TP Hồ Chí Minh

Thay đổi cách phân loại rác tại nguồn

- Thứ Tư, 26/08/2020, 11:47 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, việc thay đổi cách phân loại rác tại nguồn không chỉ giúp công tác thu gom rác tại TP Hồ Chí Minh được dễ dàng hơn, mà còn phù hợp với công nghệ đốt rác phát điện, giảm dần tỷ lệ chôn lấp. Đây cũng là giải pháp góp phần thực hiện từng bước xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, giảm chi ngân sách nhà nước, nâng cao vai trò của người dân trong việc chung tay cùng với chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Người dân chưa mặn mà

Xác định giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp, tiêu biểu là chương trình phân loại rác tại nguồn. Cụ thể, từ năm 2018, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 44/2018/QĐ-UBND quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố. Theo đó, rác thải tại các hộ gia đình phải được để riêng thành 3 loại, gồm hữu cơ, tái chế và rác thải còn lại.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện, việc phân loại rác tại nguồn vẫn chưa có nhiều tiến triển tích cực, gây bất cập và ảnh hưởng đến khâu xử lý. Chị Trần Mỹ Linh (quận 12) cho biết, quanh khu vực nhà chị hầu như mọi người đều không mấy mặn mà với việc phân loại rác, mà tất cả rác đều được đựng chung vào một túi nilon. Nguyên nhân là do chưa hiểu hết ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn nên còn thờ ơ.

Còn theo chị Nguyễn Thị Châu (huyện Hóc Môn), do không có xe rác chuyên dùng để riêng các loại rác, nên dù người dân đã phân loại rác nhưng người đi thu gom rác vẫn đổ chung vào một xe để vận chuyển đến bãi tập kết. Yêu cầu 100% người dân có ý thức phân loại, nhưng đến khâu thu gom, khâu vận chuyển và cả khu vực tập kết không có sự phân loại thì kết quả cũng không mấy thay đổi, việc phân loại rác tại nhà là vô ích.

Người dân TP Hồ Chí Minh tham gia tập huấn cách phân loại các loại rác thải 

Nguồn: ITN 

Tối giản cách phân loại

TP Hồ Chí Minh đặt ra lộ trình, năm 2020, giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải từ 76% xuống còn 50%; tỷ lệ này tiếp tục giảm còn 25% vào năm 2025. Song song với đó, thành phố cũng có chính sách trợ giá cho các sản phẩm tái chế để khuyến khích chủ đầu tư thay đổi công nghệ xử lý rác.

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày đêm, TP Hồ Chí Minh thải ra khoảng 9.300 tấn rác sinh hoạt (chưa kể rác công nghiệp), mỗi năm tăng thêm 10%. Trong khi đó, diện tích đất để thực hiện chôn lấp rác dần thu hẹp và việc chôn lấp dẫn tới rất nhiều hệ lụy về môi trường như ô nhiễm không khí, nguồn nước... Do đó, việc giảm lượng rác thải chôn lấp là điều cấp thiết. 

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, thành phố xác định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phải gắn từ khâu đầu tiên là phân loại tại hộ gia đình đến khâu cuối cùng là khâu xử lý. Trong đó, khâu xử lý tập trung vào công nghệ tái chế và công nghệ đốt, thay vì công nghệ chôn lấp, làm phân compost, đốt phát điện… như trước đây.

Với công nghệ đốt rác phát điện, việc phân loại rác sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều do việc đốt rác hầu như không cần phân loại chi tiết. Người dân chỉ cần phân loại rác ra thành hai loại là rác có thể tái chế (kim loại, chai nhựa, lon thiếc…) và chất thải còn lại. Việc thu gom rác sẽ được thực hiện theo hướng, rác thải còn lại được thu gom hàng ngày để làm nguyên liệu cho các nhà máy xử lý, riêng rác thải tái chế sẽ được thu gom bằng cách trả tiền cho người dân hoặc đổi rác lấy quà tặng.

Ông Thắng nhấn mạnh, việc thay đổi cách phân loại rác không chỉ giúp cho công tác thu gom được dễ dàng hơn, mà còn phù hợp với công nghệ đốt rác phát điện, giảm dần tỷ lệ chôn lấp; việc này cũng được cho là khả thi hơn so với phương án phân rác thành 3 loại như trước. Ngoài ra, việc phân loại rác tại nguồn cũng góp phần thực hiện từng bước công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, giảm chi ngân sách nhà nước, đồng thời nâng cao vai trò của người dân trong việc chung tay cùng với chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, nếu tổ chức bộ máy thu gom, xử lý rác không đồng bộ, không hoạt động theo quy củ, không có cơ chế ràng buộc thì công tác quản lý vệ sinh môi trường sẽ rất khó khăn. Do đó, TP Hồ Chí Minh quyết liệt chỉ đạo chuyển đường dây rác thành hợp tác xã và công ty, đồng bộ hóa từ thùng rác, phương tiện thu gom, vận chuyển đến đồng phục của người thu gom.

“Thành phố sẽ bố trí nguồn vốn để bảo đảm thực hiện đồng bộ các công việc, cố gắng cuối năm 2020 tất cả quận, huyện đều phải đăng ký thay đổi mô hình tổ chức đường dây rác chuẩn hóa, đúng theo tiêu chuẩn vệ sinh đô thị. Bên cạnh đó, phối hợp với từng ủy ban quận, huyện sắp xếp, quy hoạch lại các đường dây rác, phân vùng công bằng, hợp lý, khoa học không chèn ép để vừa có lợi cho người dân, địa phương và doanh nghiệp” - ông Hoan cho hay.

Vân Phi