Kiểm soát ô nhiễm nhờ công nghệ thông tin

- Thứ Ba, 05/07/2022, 06:17 - Chia sẻ

Theo Trung tâm công nghệ thông tin, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành tài nguyên môi trường là xu hướng phát triển tất yếu. Thực tế, nhằm quản lý và vận hành tốt hơn, giúp cho thành phố sạch và đẹp hơn, TP. Hồ Chí Minh đã và đang triển khai có hiệu quả công nghệ trong quản lý chất thải và ứng dụng theo dõi chất lượng không khí. 

Từ phần mềm quản lý vệ sinh môi trường UberRac…

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày, thành phố phát sinh khoảng 9.500 tấn rác thải sinh hoạt; tuy nhiên công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải vẫn còn bộc lộ những khó khăn, bất cập… Để khắc phục những tồn tại này, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý chất thải được đầu tư, chú trọng; trong đó phải kể tới phần mềm quản lý vệ sinh môi trường (UberRac) của Công ty TNHH Công nghệ Điện toán Sài Gòn (CINOTEC). 

Theo đại diện CINOTEC, người dân có thể cài đặt phần mềm bằng điện thoại di động (hệ điều hành iOS hoặc Android) để theo dõi dịch vụ thu gom rác như đăng ký, ký hợp đồng thu gom rác; theo dõi lịch đóng tiền rác, thanh toán qua ngân hàng; theo dõi thời gian (lịch trình) xe thu gom rác; đăng ký, thỏa thuận giá đổ rác khối lượng lớn (bàn, ghế, cây…); phản ánh chất lượng thu gom rác; đăng ký thu đổi ve chai, rác thải chế (đổi ve chai, rác tái chế cấn trừ vào tiền thu gom rác hoặc các vật dụng có giá trị). 

Với sự tiện lợi như vậy, CINOTEC sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh triển khai ứng dụng phần mềm cho các đơn vị thu gom rác dân lập đang thu gom tại một số khu phố trên địa bàn các phường Bình Thuận, Tân Quy, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây (quận 7), giúp các đơn vị thu gom rác dân lập nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ thu gom rác, giúp người dân có kênh thông tin đăng ký, theo dõi, phản ánh dịch vụ thu gom rác nhằm góp phần cải thiện chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn khu dân cư.

Theo các chuyên gia, nhờ ứng dụng hệ thống thông tin vào quản lý chất thải, các chủ nguồn thải, chủ vận chuyển, chủ xử lý chất thải sẽ quản lý được số liệu trên máy tính. Đồng nghĩa với việc sẽ quản lý được đường đi và “vòng đời” của chất thải. Qua đó, hạn chế tình trạng chất thải được vận chuyển không đúng địa chỉ hoặc xử lý thì ít nhưng báo cáo nhiều, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý. 

Ứng dụng công nghệ nhằm hạn chế bất cập trong thu gom chất thải. Nguồn: ITN
Ứng dụng công nghệ nhằm hạn chế bất cập trong thu gom chất thải
Nguồn: ITN

Tới HealthyAIR theo dõi chất lượng không khí

Không chỉ riêng vấn đề về xử lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm không khí ở TP. Hồ Chí Minh cũng là yêu cầu cấp thiết đang được đặt ra. Theo các chuyên gia, việc ra đời một ứng dụng giúp người dân nhận biết chất lượng không khí nơi mình sống sẽ giúp cộng đồng chủ động phòng tránh và có những hoạt động phù hợp. 

Xuất phát từ nhu cầu từ thực tiễn, Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã cho ra mắt ứng dụng HealthyAIR - ứng dụng cho phép mọi người biết mức độ ô nhiễm ở hiện tại và dự báo ô nhiễm không khí trong 12 - 24h tới. HealthyAIR có thể đo được nhiều chất gây ô nhiễm không khí như O3, NO2, SO2, PM2.5, CO…; hiển thị chất lượng không khí bằng chỉ số AQI theo Hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng không khí Việt Nam. Đồng thời, đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo về chất lượng không khí cho các nhóm đối tượng có các bệnh như viêm mũi dị ứng, hen suyễn…

PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), đồng Giám đốc Dự án HealthyAIR cho biết, hiện dự án có 6 trạm quan trắc không khí tự động tại 6 quận ở TP. Hồ Chí Minh (huyện Bình Chánh, quận Bình Thạnh, quận 10, quận 1, quận Tân Phú và TP. Thủ Đức) để thu thập dữ liệu. Dựa trên số liệu đo liên tục từ 6 trạm quan trắc không khí tự động, ứng dụng cho người dùng biết mức độ ô nhiễm ở thời điểm hiện tại. Được biết, để đo lường chất lượng không khí toàn thành phố theo chuẩn của Mỹ và châu Âu, TP. Hồ Chí Minh cần phải có ít nhất 16 trạm. Hiện dự án đã xây dựng bản đồ các vị trí cần lắp đặt, đồng thời làm hồ sơ xin tài trợ kinh phí đầu tư 10 trạm còn lại ở các vùng ngoại ô như Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi…

Sau khi thu thập và phân tích dữ liệu ô nhiễm không khí để cảnh báo cho người dùng, ứng dụng này được Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh) tham khảo để quản lý. Nhờ vậy, các nhà chuyên môn sẽ kịp thời nhận được dữ liệu để tham khảo và điều chỉnh chính sách bảo vệ môi trường không khí của TP. Hồ Chí Minh Đồng thời, dữ liệu từ các trạm quan trắc HealthyAIR được chia sẻ cho Trung tâm quan trắc Môi trường miền Bắc/Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhằm phục vụ công tác quản lý môi trường không khí quốc gia và của TP. Hồ Chí Minh.

Không dừng lại ở đó, những nhà điều hành dự án HealthyAIR kỳ vọng sẽ hoàn thiện các nền tảng thông minh để tích hợp hệ thống HealthyAIR như cảnh báo ngập lụt, các tuyến đường bị ô nhiễm và chỉ dẫn người dân chọn tuyến đường ít ô nhiễm để lưu thông; hoàn thiện hệ thống cảnh báo sức khỏe và điều trị/đưa ra các bước xử lý tự động cho người bị bệnh hô hấp khi mức độ ô nhiễm không khí tăng cao thông qua smartphone. Qua đó khuyến khích/kêu gọi các chủ sở hữu các khu dân cư cao cấp và cá nhân tự lắp máy đo tại khu vực tư nhân của họ và kết nối tự động vào hệ thống HealthyAIR để bảo vệ sức khỏe khu vực và tăng số lượng trạm cho TP. Hồ Chí Minh. 

Thanh Điểu