Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội

Ứng Hòa nỗ lực nâng cao thu nhập cho người dân

- Thứ Năm, 30/07/2020, 08:13 - Chia sẻ
Tính đến tháng 6.2020, mức thu nhập bình quân của huyện Ứng Hòa đạt trên 42,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,85%. Tuy nhiên, Ứng Hòa vẫn nằm trong danh sách các huyện có mức thu nhập thấp của thành phố Hà Nội. Huyện đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện thu nhập, phấn đấu đến cuối năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo.

Thúc đẩy các mô hình kinh tế trang trại

Những năm gần đây, huyện Ứng Hòa tích cực phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao với doanh thu bình quân đạt hơn 2 tỷ đồng/trang trại/năm. Theo thống kê, toàn huyện hiện có hơn 200 trang trại chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt và trang trại tổng hợp. Trong đó, 119 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo quy định. Những tháng đầu năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, song công tác chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn huyện Ứng Hòa vẫn được chỉ đạo tích cực, phát triển tốt, quy mô và giá trị kinh tế không ngừng tăng.

Trang trại của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn Tiền, xã Viên Nội là một trong những trang trại tổng hợp tiêu biểu của huyện Ứng Hòa với quy mô 1,5ha. Chia sẻ với phóng viên, chị Thủy cho biết, năm 2006, cùng với số ruộng của gia đình, chị mua thêm 8 sào đất và tập trung cải tạo, trồng 500 cây bưởi Diễn trên diện tích gần 1ha. Năm 2013, xã Viên Nội có chủ trương dồn điền đổi thửa, chị Thủy dồn toàn bộ diện tích ruộng của gia đình, mở rộng trang trại tập trung lên 1,5ha. Ngoài trồng bưởi, chị trồng thêm 100 cây nhãn chín sớm và tận dụng khoảng đất trống dưới tán cây để nuôi lợn rừng. Nhờ phát triển trang trại tổng hợp chăn nuôi - trồng trọt, mỗi năm gia đình chị thu lãi hàng trăm triệu đồng...

Ngoài trang trại của gia đình chị Thủy, huyện Ứng Hòa còn nhiều trang trại quy mô lớn, cho hiệu quả kinh tế cao như: Trang trại trồng trọt với quy mô 5ha của gia đình anh Nguyễn Hạ Văn ở xã Liên Bạt chuyên canh các loại cây giống, doanh thu 1 tỷ đồng/năm; trang trại nuôi trồng thủy sản của các gia đình: Ông Nguyễn Văn Thứ (xã Phù Lưu), ông Phạm Văn Ân (xã Phương Tú)… với quy mô từ 1,5 đến 3ha, doanh thu đạt từ 800 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/năm; trang trại chăn nuôi của các gia đình: Ông Nguyễn Văn Việt (xã Vạn Thái), ông Hoàng Văn Ngọc (xã Sơn Công), ông Đoàn Văn Mười (xã Đông Lỗ) mỗi năm doanh thu từ 2 - 5 tỷ đồng/trang trại.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đặng Thị Tươi, với đặc trưng là vùng đất chiêm trũng nên huyện đã rất chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại nhằm nâng cao hiệu quả canh tác cho người dân. Thực tế, các mô hình trang trại trên địa bàn huyện đang mở hướng làm giàu cho nhiều nông dân. Kinh tế trang trại đã khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, vốn đầu tư, kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm. Những năm gần đây, cùng với đẩy mạnh sản xuất tập trung, quy mô lớn, huyện cũng đang thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, hướng đến một nền nông nghiệp ngày càng hiện đại, phát triển bền vững. 

Theo thống kê của UBND huyện Ứng Hòa, trên địa bàn huyện hiện có 11 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: 2 mô hình trồng rau an toàn trong nhà màng với diện tích 6.000m2 tại thôn Vĩnh Thượng xã Sơn Công; 4 mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng diện tích 19.200m2 tại xã Hồng Quang và xã Phù Lưu; 3 mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ tự động hóa, có liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp tại xã Vạn Thái; 2 mô hình nuôi cá “sông trong ao” tại xã Trầm Lộng. Bên cạnh đó, việc ứng dụng cơ giới hóa trong lĩnh vực trồng trọt cũng được tăng cường, ngoài sử dụng các loại máy phổ biến như máy làm đất, máy gặt... huyện đã khuyến khích đưa máy cấy vào sản xuất, diện tích cấy bằng máy vụ Xuân 2020 đạt 253ha.

Chăn nuôi thủy sản đang mang lại thu nhập cao cho người dân ở huyện Ứng Hòa  

Ảnh: Tường Vy

Cuối năm 2020, cơ bản không còn hộ nghèo

Theo báo cáo của UBND huyện Ứng Hòa, đến nay, toàn huyện đã có 24/28 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Năm 2020, huyện phấn đấu đưa 4 xã cuối cùng về đích NTM, gồm Quảng Phủ cầu, Đồng Tiến, Lưu Hoàng, Hồng Quang. Tính đến hết tháng 6.2020, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí đối với 4 xã này như sau: Xã Quảng Phú cầu đã có 15/19 tiêu chí đạt, còn lại 4 tiêu chí cơ bản đạt; xã Đồng Tiến đã có 14/19 tiêu chí đạt, còn lại 5 tiêu tiêu chí cơ bản đạt; xã Lưu Hoàng có 14/19 tiêu chí đạt, còn lại 5 tiêu tiêu chí cơ bản đạt; xã Hồng Quang có 15/19 tiêu chí đạt, còn lại 4 tiêu tiêu chí cơ bản đạt.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, những năm gần đây, đời sống người dân huyện Ứng Hòa không những được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Tính đến tháng 6.2020, mức thu nhập bình quân đạt trên 42,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 0,85%. Huyện đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đạt từ 47 triệu đồng/người/năm trở lên; số hộ thoát nghèo là 250 hộ, toàn huyện cơ bản không còn hộ nghèo.

Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên mọi lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, huyện Ứng Hòa xác định tiếp tục tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất tập trung; duy trì và phát triển đầu con gia súc (ăn cỏ), gia cầm, thủy sản, cải tạo giống để nâng cao chất lượng, đưa một số giống vật nuôi mới và sản xuất, tăng cường công tác vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh; tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình sản suất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp, các Quỹ Tín dụng nhân dân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để thực hiện dịch vụ cho các hộ nông dân phát triển sản xuất. Đồng thời, chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động để tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Trao đổi với phóng viên, Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Phi Thường cho biết: Mặc dù có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên hiệu quả đạt được hiện vẫn chưa thật sự xứng tầm và còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên rất khó đưa công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất. Thực tế, trên địa bàn huyện còn 9.000ha đất lúa nhưng giá trị kinh tế mang lại thấp hơn rất nhiều so với các loại cây ăn quả, chăn nuôi thủy sản… nhưng để chuyển đổi thì huyện quy định về giao đất lúa, dẫn đến tình trạng người dân bỏ ruộng hoang còn nhiều.

Cũng theo ông Thường, Ứng Hòa hiện nay đang có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên vướng mắc lớn nhất mà người dân gặp phải là nguồn nước do sông Nhuệ và sông Đáy - nguồn nước chủ yếu đang bị ô nhiễm nặng nề. Do đó, huyện mong muốn thành phố và các sở, ngành sớm có kế hoạch xử lý ô nhiễm, hỗ trợ đầu tư mương máng tưới tiêu để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, kiến nghị thành phố tiếp tục bổ sung vốn ủy thác của ngân sách thành phố qua Ngân hàng Chính sách xã hội để tiếp tục cho vay nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Đào Cảnh