Sức mạnh nội sinh

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 08:14 - Chia sẻ
Phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải khẳng định, văn hóa, giáo dục luôn được địa phương quan tâm và đầu tư kịp thời, bảo đảm chất lượng trong thời gian dài, từ đó tạo nên sức mạnh nội sinh, sự cố kết cộng đồng.

Là một tỉnh đồng bằng ven biển, thuộc khu vực Nam đồng bằng sông Hồng, Thái Bình là nơi hội tụ và lan tỏa các sắc thái văn hóa, văn minh của vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, trong đó nổi tiếng là nghệ thuật hát chèo. Thái Bình còn là đất hiếu học, với hàng trăm trí thức đại khoa thời Nho học đã được bảng vàng, bia đá lưu danh, trong đó nhiều người đã trở thành danh nhân đất Việt, tiêu biểu như nhà bác học Lê Quý Đôn. Đây cũng là miền quê giàu truyền thống cách mạng… Chính bởi những điểm này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã chọn Thái Bình là một trong hai địa phương để thực hiện giám sát chuyên đề năm 2020 về khu vực đồng bằng Bắc bộ đối với các lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

Hệ thống di sản phong phú

Theo báo cáo, toàn tỉnh hiện có 2 di tích quốc gia đặc biệt (chùa Keo và đền Trần), 115 di tích quốc gia và 565 di tích cấp tỉnh; đã đưa 2.969 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo vào danh mục kiểm kê di tích. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại 5/8 huyện, thành phố là Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Hưng Hà, Vũ Thư, TP Thái Bình; đang thực hiện kiểm kê tại hai huyện Kiến Xương và Tiền Hải. Đáng chú ý, tỉnh có hai loại hình nghệ thuật dân gian nổi tiếng là hát chèo và múa rối nước, trong đó đang lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa chèo Khuốc vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thái Bình cũng là địa phương có nhiều lễ hội lớn, với 693 lễ hội, trong đó 2 lễ hội được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh (Lễ hội đền Trần, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch 21.3), 9 lễ hội được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội được tăng cường; hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều đợt kiểm tra để kịp thời nhắc nhở và chấn chỉnh những sai phạm, thiếu sót.

Các thành viên Đoàn giám sát đều cho rằng, các di sản, truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng là một thế mạnh của Thái Bình, và nếu được khai thác, phát huy đúng hướng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho tỉnh phát triển. Tuy vậy, như Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình Trương Thị Hồng Hạnh thừa nhận, hệ thống di sản phong phú vừa là lợi thế vừa là thách thức với địa phương. Nếu di sản được phát huy tốt sẽ là động lực để phát triển, song thách thức đặt ra là làm sao đủ sức để quản lý tốt và khai thác hiệu quả nó. Ngay như việc tu bổ, tôn tạo di tích, bên cạnh ngân sách nhà nước, mỗi năm tỉnh còn huy động được 30 - 40 tỷ đồng xã hội hóa (riêng huyện Quỳnh Phụ huy động được 20 - 25 tỷ đồng/năm), nhưng cũng chỉ tập trung vào các di tích lớn. Nhiều di tích bị xuống cấp, không huy động được nguồn lực để tu bổ, tôn tạo, như chùa Bến (xã Thụy Trường, Thái Thụy), đền Buộm (Tân Tiến, Hưng Hà)…

Hay việc chậm thực hiện xếp hạng, khoanh vùng, cắm mốc di tích dẫn đến di tích bị xâm hại, lấn chiếm. Hiện mới có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích quốc gia và 190 di tích cấp tỉnh có bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích; các di tích còn lại chỉ có trích lục bản đồ hoặc bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích không đầy đủ con dấu, chữ ký theo đúng quy định (do xếp hạng trước khi Nghị định số 18/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành).

Đoàn giám sát khảo sát tại khu di tích lịch sử văn hóa Đình, đền, bến tượng A Sào, huyện Quỳnh Phụ  

Nền tảng vững chắc để phát triển

Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải, tuy có quy mô nền kinh tế nhỏ nhưng Thái Bình tự tin khẳng định các vấn đề xã hội nói chung, trong đó có văn hóa, giáo dục, luôn được quan tâm và đầu tư kịp thời, bảo đảm chất lượng trong thời gian dài, tạo nên sức mạnh nội sinh cho địa phương. Bằng chứng là Thái Bình đã có nghị quyết chuyên đề về văn hóa, thể hiện quan điểm phát triển kinh tế đi đôi với văn hóa, con người. Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải cho rằng, tiềm năng của địa phương còn rất nhiều, thời gian tới tỉnh sẽ quan tâm hơn, động viên sức sáng tạo trong nhân dân.

“Đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa, xã hội luôn là định hướng phát triển của tỉnh. Trong nhiệm kỳ tới, song song với phát triển kinh tế, Thái Bình sẽ đề ra các chiến lược cho văn hóa, xã hội, sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển cụ thể cho từng lĩnh vực; tạo dựng môi trường năng động, cởi mở để người dân phát huy khả năng, sức sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển địa phương” - Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải cho biết

Qua giám sát, các đại biểu cũng có chung nhận xét, Thái Bình đã quan tâm, có nhiều chính sách đặc thù để bảo tồn, phát huy các giá trị của các di sản văn hóa, cố gắng để giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được được quan tâm phát triển và dần đi vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân trên địa bàn. Các thiết chế văn hóa được xây dựng đồng bộ và đều khắp...

 Nhưng như Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình nói, “chúng tôi kỳ vọng Thái Bình có thể làm tốt hơn, với lợi thế về điều kiện thiên nhiên, văn hóa và nguồn nhân lực sẵn có”. Nhiều đại biểu gợi ý, Thái Bình có thể khai thác hệ thống di sản văn hóa phong phú để tạo ra các sản phẩm đặc trưng phát triển du lịch, trong đó xác định rõ thế mạnh của địa phương, kết hợp các giá trị, thu hút nhà đầu tư lớn… Nhấn mạnh đặc thù của văn hóa, con người là chiều sâu, giá trị đích thực, chứ không phải hình thức, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình mong muốn những giá trị văn hóa truyền thống sẽ ngấm vào con người Thái Bình, tạo ra nền tảng bền vững để phát triển. “Tôi không nghĩ Thái Bình không thể phát triển du lịch, nhưng phát triển du lịch sẽ không dễ. Tỉnh có thể tính đến du lịch văn hóa, đẩy giá trị các di sản văn hóa lên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.

Nguyên Anh