đầu và chung quanh vấn đề cấp bách này. Kinh nghiệm cho thấy, vi phạm pháp luật thì có thể còn sửa chữa được nhưng thất bại về đạo lý xã hội và dư luận xã hội thật khó còn chốn náu thân.  

Sau cùng là, đồng thời với việc gắn kiểm soát quyền lực người đứng đầu ở trong nước với kiểm soát họ ở ngoài nước (học tập, công tác và sinh sống ở ngoài nước), chủ động tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm quốc tế với nước ngoài trong việc kiểm soát quyền lực. Cần nhấn mạnh rằng, việc tiếp thu, tiếp biến kinh nghiệm cầm quyền trên phương diện này của các đảng cầm quyền hoặc liên minh các đảng cầm quyền và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, một cách cầu thị, quyết không kỳ thị và không xa lánh là công việc rất quan trọng. 

#