Tọa đàm “Chỉ thị 40-CT/TW - Điểm tựa vững chắc trong hệ thống chính sách giảm nghèo”

Ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội

- Thứ Tư, 06/11/2019, 21:44 - Chia sẻ
Nhà nước cần ưu tiên hơn trong việc bố trí vốn cho NHCSXH vì hiệu quả cả về mặt xã hội, cả về mặt kinh tế. Cần có nhiều hơn nữa các chính sách tạo động lực, truyền thông tuyên truyền để cho từng hộ nghèo cảm thấy khát khao, có động lực vươn lên thoát nghèo.

Khi triển khai Chỉ thị 40 tại địa phương, chúng tôi đã có những sáng tạo trong điều kiện của mình. Cụ thể, Quảng Ngãi đã quán triệt Chỉ thị 40 cho các cấp uỷ đảng, chính quyền và người dân thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa đặc biệt của việc giảm nghèo, nhất là giảm nghèo bền vững. Giảm nghèo không đơn thuần chỉ là vấn đề xã hội, không chỉ là vấn đề đối xử giữa người này với người kia, mà sâu xa hơn nữa mà là làm thế nào để giảm nghèo bền vững. Khi nào chúng ta còn sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa các tầng lớp nhân dân, giữa vùng miền thì chừng đó chúng ta không thể phát triển bền vững được. Do đó, giảm nghèo bền vững vừa có ý nghĩ về mặt kinh tế, vừa có ý nghĩa về mặt xã hội chứ không chỉ đơn thuần là “sự ban ơn” hay là  sự giúp đỡ một cách phiến diện.


Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ
Ảnh: Duy Thông

Sau 5 năm, nếu như năm 2014 tỉnh vẫn còn 15,2% hộ nghèo thì nay giảm xuống còn 7.79% hộ nghèo, đối với các huyện miền núi từ 46,7% giảm xuống  25,6% hộ nghèo. Chúng tôi cũng xây dựng được 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thực tế tôi thấy, người nghèo, vùng nghèo mỗi nơi có đặc thù riêng. Điều quan trọng nhất là các cơ quan cần có kế hoạch phát triển cho từng vùng, định hướng phát triển sản xuất cho người dân; có những hướng dẫn cụ thể để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp. Trên cơ sở chính sách chung của vùng miền, của từng địa phương, các tín dụng viên, các hội viên giúp người dân sử dụng vốn vay vào các chương trình sản xuất, kinh doanh nhằm phát triển nguồn vốn được vay.

Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của các địa phương cần nhất là phải có chương trình kế hoạch sản xuất cụ thể, đảm bảo các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Muốn vậy, hơn ai hết các cơ quan đoàn thể, chính trị cơ sở phải đồng hành cùng NHCSXH và người dân trong tất cả các khâu vay vốn, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Chừng nào có những người đồng hành như vậy, dân mới yên tâm vay vốn để làm, chừng nào làm được như vậy thì nguồn vốn mới được sử dụng hiệu quả. Tôi nghĩ đó là những giải pháp cấp bách.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