Trò chơi nguy hiểm

- Thứ Tư, 24/06/2020, 07:53 - Chia sẻ
Tình hình leo thang căng thẳng giữa các bên đối đầu ở Libya cùng với nỗ lực can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến nhiều nhà quan sát quốc tế trở nên lo ngại. Mới đây Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo, chính quyền Ankara đang thực hiện “trò chơi nguy hiểm” và “không thể tha thứ”, đi ngược lại mọi cam kết của nước này tại một hội nghị ở Đức hồi đầu năm.

Mối quan ngại của Pháp

Hôm đầu tuần, trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Tunisia Kais Saied lúc đó đang có chuyến thăm Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã có những phát biểu trên, vốn được coi như lời phát động tấn công vào hành động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya. Thậm chí, trong bình luận gay gắt có khả năng gây phẫn nộ cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông chủ điện Elysee Macron đã mô tả hành động của Thổ Nhĩ Kỳ như ví dụ điển hình cho quan điểm gây tranh cãi của ông rằng, liên minh quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang trong giai đoạn chết não.

   Libya hiện nằm dưới sự điều hành của hai lực lượng đối đầu: Đó là Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Sarraj ở Thủ đô Tripoli, và Hạ viện liên minh với tướng Khalifa Haftar - người kiểm soát các khu vực sản xuất dầu ở phía Đông và miền Trung Libya. GNA được LHQ công nhận, nhưng chỉ là chính phủ chuyển tiếp, sau 2 năm phải tổ chức bầu cử thành lập chính phủ thống nhất Libya. Ankara ủng hộ GNA trong khi Pháp được cho là hậu thuẫn tướng Haftar cùng với Ai Cập, Nga và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, mặc dù nước này luôn khẳng định đứng ở vị trí trung lập trong cuộc xung đột.

   Trong hai tuần qua, Paris đã cáo buộc Ankara vi phạm lệnh cấm vận vũ khí quốc tế đối với Libya. Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quân đội và thiết bị quân sự vào quốc gia Bắc Phi để hậu thuẫn GNA trong cuộc nội chiến chống lại Quân đội Quốc gia Libya của tướng Haftar. Theo Tổng thống Pháp Macron, hành động của Ankara đã đe dọa lợi ích của Libya, các quốc gia láng giềng và toàn thể khu vực, cũng như cả châu Âu. Nhà lãnh đạo Pháp phát biểu: “Tôi không muốn trong vòng 6 tháng, 1 năm hay 2 năm, lại phải thấy Libya rơi vào tình trạng giống Syria hiện nay”. Lời bình luận của ông được đưa ra khi tờ báo thân chính phủ của Thổ Nhĩ Kỳ đăng bài cho biết, nước này đã bắt giữ 4 công dân của mình vì nghi ngờ làm gián điệp cho Pháp trong các nhóm tôn giáo và bảo thủ.

Nguồn: ITN

Căng thẳng leo thang

Libya rơi vào nội chiến và bị xâu xé bởi bạo lực giữa các nhóm dân quân bộ lạc, những người theo chủ nghĩa thánh chiến và lính đánh thuê kể từ khi nhà lãnh đạo lâu năm Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại trong cuộc nổi dậy do phương Tây hậu thuẫn vào năm 2011.

       Từ đó, đất nước sở hữu nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào này bị chia rẽ giữa các chính quyền đối địch nhau ở phía Đông và phía Tây, gây ra cuộc xung đột mà gần đây ngày càng thu hút sự tham gia của nước ngoài. Tướng Haftar, cựu chỉ huy quân đội thời chính quyền Gaddafi, đã liên tục mở chiến dịch nhằm chiếm Thủ đô Tripoli từ năm ngoái.

    Căng thẳng cũng gia tăng năm ngoái giữa Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Mức độ leo thang bất đồng giữa Ankara - Paris thậm chí tăng vọt trong tuần trước khi Pháp tố cáo sự can thiệp “cực kỳ hung hăng” của các tàu Thổ Nhĩ Kỳ chống lại một tàu hải quân Pháp đang thực hiện sứ mệnh của NATO ở Địa Trung Hải, một tuyên bố mà Ankara bác bỏ là “không có căn cứ”. Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin hôm thứ Bảy thậm chí cáo buộc Pháp “ủng hộ một lãnh chúa bất hợp pháp và gây nguy hiểm cho an ninh NATO”. Thổ Nhĩ Kỳ đã cử các chiến binh, cố vấn quân sự và máy bay không người lái hỗ trợ GNA giúp thay đổi tiến trình của cuộc xung đột khi lực lượng của tướng Haftar phải hứng chịu một loạt thất bại.

    Vì vậy, Tổng thống Macron đang thúc giục các bên giảm nhiệt, hạ vũ khí và tôn trọng cam kết với LHQ để nối lại các cuộc đàm phán hòa bình nhằm bảo đảm “an ninh cho tất cả, thống nhất các thể chế Libya và tái thiết vì lợi ích của toàn thể người dân Libya”. “Đó là một con đường khó khăn đòi hỏi mọi người phải thể hiện bằng trách nhiệm, nỗ lực ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài và hành động đơn phương của những người tuyên bố giành được vị trí mới trong cuộc chiến”, ông nói.

    Mới đây, hôm 22.6, các Bộ trưởng Ngoại giao Ảrập cũng tổ chức cuộc họp khẩn cấp theo hình thức trực tuyến theo yêu cầu của Ai Cập để thảo luận về tình hình Libya. Trong suốt thời gian qua, Ai Cập luôn nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libya và chấm dứt sự can thiệp của nước ngoài vào quốc gia Bắc Phi này. Ai Cập cảnh báo, thành phố Sirte và Al-Jufrah của Libya là một lằn ranh đỏ đối với an ninh của mình, nhất là trong bối cảnh căng thẳng giữa các phe ở Libya vẫn leo thang căng thẳng. Nhiều quốc gia Ảrập ủng hộ Ai Cập trong bảo vệ biên giới, chống chủ nghĩa cực đoan và lên án sự can thiệp bất hợp pháp của nước ngoài vào nội bộ Libya.

Thái Anh