HĐND TP Hà Nội thảo luận kinh tế - xã hội:

Quyết tâm không để dịch bệnh bùng phát trở lại

- Thứ Hai, 13/07/2020, 15:15 - Chia sẻ
Tại Kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hà Nội Khóa XV, các đại biểu HĐND TP Hà Nội thảo luận tình hình thực hiện kinh tế xã hội tại hội trường.

Phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin trong phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu khai mạc phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Vân Hoa - GS. TS- Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ đồng tình với báo cáo thẩm tra của các Ban và nghị quyết về kết quả thực hiện phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm và những thành công trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua của Thành phố.

Trước tình hình kinh tế thế giới đang có những diễn biến phức tạp về đại dịch Covid-19, trong nước tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch tới tốc độ tăng trưởng kinh tế nhất là trong quý 3/2020, nên để phát huy mọi nguồn lực và quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu kép, kiên quyết không để dịch bệnh quay lại xóa đi thành quả TP đã đạt được, Hà Nội đề nghị Thành phố cần quan tâm một số vấn đề.

Cụ thể, thứ nhất, về mục tiêu tăng trưởng, cần cân nhắc điều chỉnh 2 chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP và tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu. Với các kịch bản tăng trưởng đã được phân tích, khả quan nhất, nếu dịch bệnh trên thế giới được khống chế vào giữa quý 3, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 của Hà Nội chỉ đạt 5,9 % (cả nước tăng trưởng 5,2%), hiện nay bối cảnh KT-XH còn nhiều diễn biến phức tạp nên 6 tháng đầu năm Hà Nội chỉ đạt 3,39%. Để đạt kế hoạch 7,5%, cần có tốc độ tăng trưởng trên 8,5% trong quý 3 và 4.

"Đây là điều vô cùng khó khăn vì tác động dịch bệnh sẽ có độ trễ, nên cần điều chỉnh chỉ tiêu này để không tạo ra sức ép cho phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng qua cũng tăng trưởng âm, nên điều chỉnh cho phù hợp, vừa tạo động lực cho các bộ ngành và DN", đại biểu nêu.

Về giải pháp tăng trưởng, Hà Nội cần quan tâm 2 giải pháp để phát huy yếu tố thành công trong đại dịch vừa qua. Thứ nhất, cần duy trì phát huy các lợi thế của ứng dụng CNTT, đẩy nhanh chuyển đổi số, khuyến khích các sở ngành tiếp tục ứng dụng CNTT trong hội họp, giải quyết TTHC nhằm tiết kiệm chi phí cho người dân; tăng cường tuyyên truyền cung cấp thông tin các giải pháp và chính sách điều hành phát triển kinh tế của Chính phủ và TP một cách công khai, minh bạch đến từng người dân, DN để tạo nên quyết tâm của toàn hệ thống chính trị.

Thứ ba, các trường học, bệnh viên, cơ sở y tế cần tiếp tục phát huy thành quả ứng dụng CNTT, xây dựng chuẩn hóa bài giảng trực tuyến, đầu tư chuẩn hóa hạ tầng kỹ thuật CNTT trong dạy và học, đào tạo nâng cao năng lực CNTT cho giáo viên. Các cơ sở y tế cũng cần đầu tư xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa, cập nhật hoàn thiện hệ thống dữ liệu sức khỏe của người dân, chuẩn bị sẵn các phương án để chăm sóc sức khỏe người dân và nhất cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch trên hệ thống nền tảng số.

Bên cạnh đó, cần khai thác và phát huy các động lực phát triển kinh tế mới bằng cách đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. TP cần ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật số và đưa ra chính sách riêng có của Hà Nội để phát triển lĩnh vực này cũng như kiến nghị Chính phủ về cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới này phát triển.

Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển

Tiếp tục thảo luận, cơ bản nhất trí với các dự thảo báo cáo của UBND TP, ĐB Phạm Đình Đoàn (Tổ ĐB Hoàng Mai) cho rằng, Hà Nội là một trong những nơi có tốc độ phát triển nhanh nhất cả nước và là điểm sáng trong chỉ đạo điều hành trước tác động “rung lắc” bất thường của KTXH, được các DN, Nhân dân tin tưởng, và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Song trước sức ép của cạnh tranh, cộng thêm cú sốc Covid-19 đã khiến nhiều DN chao đảo.

Vừa qua, Quốc hội, Chính phủ cũng như TP đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ DN. Tuy nhiên, tỷ lệ các DN tiếp cận thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này còn thấp. Vì vậy, ĐB Phạm Đình Đoàn đề xuất tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thúc đẩy để các DN phát triển, nhất là ở cấp sở, ngành, quận, huyện TP. Các DN cần nhất là được hỗ trợ về cơ chế. Điều này đặt ra trách nhiệm, công tâm, sáng tạo của các cơ quan và từng công chức là chìa khóa để tạo nên động lực tích cực.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các DN giảm chi phí sản xuất kinh doanh đầu vào như giảm giá điện, giảm phí cầu đường, không điều chỉnh giá năm nay đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất do Nhà nước quản lý.

ĐB Phạm Đình Đoàn cũng cho rằng, TP cần đánh giá lại quỹ đất để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, theo hướng mang lại giá trị cao, phù hợp với môi trường đô thị. Đẩy nhanh việc thành lập các cụm công nghiệp theo quy hoạch, đẩy nhanh xây dựng hạ tầng để sớm có mặt bằng thu hút các DN. “Đón làn sóng đầu tư trong và ngoài nước với chiến lược là đón cả đại bàng lẫn chim sâu” – ĐB Phạm Đình Đoàn nói.

TP nên thành lập các cơ quan giám sát tiến trình cắt giảm các rào cản kinh doanh. Cơ quan này của TP đóng vai trò độc lập, có tiếng nói quyết định, không tham gia quản lý, không có DN sau lưng, không thực hiện cấp phép mà chỉ thực hiện rà soát chất lượng các văn bản và phải là những nhà chuyên môn giỏi và thực sự công tâm.

Ngoài ra, TP xây cần xây dựng chiến lược phát triển tổng thể, các cơ chế đặc thù của TP phải được cụ thể hóa bằng các kế hoạch, tổ chức lại không gian kinh tế hợp lý, kết nối hiệu quả liên kết hợp tác vùng, tận dụng cơ hội chủ động tìm kiếm các mô hình phát triển mới… Đối với các nhà đầu tư, chính sách ưu đãi chưa phải là quan trọng nhất nhưng khi cân nhắc lựa chọn giữa các địa phương, các nhà đầu tư luôn quan tâm đến việc hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Do đó, ĐB Phạm Đình Đoàn cho rằng TP nên xem xét các chính sách hỗ trợ DN như tiền thuê đất, xây dựng ký túc xá, đào tạo nguồn nhân lực…Cuối cùng, TP cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, xây dựng thành công chiến lược phát kinh tế số và trí tuệ nhân tạo; tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp và tạo ra chính quyền thân thiện.

PHI LONG