"Chung cuộc của giáo dục" xác định lại giá trị của nhà trường

- Thứ Bảy, 05/08/2023, 15:28 - Chia sẻ

Nhà xuất bản Tri thức vừa phát hành cuốn sách "Chung cuộc của giáo dục", gồm 452 trang với 8 chương, 2 phần, của tác giả người Mỹ Neil Postman (1931 - 2003).

Cuốn sách bàn về cải cách giáo dục nhằm vượt qua khủng hoảng học đường tại Mỹ năm 1995

Theo tác giả, việc đi học phải đạt tới sự hoàn thành, và hoàn thành càng sớm càng tốt. Như vậy, việc đi học trở thành một thể chế trung tâm, qua đó người trẻ tuổi có thể tìm thấy lý do để tiếp tục tự giáo dục chính họ.

Tác phẩm Chung cuộc của giáo dục (The End of Education) được xuất bản lần đầu năm 1995, khi nước Mỹ đang tìm kiếm những ý tưởng để cải cách giáo dục nhằm vượt qua khủng hoảng học đường. Liệu những gì được tác giả viết ra có là nỗi bận tâm của chúng ta, khi nền giáo dục của chúng ta cũng đang tìm đường “đổi mới căn bản và toàn diện”? 

Theo dịch giả, nhà giáo Nguyễn Quang Kính, câu trả lời của ông chính là cầu mong những ai quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là những đồng nghiệp đang gắn bó với nghề dạy học, đọc và ngẫm nghĩ về những gì tác giả thảo luận với chúng ta. Và hy vọng các nhà hoạch định và quản trị nền giáo dục nước nhà tìm thấy ở đây những ý kiến khơi gợi suy tư theo hướng phản biện đối với những gì được cho là chính thống.

Trong tác phẩm Chung cuộc của giáo dục, Neil Postman trở lại với chủ đề giáo dục mà ông đau đáu kể từ khi bắt đầu sự nghiệp giáo dục. Đó là một chủ đề đã bùng nổ, chi phối cuộc tranh luận văn hóa ở Mỹ vào những năm 1990, với mong muốn nhà trường sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp cho thế kỷ XXI. Trong khi các tác giả khác tập trung vào khía cạnh công nghệ và kỹ thuật, chẳng hạn: bàn về ưu, nhược điểm của các phương pháp giảng dạy khác nhau, về các tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá (giống như ở Việt Nam ta, các nhà hoạch định và quản lý giáo dục cứ bàn hoài về giảm tải và thi cử, về phân luồng và hướng nghiệp)... thì Postman vượt qua những vấn đề này, không xem đó là căn bản.

Tác giả Neil Postman

"Giáo dục trong trường học, theo nghĩa tốt đẹp nhất, là dạy cách tạo ra một cuộc sống, điều đó khác hẳn với việc dạy cách kiếm sống. Một công việc to lớn như vậy chẳng dễ dàng theo đuổi, vì các chính trị gia hiếm khi nói về nó, vì nền công nghệ thờ ơ với nó, và vì nền thương mại coi thường nó. Thế mà, công việc như vậy lại là điều nặng nề nhất và quan trọng nhất", Neil Postman cho biết.

Mục tiêu của Neil Postman, như trình bày trong cuốn sách này, là “xác định lại giá trị của nhà trường” trong cuộc khủng hoảng giáo dục ở Mỹ. Ông muốn thay đổi việc xác định vấn đề học đường chuyển “từ phương tiện đến chung cuộc”. Chung cuộc (end), như ông giải thích, vừa là mục đích (purpose), vừa là hoàn thành (finish). “Một trong hai nghĩa có thể áp dụng cho tương lai của các trường học, tùy thuộc vào việc có hay không có một cuộc đối thoại nghiêm túc về mục đích”.

Neil Postman quan niệm thế nào về mục đích của việc đến trường? Kết thúc lời mở đầu, ông viết: “Ngoài mục đích cao cả và danh dự, việc đi học phải đạt tới sự hoàn thành, chúng ta hoàn thành càng sớm thì càng tốt. Với mục đích như vậy, việc đi học trở thành một thể chế trung tâm (central institution), qua đó những người trẻ tuổi có thể tìm thấy lý do để tiếp tục tự giáo dục chính họ”.

H.Hà
#