Các nước tăng tốc thúc đẩy kinh tế xanh

- Thứ Ba, 07/02/2023, 17:10 - Chia sẻ

Kinh tế xanh là chủ đề ngày càng được quan tâm nhiều hơn bao gồm rất nhiều lĩnh vực, từ sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, nông nghiệp xanh, hay là năng lượng xanh..., và cuộc khủng hoảng năng lượng 2022 là một đòn bẩy khiến cho các nước trên thế giới đang nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi này.

Năng lượng xanh – hướng đi cho sự thịnh vượng

Dubai thuộc các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất, là 1 trong 5 quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất trong OPEC. Chuyển đổi xanh với nơi đây không đến từ nhu cầu để giải cơn khát năng lượng, mà là tầm nhìn thúc đẩy làm sao để khai thác năng lượng vô hạn từ mẹ thiên nhiên. Việc thúc đẩy đẩy những nguồn năng lượng mới được thông qua chia sẻ nghiên cứu, tăng cường năng lực và không ngừng đầu tư cho giải pháp công nghệ mới, và công cuộc chuyển đổi năng lượng này là sự đóng góp đảm bảo vị thế cho thế hệ tương lai. Việc đi xe điện và sử dụng năng lượng mặt trời hiện không còn là thực tế quá xa với mà thực sự đang trở thành một xu thế.

Tại Trung Đông, hàng trăm tỷ USD đã được đổ vào nền kinh tế để tránh sự phụ thuộc quá mức vào năng lượng hóa thạch và đem lại các cơ hội phát triển mới cho các quốc gia Vùng Vịnh. Nhờ nguồn tài chính khổng lồ mà các nước Trung Đông có thể hiện thực hóa những dự án năng lượng xanh tham vọng nhất. Hiện nơi đặt nhà máy sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, tọa lạc tại Dubai (Các Tiểu Vương Quốc Arab Thống nhất). Với diện tích 77km2, công viên năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới đảm nhận sứ mệnh thực hiện tầm nhìn của Dubai. Hiện Dubai đang nắm giữ một số dự án mang tính kỷ lục của thế giới. Đến năm 2050, năng lượng sạch sẽ có thể đáp ứng 100% nhu cầu của các hộ gia đình.

Tại Vùng Vịnh, nguồn năng lượng của tương lai chính là dầu mỏ, khí đốt và các nguồn năng lượng tái tạo. Cả ba yếu tố này góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, và điều này chỉ thực sự đạt được khi tất cả các nguồn năng lượng đều được quan tâm một cách đúng đắn. Xây dựng nên những trung tâm năng lượng xanh ngay trên những giếng dầu đang được xem như là con đường để nhiều quốc gia khu vực này tạo dựng vị thế là cường quốc năng lượng của tương lai.

EU nỗ lực trong chuyển đổi năng lượng xanh

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã công bố một phần kế hoạch, đề cập việc tái phân bổ các quỹ hiện có của EU, tăng tốc cấp phép các dự án xanh và các cơ chế nhằm tăng cường kỹ năng, đẩy nhanh ký kết các thỏa thuận thương mại để nhanh chóng bảo đảm các nguồn cung cần thiết về nguyên liệu thô quan trọng. Bên cạnh đó, EU cũng đang xây dựng Ðạo luật Công nghiệp cân bằng phát thải mới, như một phần trong kế hoạch Thỏa thuận xanh. Ðạo luật sẽ tập trung các khoản đầu tư vào những dự án dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng, như đơn giản hóa và cấp phép theo dõi nhanh cho các địa điểm sản xuất công nghệ sạch mới. Thỏa thuận xanh trong lĩnh vực công nghiệp của EU được xây dựng nhằm biến châu Âu thành một trung tâm công nghệ sạch và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Các khoản trợ cấp của EU nhằm cạnh tranh với Mỹ trong lĩnh vực năng lượng sạch. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), thị trường năng lượng sạch sản xuất hàng loạt của thế giới sẽ tăng gấp ba, lên mức khoảng 650 tỷ USD vào năm 2030, số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất sẽ tăng hơn gấp đôi. Các quan chức EC nhấn mạnh rằng, các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đang tăng cường đầu tư cho nền công nghiệp trung hòa khí thải, và cho rằng đây là cách làm đúng. Nền kinh tế trung hòa khí thải là nền kinh tế tương lai và châu Âu mong muốn trở thành một phần quan trọng trong ngành công nghiệp này. EC hy vọng kế hoạch trên sẽ nhận được sự ủng hộ từ các nước thành viên trong Hội nghị cấp cao EU diễn ra trong hai ngày 9 và 10.2 tới.

