Thành công của "nghị trường trực tuyến"

- Thứ Bảy, 20/06/2020, 09:37 - Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch Covid-19 làm đảo lộn các hoạt động kinh tế - xã hội toàn cầu và đặt ra những thách thức chưa từng có cho mọi quốc gia, Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV đã kết thúc với 2 điểm nhấn quan trọng.

Thứ nhất, Quốc hội thảo luận và thông qua các nghị quyết giúp bảo vệ, phục hồi nền kinh tế, đồng thời thông qua 3 đạo luật quan trọng về kinh doanh và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU nhằm đặt nền tảng phát triển kinh tế dài hạn của đất nước.

Thứ hai, lần đầu tiên trong lịch sử nền lập pháp nước nhà, Quốc hội tiến hành “họp online” thành công, tạo tiền đề cho Quốc hội điện tử hướng đến cách thức sinh hoạt nghị trường trong thời đại số.

Ba dự luật quan trọng cùng được thông qua trong cùng một kỳ họp - Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) là một thành công của hoạt động lập pháp đặt trong bối cảnh khó khăn đã nhắc đến ở trên. Cải cách môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư là ưu tiên lớn nhất của Việt Nam trong giai đoạn hiện tại. Và rõ ràng, dư địa chính sách và động lực tạo ra từ “cải cách mở cửa” - cụ thể là tạo nền tảng cho các thiết chế thị trường, mở rộng quyền tự do kinh doanh của người dân, hội nhập thương mại quốc tế, khai thác các vốn tài nguyên, vốn lao động chi phí thấp cho giai đoạn đầu công nghiệp hóa - đã hoàn thành vai trò của nó.

Trong giai đoạn tiếp theo, bước vào kỷ nguyên kinh tế số, cải cách cần tập trung vào môi trường kinh doanh và đầu tư. Khi tài nguyên, lao động giá rẻ không còn là lợi thế, thì chỉ có môi trường kinh doanh minh bạch, hệ thống chính sách và pháp lý rõ ràng, ổn định; các thiết chế tòa án, tư pháp và giải quyết tranh chấp hiệu quả để bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính mới là “lợi thế cạnh tranh” của Việt Nam trong khu vực. Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng mở và trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp, địa phương đồng thời giảm tải các bước xin phép và quyết định - nếu được thực thi hiệu quả sẽ giúp nâng cao các yếu tố môi trường kinh doanh nói trên. Và Luật PPP, với các cơ chế chặt chẽ hơn để quản lý tài sản nhà nước (như loại bỏ hình thức đổi đất lấy hạ tầng - BT, kiểm toán ở các giai đoạn phù hợp) mà vẫn bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư (thông qua cơ chế chia sẻ rủi ro, bình đẳng khi đàm phán hợp đồng và lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp), hy vọng sẽ tạo động lực để thu hút đầu tư tư nhân, góp phần giải quyết nút thắt cổ chai của nền kinh tế (thiếu đường, thiếu điện) cũng như nâng cao phúc lợi cho người dân (cung cấp dịch vụ nước sạch, y tế, giáo dục).

Một điểm nhấn nổi bật trong hoạt động lập pháp ở Kỳ họp thứ Chín đó là vai trò của các đại biểu Quốc hội và các Ủy ban trong đóng góp chính sách đã có những dấu ấn vô cùng rõ nét. Đơn cử, chuyên gia và cử tri nhiều lần đề xuất loại bỏ Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) ra khỏi hợp đồng PPP. Trong bản thảo đầu tiên, dự Luật PPP đã thể hiện như vậy nhưng sau đó đa số bộ, ngành vẫn muốn giữ BT và các dự thảo tiếp theo của Luật PPP vẫn duy trì hình thức này. Dù vậy, sự đồng thuận và kiên định của các đại biểu Quốc hội cũng như của Ủy ban Kinh tế đã mang lại thành công trong việc thuyết phục Quốc hội “khai tử” BT, đáp ứng mong đợi lớn lao của cử tri về minh bạch trong đầu tư công và bảo vệ công sản quốc gia.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là sự thành công của “nghị trường trực tuyến”. Lần đầu tiên thí điểm nhưng giai đoạn đầu “họp online” đã diễn ra suôn sẻ và bảo đảm được hiệu quả làm việc của đại biểu, của Quốc hội. Thành công này sẽ là cú huých để Quốc hội ứng dụng công nghệ mạnh mẽ hơn vào đổi mới hoạt động nghị trường. Hy vọng tương lai, cử tri có thể tham gia tương tác sâu rộng hơn với người đại diện của mình thông qua các phương tiện công nghệ. Các phiên chất vấn, giải trình tại các ủy ban cũng có thể “online” nhiều hơn, thu hút các tổ chức xã hội, nhóm cử tri, nhóm lợi ích và cộng đồng chuyên gia, từ đó giúp nâng cao hoạt động giám sát và xây dựng chính sách của Quốc hội.

Covid là một thử thách toàn cầu. Năng lực thích ứng của quốc gia là tài sản quan trọng nhất trong một môi trường toàn cầu biến động và nhiều rủi ro. Và năng lực đó trước hết đến từ những thành công trên nghị trường Quốc hội.

 

Hà Lan