Tính chuyện đường xa

- Thứ Sáu, 03/07/2020, 06:36 - Chia sẻ
Hôm qua (2.7), Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có thông tin chính thức về trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 là kỹ sư người Indonesia, làm việc tại Bình Dương. Theo đó, kết quả là người đàn ông này và 145 người tiếp xúc đều cho kết quả âm tính. Tương tự, trường hợp người Trung Quốc nghi ngờ mắc Covid-19 được cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc cũng cho kết quả âm tính.

Như vậy, đã gần 80 ngày, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, số bệnh nhân còn dương tính với SARS-CoV-2 cũng chỉ còn 8 ca. Đây là thành quả cực kỳ quan trọng để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới, không phải quốc gia nào cũng có được. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều đánh giá Việt Nam là hình mẫu thành công nhất trong đại dịch và dự báo nền kinh tế sẽ hồi phục trong 6 tháng cuối năm 2020. Bảng xếp hạng “sức khỏe” tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi của tạp chí The Economist, Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn, đủ khỏe mạnh để vượt qua đại dịch. Thành tựu nào cũng đều đáng mừng, tuy nhiên cũng không thể chủ quan, mất cảnh giác khi Covid-19 vẫn tồn tại, hoành hành ở nhiều quốc gia trên thế giới. Không ai có thể nói chắc chắn rằng sẽ kiểm soát được hết những trường hợp đến từ bên ngoài.

Thành quả phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam phải được giữ vững, vấn đề không chỉ là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, mà là sức khỏe và sự sống của nền kinh tế. Tất nhiên cũng không thể đóng cửa mãi với các nước đang có dịch mãi được, nhu cầu mở cửa là cấp thiết, nằm trong “mục tiêu kép” của đất nước. Nhưng mở cửa ưu tiên đón ai thì lại cần phải bàn thêm. Để bảo đảm an toàn cho người dân, nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt chúng ta chỉ nên mở cửa đường bay quốc tế để đón những hành khách thật sự cần thiết như các chuyên gia kinh tế, kỹ thuật, các nhà tư vấn, lao động bậc cao, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Việt Nam… để kiểm soát trong một khoảng thời gian trước khi các hoạt động trở lại bình thường và đón khách du lịch. Đi kèm là những phương án giám sát, ngăn chặn, phát hiện, cách ly phù hợp, khoanh vùng và dập dịch, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 24.6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, sẽ không có chuyện mở cửa ào ạt. Không thể vì nôn nóng phát triển mà mở cửa để ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Tuyệt đối không được để làn sóng thứ hai về Covid-19 quay lại Việt Nam. Giám đốc WHO tại Việt Nam Kidong Park cũng cho rằng, việc mở cửa biên giới và nối lại các chuyến bay quốc tế phải căn cứ trên 3 yếu tố: dịch bệnh đã được kiểm soát ở cả hai đầu chuyến bay đi - đến chưa? Hệ thống y tế có khả năng ứng phó với việc gia tăng ca bệnh khi mở lại đường biên và nối lại các chuyến bay quốc tế hay không? Hệ thống giám sát có khả năng phát hiện, truy vết, quản lý các ca bệnh xâm nhập hay không?

Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là điều vô cùng quan trọng nhưng cũng cần phải nêu cao cảnh giác, đặc biệt là đối với nguồn lây nhiễm có thể đến từ bên ngoài, kể cả khi chưa mở cửa hoàn toàn. Nên chăng, chúng ta cân nhắc tới việc mở lại đường bay quốc tế với một số quốc gia cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, đáp ứng được những yêu cầu về kiểm soát dịch mà nước ta đặt ra. Hay có thể xem xét, học hỏi cách mà Singapore kiểm soát hành khách quốc tế khi di chuyển tới nước này. Cụ thể, nếu hành khách đó đã từng ở quốc gia cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19 trong vòng 14 ngày liên tiếp thì sẽ không cần cách ly. Phải nhắc lại rằng, chỉ khi phòng thủ trước dịch bệnh thật chắc chắn, khi đó chúng ta mới có thể phản công trên mặt trận kinh tế.

Trong bối cảnh dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề, sáng qua, trong hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trấn an “tuy tăng trưởng thấp nhưng ta cần bình tĩnh, chủ động, vững tin trong nhận định, đánh giá tình hình, không chủ quan nhưng tuyệt đối không bi quan”. Bởi trong tuần qua mỗi ngày trung bình thế giới có thêm 160.000 ca nhiễm mới, mức tăng kỷ lục tính đến thời điểm hiện nay. Nhiều nơi trên thế giới vẫn đang trong tình trạng bị phong tỏa hoặc tái phong tỏa trở lại. Vaccine điều trị chưa có. Những rình rập “làn sóng” hủy diệt mới… Chúng ta đang bước đi tuy có chậm hơn nhưng chắc chắn, và đó là điều cần thiết, phải tính chuyện đường xa lâu dài.

Duy Anh