Tắm đêm, người phụ nữ bị đột quỵ nhồi máu não

- Thứ Năm, 14/03/2024, 06:53 - Chia sẻ

Người phụ nữ đột ngột yếu liệt nửa người trái, mặt méo khi tắm đêm. Kết quả, chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não, huyết áp tăng cao 180/100 mmHg, sức cơ tay và chân trái giảm còn 3/5.

Trường hợp bệnh nhân L.T.L (52 tuổi, Tiền Giang) đang tắm, đột ngột yếu liệt nửa người trái, mặt méo. Ngay sau đó, gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cấp cứu lúc 22 giờ đêm.

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Trần Lê Thanh Tâm – Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh cho biết, người bệnh nhập viện trong tình trạng huyết áp tăng cao 180/100 mmHg, sức cơ tay và chân trái giảm còn 3/5.

Các bác sĩ lập tức phát y lệnh khẩn Code stroke dành riêng cho cấp cứu đột quỵ,  kết nối các chuyên khoa cấp cứu, thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, ưu tiên mở lối đi riêng để cứu người bệnh. Kết quả chụp CT 768 lát cắt sọ não loại trừ khả năng người bệnh bị đột quỵ xuất huyết não.

Tắm đêm, người phụ nữ bị đột quỵ nhồi máu não -0
Bác sĩ thăm khám và điều trị cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Tại bệnh viện, sau khi hội chẩn nhanh, ekip xác định bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não cấp giờ thứ 3 (tức từ lúc người bệnh có dấu hiệu đột quỵ đến lúc vào bệnh viện chụp chiếu là 3 giờ). Đây là thời gian còn nằm trong khung giờ vàng cấp cứu đột quỵ nhồi máu não (3-4,5 giờ đầu, có thể mở rộng hơn trong một số trường hợp).

Chỉ 15 phút sau nhập viện, người bệnh được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch ngay tại phòng chụp CT, giúp tái thông mạch máu não sớm, giảm tối đa tổn thương não.

Bệnh nhân không ghi nhận bị tắc mạch máu lớn nên không cần can thiệp nội mạch lấy huyết khối lớn, tiếp tục theo dõi sinh hiệu theo quy trình điều trị thuốc tiêu sợi huyết. Sau 90 phút truyền thuốc tiêu sợi huyết, sức khỏe người bẹnh cải thiện rõ rệt. Huyết áp còn 150/90 mmHg, hết yếu liệt.

Sau 4 ngày, bệnh nhân tự đi đứng, nói chuyện, vận động gần như bình thường. Ghi nhận điểm mRS 1 điểm, tức không có di chứng nặng và có thể thực hiện các động tác, hoạt động thông thường.

Trong đó, thang điểm mRS phản ánh khả năng tự chăm sóc của bệnh nhân sau đột quỵ và các bệnh lý khác của não, với 7 mức độ đánh giá từ 0 đến 6 điểm.

Bác sĩ Trần Lê Thanh Tâm cho biết thêm, bệnh nhân tiếp tục được tầm soát kỹ các yếu tố nguy cơ tái phát đột quỵ như siêu âm tim, điện tâm đồ, xét nghiệm mỡ máu. Nếu không có dấu hiệu nguy hiểm, bệnh nhân có thể xuất viện trong vài ngày tới và tái khám sau một tuần, tiếp tục uống thuốc phòng ngừa đột quỵ, kiểm soát tốt huyết áp và các bệnh nền.

Bác sĩ khuyến cáo, đột quỵ là một tình trạng y tế khẩn cấp, càng để lâu người bệnh càng có nguy cơ cao gặp biến chứng, di chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ như miệng méo, yếu liệt tay chân hoặc nửa người, nói ngập ngừng hoặc không nói được, đau đầu, mờ mắt, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.  

Xuân Qúy
#