Về miền di sản Tràng An 2024

- Thứ Sáu, 26/04/2024, 18:12 - Chia sẻ

Ngày 26.4, Lễ hội Tràng An 2024 với chủ đề “Về miền di sản Tràng An 2024” đã chính thức khai hội, với sự tham gia của khoảng 4.000 người, bao gồm đại biểu, du khách thập phương, nghệ nhân, diễn viên…

Về miền di sản Tràng An 2024 -2
Các đại biểu tham gia nghi lễ rước nước trên sông Sào Khê. Ảnh: Minh Đường

Diễn ra vào ngày 18.3 âm lịch hàng năm, Lễ hội Tràng An là nét văn hóa đặc sắc, gắn liền với các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình. Lễ hội nhằm tôn vinh và tri ân Đức Thánh Quý Minh Đại Vương cùng các vị tiên đế, các bậc tiền nhân đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nằm trong các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản thế giới, Lễ hội Tràng An 2024 được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa. Trong đó, nét mới của Lễ hội năm nay là sẽ có lễ rước rồng từ cổng Tam Quan vào bến thuyền Tràng An và xuyên suốt hành trình lễ hội trên sông Sào Khê.

Về miền di sản Tràng An 2024 -0
Nghi thức rước nước, rước kiệu trên sông Sào Khê. Ảnh: Trần Lâm
Về miền di sản Tràng An 2024 -0
Ảnh: Minh Đường
Về miền di sản Tràng An 2024 -0
 Gần 600 nghệ nhân, nghệ sĩ các đoàn nghệ thuật biểu diễn trên 20 sân khấu thực cảnh trên hành trình rước nước, rước kiệu trên sông. Ảnh: Trần Lâm

Chương trình nghệ thuật khai mạc hội tụ các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh, như quan họ Bắc Ninh, dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, đàn tính - hành hát Then của người Tày, Nùng, Thái, đờn ca tài tử Nam Bộ, ca trù, cồng chiêng Tây Nguyên

Lễ hội Tràng An cũng gắn với Lễ mở cửa rừng (phát lát), với ý nghĩa khi mùa đông đến cây cối khô cằn, ông cha ta đã cho đóng cửa rừng để bảo vệ muôn loài động thực vật. Xuân sang, hè đến cây cối đơm hoa, trổ lộc, ông cha ta tổ chức lễ mở cửa rừng để cầu cho núi rừng luôn xanh tốt, tạo nguồn sinh dưỡng cho con người.

Về miền di sản Tràng An 2024 -0
Lần đầu tiên hơn 1.000 thanh thiếu niên được huy động cho màn xếp chữ di sản Tràng An, với tạo hình trên 300 chiếc đò. Ảnh: Trần Lâm

Lễ mở cửa rừng với thông điệp giáo dục con người chúng ta phải luôn ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường; thân thiện, hòa đồng với môi trường: núi rừng, thảm cỏ, rừng cây, hồ nước, nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo vệ rừng và các loại hệ sinh thái trong đó. 

Bằng cách mở cửa cho công chúng, L hội Tràng An còn tạo ra cơ hội để mọi người tương tác và kết nối với thiên nhiên, từ đó tăng cường nhận thức về giá trị của rừng và môi trường tự nhiên, giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần đại đoàn kết dân tộc; thể hiện lòng thành kính, sự tri ân và tính nhân văn sâu sắc trong cội nguồn văn hóa Việt Nam.

Về miền di sản Tràng An 2024 -1
Lễ khai mạc có sự tham gia của khoảng 4.000 người, bao gồm đại biểu, du khách thập phương, nghệ nhân, diễn viên... Ảnh: Trần Lâm

Lễ hội cũng là dịp để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, dịch bệnh tiêu tan, mùa màng tốt tươi, người người hạnh phúc.

L hội Tràng An 2024 là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc; qua đó giới thiệu, quảng bá các giá trị nổi bật của Di sản Tràng An, các giá trị tài nguyên, sản phẩm của du lịch tỉnh Ninh Bình cùng sự thân thiện, mến khách của con người nơi đây tới bạn bè trong nước và quốc tế. Lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày.

Hà Hương
#