Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới:

Bài 1: Hoàn thiện cơ chế phối hợp

- Chủ Nhật, 26/06/2022, 05:55 - Chia sẻ

Theo nhiều chuyên gia, việc có nhiều chủ thể được giao trách nhiệm phòng, chống tham nhũng nhưng thiếu cơ quan chuyên trách làm đầu mối đã làm hạn chế hiệu quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua.

Nhiều chủ thể nhưng thiếu đầu mối

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; Thanh tra Chính phủ là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức hoạt động điều tra tội phạm tham nhũng; Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra Chính phủ quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, Luật này cũng quy định Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm kiểm toán nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Như vậy, việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng thuộc trách nhiệm của nhiều chủ thể. Song Hiến pháp năm 2013 và pháp luật hiện hành chưa có quy định về cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng. Điều 83 Luật Phòng, chống tham nhũng chỉ quy định: Trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng trong Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Tổng thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an.

Cụ thể hóa Điều 83, một số luật liên quan như Luật Thanh tra, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Công an nhân dân đã quy định về tổ chức, hoạt động của đơn vị chuyên trách phòng, chống tham nhũng như Cục Phòng, chống tham nhũng - Cục IV thuộc Thanh tra Chính phủ, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ - Vụ 5 thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - C03 thuộc Bộ Công an.

Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội Trần Văn Tám, điều này cho thấy ở nước ta hiện nay chưa có cơ quan chuyên trách, độc lập đảm nhiệm phòng, chống tham nhũng mà do nhiều cơ quan phối hợp thực hiện. Mô hình này có ưu điểm là có thể huy động, sử dụng tối đa các cơ quan thanh tra, điều tra, giám sát, kiểm toán với vai trò là lực lượng nòng cốt trong việc phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên việc có nhiều chủ thể tham gia nhưng không có chủ thể chuyên trách làm đầu mối chịu trách nhiệm chính dẫn đến quá trình thực thi phòng, chống tham nhũng có những khó khăn, hạn chế nhất định, hiệu quả chưa cao.

 “Dẫm chân”, chồng chéo

Không chỉ nhiều chủ thể nhưng thiếu đầu mối, tổ chức và hoạt động của từng đơn vị chuyên trách phòng, chống tham nhũng ở các cơ quan cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hà, trên thực tế hoạt động của Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ mới tập trung vào việc giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng; chỉ được xử lý thông tin, phản ánh về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng qua điện thoại, hộp thư điện tử, số vụ việc tham nhũng do Cục phát hiện thời gian qua chưa nhiều. Chức năng thanh tra, phát hiện, kiến nghị xử lý tham nhũng còn được giao cho nhiều đơn vị khác như các Cục I, II, III và Vụ I, II, III của Thanh tra Chính phủ nên dẫn đến chồng chéo trong khi thiếu cơ chế điều hòa, phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị.

Cũng tương tự như đơn vị chuyên trách thuộc Thanh tra Chính phủ, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng gặp khó khăn trong hoạt động phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng khác, đặc biệt là trong việc phát hiện tội phạm, giải quyết tin báo tố giác tội phạm về tham nhũng. Ngoài ra, Viện Kiểm sát không có chức năng kiểm sát việc xử lý các vi phạm hành chính nên không có căn cứ pháp lý theo dõi tình hình các vụ việc, tội phạm về tham nhũng được các ngành, các cấp phát hiện nhưng chỉ xử lý hành chính mà không kiến nghị khởi tố để xử lý hình sự.

Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể cơ quan đầu mối chủ trì và chịu trách nhiệm chính trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên cơ sở rà soát, loại bỏ những chức năng, nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng không cần thiết của các cơ quan khác để tránh chồng chéo, “dẫm chân” nhau. Đồng thời làm rõ tính độc lập của mỗi cơ quan cũng như cơ chế phối hợp với cơ quan liên quan khi thực hiện nhiệm vụ.

Điều này cũng phù hợp với khuyến nghị của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đối với việc củng cố các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, đó là đối với những vụ án về tham nhũng nghiêm trọng, nhạy cảm và phức tạp, cần tăng cường khả năng điều tra, truy tố và tăng thêm các kỹ thuật chuyên biệt, năng lực và thẩm quyền, bằng cách phát triển một bộ phận thực thi pháp luật đặc trách, trong đó phối hợp những chuyên gia của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu với Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ.

Anh Dũng