Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Nếu giải quyết được vấn đề định giá đất đai, chúng ta sẽ giải quyết được các mối quan hệ

- Chủ Nhật, 18/09/2022, 14:41 - Chia sẻ

Ngay sau phần trình bày tham luận, gợi mở hoàn thiện chính sách về đất đai, Hội thảo tiến hành trao đổi, thảo luận bàn tròn.

Dưới sự điều phối của Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM; Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu; GS. TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ  trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc quốc gia Ngân hàng châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries... tham gia thảo luận, làm rõ chủ đề đẩy mạnh cải cách thể chế - hoàn thiện chính sách về đất đai như một giải phá quan trong trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

TỔNG THUẬT: Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Câu hỏi đầu tiên với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, hiện nay Chính phủ đang rất tích cực, nỗ lực để sửa đổi Luật Đất đai, được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng đất và đưa đất đai trở thành một nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội trong việc xây dựng và sửa đổi Luật Đất đai. Xin Bộ trưởng cho biết, 3 nội dung sẽ là cải cách đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai lần này mà tác động đến thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của người dân?

Mở đầu phần thảo luận bàn tròn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi về 3 vấn đề tâm huyết, ưu tiên. Trong đó, ưu tiên thứ nhất, trả lời cho câu hỏi để quản lý nhà nước thì công cụ nào là quan trọng nhất để tiếp tục đổi mới, thể chế hóa chính sách mới, theo Bộ trưởng, một trong những công cụ để thể hiện quyền đại diện của Nhà nước với sở hữu toàn dân là công tác quy hoạch. Cụ thể, công tác quy hoạch phải đổi mới về phương pháp, nội dung, hình thức và xác định lại vị thế để quy hoạch mang được quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước trong việc phân bổ nguồn lực tài nguyên hết sức quý giá, đặc biệt và quan trọng là đất đai. Giải quyết được công bằng, bình đẳng cho các bên, hay nói đúng ra là phải bảo đảm công bằng, bình đẳng cho các thế hệ và giải quyết được nhu cầu sử dụng đất, giải quyết những vấn đề trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Và thông qua công cụ này thể hiện được tính dân chủ trong quá trình các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân, có thể tham gia. 

Ưu tiên thứ hai, qua lắng nghe ý kiến của nhiều diễn giả tại Diễn đàn về định giá đất, tài chính đất đai, cá nhân Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, đây là những vấn đề, cả về mặt lý thuyết và thực tiễn, đang còn khoảng cách, nhận thức rất khác nhau. Nếu giải quyết được vấn đề định giá đất đai một cách công khai, minh bạch, bình đẳng, thì chúng ta sẽ giải quyết được các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giải quyết được mối quan hệ của Nhà nước, những người dân có đất, những người dân bị thu hồi đất và doanh nghiệp. Như vậy, định giá đất là một vấn đề đi kèm vấn đề kinh tế và tài chính đất đai. Khi định giá đúng, với tất cả những quan điểm, chính sách vừa thị trường theo công cụ kinh tế nhưng phải là định hướng XHCN, thì chúng ta sẽ thực hiện được các chính sách về mặt xã hội thông qua vấn đề tài chính đất đai. “Tức là chúng ta hoàn toàn có thể chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang từng bước kết hợp với thị trường, công cụ kinh tế kết hợp với hành chính, có như vậy chúng ta mới giải quyết được những vấn đề liên quan hiện nay, như đầu cơ thổi giá, đất đai sử dụng không hiệu quả, trường hợp có quá nhiều đất nhưng không sử dụng...”, Bộ trưởng nói.

Nội dung thứ ba Bộ trưởng “hết sức tâm đắc và hết sức quan trọng”, đó là chúng ta quản lý nguồn lực lớn như vậy nhưng chúng ta có nắm được về số lượng, chất lượng và kinh tế không trong khi chúng ta thiếu thông tin, thiếu đánh giá, thiếu giám sát? Với vấn đề thông tin dữ liệu đất đai, theo Bộ trưởng, “chúng ta có thể chuyển đổi số ở lĩnh vực đất đai càng sớm càng tốt thì sẽ thực hiện được quyền của Nhà nước thay mặt Nhân dân để giám sát nguồn lực này một cách tốt nhất”. Thông qua dữ liệu đất đai chúng ta sẽ giám sát được nguồn lực, giúp người dân có thể tiếp cận được các thông tin đất đai một cách công bằng, công khai và bình đẳng. Thông qua hệ thống này, chúng ta cũng có thể cải cách thủ tục hành chính để Nhà nước chuyển sang là một trong những cơ quan phục vụ Nhân dân, hơn là gây khó khăn về các “rừng thủ tục” hành chính như hiện nay, Bộ trưởng nêu rõ. 

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng khẳng định “còn 8 vấn đề khác đã đặt ra trong Nghị quyết 18-NQ/TW đều là vấn đề hết sức là căn cơ, quyết liệt”.

PV lược ghi
#