Sinh kế bền vững

- Thứ Hai, 15/06/2020, 10:36 - Chia sẻ
Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch (Bắc Giang) chia sẻ, bà cảm nhận được sự trăn trở của cơ quan soạn thảo khi đọc Dự án số 03 về phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị - 1 trong 10 dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 vừa được Quốc hội thảo luận cuối tuần trước.

Trăn trở là bởi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là địa bàn có điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, trình độ phát triển kinh tế - xã hội chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ người nghèo cao nhất thì việc đề xuất trồng cây gì, nuôi con gì, làm dịch vụ gì để có hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tạo sinh kế bền vững cho người dân là một câu hỏi không dễ trả lời.

Dự án 03 đề xuất hỗ trợ một khoản kinh phí để người dân ở từng địa phương thuộc diện thụ hưởng chính sách xây dựng mô hình phù hợp với đồng đất, tập quán, nơi mình sinh sống, nếu hiệu quả thì nhân rộng, khuyến khích, hỗ trợ mô hình khởi nghiệp. Sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ mang tính chất hướng dẫn, chủ yếu xây dựng mô hình để người dân tham khảo và mô hình này theo miền, vùng chứ không phải một mô hình cho toàn quốc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định, điểm mới trong Chương trình này là Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ cho vay đến các dự án tạo sinh kế cho đồng bào, khuyến khích sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc đi đôi với phát triển du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo ra sản phẩm khác biệt, độc đáo riêng có của vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

“Đó là một đề xuất có tính thực tiễn và khả thi. Với phương châm dân cần, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi, chắc chắn sẽ phát huy được tính sáng tạo của nhân dân”, đại biểu Leo Thị Lịch khẳng định. Dù vậy, cũng giống như một số dự án thành phần khác và thậm chí, với cả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tính thực tiễn và khả thi bị đe dọa rất lớn bởi nguồn lực hạn hẹp.

Đúng là, luôn có muôn vàn khó khăn trong mỗi chính sách tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhưng cũng không phải là không có những mô hình thành công. Như mô hình chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh đã được đánh giá là điển hình trong phát triển sản phẩm theo chuỗi của vùng dân tộc thiểu số. Hay như với vùng núi khó khăn của huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, “trước kia là một vùng nghèo khó lắm, nhưng nhờ có vải thiều phù hợp với đồng đất, nay người dân đã đỡ khổ, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ đói nghèo vươn lên từ mô hình này mà ngày nay đã trở thành tỷ phú từ cây vải thiều”.

Mục tiêu và phương thức thực hiện Dự án 03 là đúng đắn, đặc biệt là việc xác định rất rõ “đầu tư trồng cây gì, nuôi con gì, làm dịch vụ nghề gì có hiệu quả là do địa phương và người dân quyết định. Đúng như phương châm đã xác định, dân cần, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi, Nhà nước hướng dẫn, cung cấp thông tin chứ không quyết định thay người dân”. Đây cũng là phương châm được đúc rút từ những bài học không thành công về sự áp đặt theo ý chí chủ quan của Nhà nước khi thực hiện các chính sách hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhưng nói thì đơn giản. Việc phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đòi hỏi phải có sự nghiên cứu toàn diện, đánh giá thấu đáo và cần có sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất của chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Cũng cần xác định rất rõ, để xây dựng được một mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị thành công sẽ phải mất nhiều năm, nhiều công sức. Trong đó, một khó khăn rất lớn của sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu ra cho sản phẩm rất bấp bênh, điều kiện giao thương khó khăn nên người dân và doanh nghiệp chưa tìm đến nhau hoặc có tìm nhưng cũng chưa thật mặn mà duy trì mối liên kết lâu dài, bền vững.  Vì thế, cần lựa chọn nội dung trọng điểm, cấp thiết để ưu tiên thực hiện ngay từ năm đầu của giai đoạn. Với Nhà nước, cần có chính sách hỗ trợ mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người dân để bảo đảm đúng định hướng doanh nghiệp đi đầu, dẫn dắt bà con. Nhà nước nên có giải pháp hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp để tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp. Thậm chí, cần nghiên cứu để triển khai thêm một tiểu dự án trong Dự án 03 về tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, phải bảo đảm sự kết nối giữa Dự án 03 với các dự án xây dựng hạ tầng thiết yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là các dự án đường giao thông, điện lưới... bởi đây chính là điều kiện nền tảng để thúc đẩy sản xuất, đưa được hàng hóa của đồng bào đến với thị trường.

Hải Lam