Thực hiện Chỉ thị số 19 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh

Xử phạt nghiêm vi phạm

- Thứ Tư, 01/07/2020, 07:47 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, để tăng hiệu quả của Chỉ thị số 19-CT/TU của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, cần có các chế tài xử lý mạnh tay đối với hành vi vi phạm môi trường. Cùng với đó, các địa phương cần có đội ngũ chuyên trách xử phạt vi phạm, thay vì giao cho đội quản lý trật tự đô thị kiêm nhiệm, để tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động

Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về thực hiện cuộc vận động người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước, nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động người dân không thải bỏ rác ra đường, kênh rạch đã được các doanh nghiệp triển khai và bước đầu đạt những kết quả tích cực.

Đại diện Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Dịch vụ Thủy lợi cho hay, do đặc điểm của công trình thủy lợi trải dài trên diện rộng với 1.123km kênh mương các loại đi qua nhiều khu dân cư đông đúc, chợ dân sinh, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất nên việc kiểm tra, phát hiện các trường hợp xả chất thải, nhất là vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, ban đêm thường gặp nhiều khó khăn.

Tiến hành thu gom rác trên kênh rạch tại TP Hồ Chí Minh
Nguồn: ITN

Để khắc phục tình trạng này, Công ty đã phối hợp đơn vị liên quan thực hiện vận động 6.000 hộ dân ký cam kết không xả rác thải, nước thải vào công trình thủy lợi; lắp đặt bổ sung biển cấm xả rác, camera giám sát, hàng rào tại các vị trí xung yếu trên công trình thủy lợi. Tại các cống điều tiết, công ty lắp đặt máy vớt rác tự động kết hợp thường xuyên nạo vét, thông thoáng dòng chảy để bảo đảm khả năng dẫn nước và phát hiện kịp thời các trường hợp xả thải ô nhiễm vào nguồn nước. Bên cạnh đó, nội bộ công ty cũng phát động phong trào cán bộ, đảng viên và người lao động làm gương trong thực hiện không xả rác ra đường và kênh rạch.

Tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, để bảo đảm các tuyến đường trong khu và khu vực lân cận luôn xanh, sạch đẹp, công nhân các nhà máy đã được tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện phân loại rác tại nguồn. Theo đó, rác thải thông thường và rác thải nguy hại theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường được các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển xử lý theo quy định. Riêng lượng rác thải sinh hoạt tại khu vực lưu trú công nhân được phân loại, chứa vào thùng đựng rác đặt tại từng tầng. Hàng ngày, đơn vị thu gom rác chuyển bằng thang máy xuống tầng trệt để đưa lên xe ép rác vận chuyển về nơi trung chuyển để chuyển giao xử lý.

Tăng chế tài xử lý với hành vi vi phạm

Theo các chuyên gia, Chỉ thị số 19-CT/TU của Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện bộ mặt môi trường thành phố ngày càng xanh, sạch hơn. Tuy nhiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP Hồ Chí Minh Huỳnh Minh Nhựt cho rằng, trung bình mỗi ngày trên địa bàn thành phố tiếp nhận khoảng 12.000 tấn rác thải sinh hoạt. Tốc độ gia tăng lượng rác thải hàng năm rất lớn (10%). Chưa kể, mỗi ngày phát sinh thêm gần 4.000 tấn rác thải các loại. Do đó, để tăng hiệu quả, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, cần tăng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm môi trường.

Giám đốc Công ty TNHH Công Ích quận 9 Nguyễn Thanh Tuấn cho rằng, để chấn chỉnh tình trạng xả rác bừa bãi hiện nay, nhất thiết phải mạnh tay xử phạt những người dân có hành vi vi phạm môi trường. Bên cạnh đó, các địa phương cần có đội ngũ chuyên trách xử phạt vi phạm này, thay vì giao cho đội quản lý trật tự đô thị kiêm nhiệm, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

Theo Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Lê Trung Tuấn Anh, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực công ích cần thiết lập kênh kết nối thông tin với chính quyền địa phương. Theo đó, công nhân vệ sinh môi trường phải trực tiếp ghi nhận, chụp hình, quay video… sau đó chuyển đến các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng cần đẩy nhanh và thực hiện hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn kết hợp thắt chặt công tác quản lý chủ nguồn thải bằng chế tài nghiêm khắc. Song song đó, cần phải phải bổ sung, sửa đổi quy trình, định mức, đơn giá đối với hoạt động quét, thu gom, vận chuyển, xử lý rác, nước thải… để tạo nội lực bền vững hơn cho các đơn vị thực hiện dịch vụ công ích, cải thiện mức lương cũng như chất lượng đời sống của công nhân vệ sinh. Bởi, việc đơn giá tính quá thấp khiến mức lương công nhân vệ sinh chỉ khoảng 3 - 6 triệu đồng/tháng, không đủ tái tạo sức lao động.

Ngoài ra, theo các chuyên gia môi trường, về lâu dài, thành phố cần tính đến phương án hợp nhất công ty dịch vụ công ích để tránh phân tán trong hoạt động thu gom, quét dọn rác thải trên địa bàn thành phố. Điều này cũng sẽ giúp giải quyết triệt để tình trạng nhiều điểm đen bãi rác tự phát tái đi tái lại ở những khu vực dân cư, tuyến đường giáp ranh giữa các quận, huyện. Quan trọng hơn, sự hợp lực trong thu gom rác thải còn giúp doanh nghiệp dần củng cố nội lực hoạt động, đầu tư, đổi mới trang thiết bị thu gom, vận chuyển rác thải hiện đại hơn, có tính đến yếu tố tự động hóa, để đáp ứng xu hướng phát triển chung của thành phố.

Nhật Phương