Bên cạnh đó, châu Âu, cũng đã có lựa chọn cho riêng mình đó là một nền kinh tế dựa trên khí hydro hóa lỏng. Mặc dù đây là một dạng năng lượng tuy chưa phổ biến nhưng lại rất có tiềm năng và đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Chính sách năng lượng châu Âu đang tiếp sức cho một dự án công nghệ, khởi động từ 10 năm nay là tàu hoả chạy bằng khí hydro hoá lỏng. Nó ít được nói tới do chi phí dùng hydro quá cao so với tàu hoả chạy điện. Song khi chiến sự giữa Ukraine và Nga nổ ra, hydro nổi lên như một giải pháp lý tưởng, vì không lệ thuộc nhập khẩu, không tạo ra khí thải có thể dùng cho mọi loại động cơ, kể cả động cơ máy bay. Mặc dù nhược điểm của hydro vẫn là cồng kềnh, đắt đỏ và vô số thách thức khác, nhưng hydro được kỳ vọng sẽ giúp Liên minh châu Âu đi đầu trên con đường tìm tòi, phát triển các dạng năng lượng xanh cho tương lai.

Nguồn: Politico
Nguồn: Politico

Mỹ thiết lập sàn giao dịch tín chỉ carbon

Trong cuộc đua kinh tế xanh, Chính phủ lẫn các công ty Mỹ đã nỗ lực để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi xanh, điển hình là việc xây dựng các sàn giao dịch tín chỉ carbon. Bang California đã hoàn thiện chương trình mua - bán tín chỉ carbon chính thức. Ở cấp độ khu vực, New York cùng 11 bang khác ở bờ Đông đang cùng tham gia Sáng kiến Khí nhà kính Khu vực (RGGI). Sáng kiến RGGI ra đời năm 2008 với quy mô chỉ hướng giảm khí thai tại các nhà máy điện. Quy định mỗi nhà máy điện trong khu vực sẽ được cấp 1 đơn vị tín chỉ khí thải nhất định trong một thời gian nhất định, nếu vượt quá, họ phải đấu giá để mua thêm tín chỉ. Sau 15 năm, chương trình này đã giúp giảm được 50% lượng khí thải trong khu vực.

Thị trường mua bán tín chỉ hoàn thiện ra đời vào năm 2013 của riêng bang California và bao quát tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế từ nhà máy điện, sản xuất tới khai thác và lọc dầu. Các công ty được đưa ra mức tín chỉ khí thải nhất định, mỗi năm sẽ càng thấp đi. Năm 2022, một đơn vị tín chỉ (một tấn khí thải) đã được bán ở mức 30,73 USD. Sau 10 năm, thị trường tín chỉ carbon của bang có giá trị 19 tỷ USD. Civitas thuộc bang Colorado, là doanh nghiệp khai thác dầu đầu tiên trong vùng chuyển đổi sang công nghệ xanh. Thay vì dùng dầu diesel để vận hành các giàn khoan, họ dùng điện, do đó họ tiết kiệm được lượng khí thải từ 20 - 25% mỗi năm. Số còn lại vẫn phải mua trên thị trường tín chỉ carbon. Trước những tín hiệu tích cực này, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 2,4 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Thị trường Bắc Mỹ gồm Mỹ và Canada sẽ tiếp tục đứng thứ 2 sau châu Âu.

Như Ý