Trận quyết chiến chiến lược mang tầm vóc thời đại

- Thứ Ba, 07/05/2024, 06:55 - Chia sẻ

Chiến thắng Điện Biên Phủ là trận quyết chiến lớn nhất của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Để giành được thắng lợi, trước hết là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy chiến dịch; sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt nghệ thuật quân sự Việt Nam và công tác địch vận khôn khéo, linh hoạt.

Trung tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng: Sự chỉ đạo của Trung ương Đảng - nhân tố quyết định thắng lợi chiến dịch

Quyết định đánh vào chỗ mạnh nhất của địch ở Điện Biên Phủ để tiêu diệt chúng là một chủ trương kiên quyết, táo bạo, kịp thời và đầy sáng tạo, là quyết tâm to lớn của Bộ Chính trị. Ta có tiêu diệt được Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - hình thức phòng ngự cao nhất của địch, mới phá được khâu quan trọng nhất trong kế hoạch tác chiến chiến lược của Navarre, đập tan ý đồ tạo chiến thắng quân sự quan trọng, mở đường cho giải pháp chính trị, đưa nước Pháp ra khỏi chiến tranh trong danh dự.

Trong khi tập trung vào mặt trận Điện Biên Phủ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các chiến trường đồng loạt đẩy mạnh tiến công địch để phối hợp với Điện Biên Phủ, chỉ đạo các địa phương dồn sức chi viện sức người, sức của cho mặt trận; chỉ đạo chặt chẽ, toàn bộ quá trình chuẩn bị và thực hành tiến công với những quyết sách kịp thời, sáng tạo. Đặc biệt là chủ trương chiến lược và sự chỉ đạo chiến dịch tài tình, sáng tạo của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tài thao lược của Tổng Tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quyết định lịch sử chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, cùng tinh thần đoàn kết, chiến đấu của quân và dân ta “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Trận quyết chiến chiến lược mang tầm vóc thời đại
Bộ đội ta bắt tù binh trên đồi A1. Nguồn: Tư liệu

Với 5 đòn tiến công chiến lược ở Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào, ta chẳng những tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn với hàng chục vạn dân, mà còn làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng cơ động của Navarre ở đồng bằng Bắc Bộ. Thực dân Pháp buộc phải phân tán lực lượng, bị động đối phó, điều lực lượng từ các chiến trường khác đến ứng cứu và xây dựng Sênô, An Khê, Plei Ku, Luang Prabang và Mường Sài thành những tập đoàn cứ điểm. Năm đòn tiến công chiến lược của ta đã làm cho Kế hoạch Navarre không thực hiện được theo dự kiến, muốn tập trung nhưng lại phải phân tán binh lực, muốn giành quyền chủ động nhưng càng bị động đối phó.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành chiến tranh tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, sức mạnh của quân và dân ta được nhân lên gấp bội, mở đường cho chiến dịch Điện Biên Phủ đi tới toàn thắng.

Thiếu tướng Lê Văn Đãng, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu: Sáng tạo trong chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật 

Chiến dịch Điện Biên Phủ là một điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, thể hiện trên cả ba lĩnh vực: chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.

Về chiến lược, ta đã phá được kế hoạch tập trung khối cơ động mạnh của Navarre, làm đảo lộn thế bố trí của địch trên các chiến trường, tạo ra một điểm quyết chiến chiến lược ở chiến trường có lợi để tập trung sức mạnh giành thắng lợi quyết định cho cuộc chiến tranh.

Về nghệ thuật chiến dịch, ta đã sớm hình thành thế bao vây, tiến công và bao vây, ngày càng siết chặt từng cụm cứ điểm và tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế liên hoàn của địch; tập trung ưu thế về binh, hỏa lực, đánh chắc thắng tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm ngoại vi, “bóc vỏ” từ ngoài vào, từng bước uy hiếp tiến tới tiêu diệt khu vực trọng yếu nhất của địch, giành thắng lợi quyết định.

Về chiến thuật, cách đánh công kiên của bộ đội ta được hình thành và phát triển từ đánh cụm cứ điểm trong chiến dịch Tây Bắc (1952), đến đánh Tập đoàn cứ điểm trong chiến dịch Điện Biên Phủ ta đã tổ chức thành công các trận công kiên hiệp đồng binh chủng lớn, sử dụng các loại pháo lớn bố trí ở những trận địa kiên cố, thực hành pháo hỏa chuẩn bị, chế áp các trận địa pháo binh địch, chi viện trực tiếp tạo điều kiện cho bộ binh xung phong; tiến hành các trận chiến đấu phòng ngự trận địa dài ngày, giữ vững trận địa mới chiếm để tạo bàn đạp cho trận tiến công tiếp theo; sáng tạo ra cách đánh vây lấn, một hình thức phát triển của chiến đấu công kiên trong điều kiện ta tiến công trực tiếp tiếp xúc với địch khi so sánh lực lượng chưa cho phép đánh lớn diệt địch ngay, góp phần quan trọng vào chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng thời, đây cũng là đóng góp quan trọng vào sự phát triển nghệ thuật chiến dịch nói riêng và nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung.

TS. Lê Văn Cử, Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng: Công tác địch vận - “mũi vu hồi” góp phần làm nên chiến thắng

Trước khi bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 1.1954, nhất quán về chủ trương như các chiến dịch trước, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ban hành “Năm điều kỷ luật chiến trường thi hành trong chiến dịch Đông Xuân”, trong đó xác định rõ chính sách tù, hàng binh là một nội dung của năm điều kỷ luật đó.

Trong quá trình thực hành chiến dịch, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã thấm nhuần 5 điều kỷ luật và tự giác chấp hành. Nguyên tắc "tác chiến kết hợp với địch vận", vừa đánh vừa kêu gọi binh sĩ địch đầu hàng nhằm giảm bớt thương vong cho cả hai bên, đã được thực hiện. Điều đó nói lên mặt chủ động, tích cực của chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Chính phủ và quân đội ta. Đồng thời, ta tích cực cứu chữa tại chỗ cho những tù, hàng binh địch bị thương, ngừng bắn cho phía Pháp thu dọn chiến trường và cứu chữa thương binh của họ, chủ động đề nghị phía Pháp đến nhận thương binh, tù binh ngay tại mặt trận...

Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, thiếu thốn, ngay tại mặt trận, ta đã cứu sống 1.000 thương binh, trong đó có hàng trăm thương binh nặng của địch. Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã phóng thích và trao trả ngay cho Bộ Tổng chỉ huy Pháp 858 thương binh. Ngoài tù binh được trao trả tại mặt trận, toàn bộ tù binh ở Điện Biên Phủ sau khi phân loại được tổ chức thành từng đoàn và dẫn giải về Tuyên Quang, Thanh Hóa. Sau đó, các đợt trao trả lần lượt được tổ chức một cách nghiêm túc theo đúng điều khoản của Hiệp định Genève.

Kết hợp chặt chẽ với tác chiến, công tác địch vận thực sự đã trở thành "mũi vu hồi" quan trọng, góp phần vào thắng lợi huy hoàng ở Điện Biên Phủ, vừa làm rệu rã tinh thần quân địch, đánh bại ý chí chiến đấu của chúng, vừa hạn chế thương vong của ta; đồng thời thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam.

Hồng Hà ghi
#