Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng

Vận nước đặt vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược

- Thứ Năm, 07/05/2020, 07:55 - Chia sẻ
"Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là vào những thời điểm quyết định hoặc có tính bước ngoặt lịch sử, vận nước đặt tất cả vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược". Nhắc lại nhận định trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam NGUYỄN TÚC cũng cho rằng, phải bằng mọi biện pháp, dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn; đồng thời, cần tiếp tục mở rộng dân chủ, lấy ý kiến nhân dân đối với các cán bộ được giới thiệu vào cấp chiến lược.

Chống cho được nạn chạy chức, chạy quyền

- Trong bài viết "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng", Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh yêu cầu “các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và ở những nơi có cán bộ tham gia quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban Nhân sự, trước Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu”. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Thực tiễn những năm Đổi mới đã cho thấy nhiều "được, mất" trong công tác cán bộ. Tính từ đầu nhiệm kỳ Khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Vì thế, ngay đầu bài viết hết sức quan trọng này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá vị trí, ý nghĩa của công tác cán bộ. Đó là, vận nước đặt tất cả vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Lựa chọn đúng, trúng cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, là công việc gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước.

Muốn có đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên thì phải chống cho được nạn chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu... Sự việc này diễn ra do đâu? Do những cán bộ được dự kiến đưa vào cấp chiến lược không nghĩ đến lợi ích quốc gia, dân tộc, mà làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự. Hiện tượng "áo gấm đi đêm" không còn lạ trước thềm mỗi kỳ Đại hội Đảng. Trên cơ sở tổng kết, đúc rút thực tiễn, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đặt ra vấn đề người giới thiệu cán bộ phải có trách nhiệm. Nếu cán bộ được giới thiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… bị phát hiện và xử lý, thì người giới thiệu cũng phải nhận hình thức kỷ luật tương ứng.

- Khi ràng buộc trách nhiệm của người giới thiệu cán bộ cũng có nghĩa là người giới thiệu phải thực sự có “con mắt tinh đời”, không bị chi phối bởi mối quan hệ thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm, thưa ông?

- Đúng vậy. Vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương đã xác định rất rõ yêu cầu, tiêu chuẩn cán bộ; đồng thời, cũng chỉ ra nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành. Phải bám sát những yêu cầu, tiêu chuẩn, nội dung, phương pháp đó để làm, làm từng bước, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó. Chọn cán bộ phải vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc bởi “có tài mà không có đức là người vô dụng”. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng cũng căn dặn rất thấm thía rằng, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, “đừng nhìn gà hóa cuốc”. Quyết tâm chính trị của chúng ta là rất cao, phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng và cho đất nước.

Tiếp tục mở rộng dân chủ

- Đại hội XIII của Đảng cũng là thời điểm chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình. Theo ông, điều này sẽ đặt ra những vấn đề gì đối với công tác cán bộ của Đảng?

- Ở giai đoạn phát triển mới cần tư tưởng mới, con người mới. Dân gian có câu "tre già, măng mọc". Điều tôi lo ngại là, đang có không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Cho nên, trong tiêu chuẩn chung của cán bộ, chúng ta chú trọng cán bộ có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc, có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, gắn bó mật thiết với nhân dân, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động.

Chúng ta cũng có thể chọn "hạt giống" cách mạng ở những gia đình cách mạng nhưng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn. Càng là những người thuộc diện “con ông cháu cha” thì càng phải thẩm định chặt chẽ, thật sự nghiêm túc, khách quan, công tâm, không cả nể.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục mở rộng dân chủ, lấy ý kiến nhân dân đối với các cán bộ được giới thiệu vào cấp chiến lược. Chỉ lấy ý kiến của cơ quan, đoàn thể e cũng không chính xác vì tâm lý đấu tranh, tránh đâu, sợ bị trù dập. Hãy lấy ý kiến của người dân ở nơi cán bộ đó cư trú, ở nơi có đông họ hàng, anh em của cán bộ đó. Công khai danh sách cán bộ được giới thiệu vào cấp chiến lược thông qua báo chí. Phát huy vai trò giám sát Mặt trận Tổ quốc theo, của các tổ chức chính trị và nhân dân trong công tác tuyển chọn cán bộ.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc