Phải giảm được chi phí cho người lao động

- Chủ Nhật, 21/06/2020, 05:59 - Chia sẻ
Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua đã được chuẩn bị khá tốt, nhiều nội dung đã tiếp cận các tiêu chuẩn lao động quốc tế và giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra trong bối cảnh mới.

 Ngọ Duy Hiểu
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Tuy nhiên, dự thảo Luật cần thiết kế thêm các quy định để giảm được chi phí cho người lao động và tránh được tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Hầu hết đối tượng đi xuất khẩu lao động đều là nông dân, do kinh tế khó khăn nên mới phải mưu sinh bằng việc tìm kiếm việc làm mới ở một quốc gia khác. Nếu chúng ta không quy định một cách chặt chẽ trong luật và nhất là ở khâu tổ chức thực hiện, khâu quản lý không tốt thì người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vốn đã khốn khó sẽ càng khốn khó hơn do phải trả chi phí rất lớn, đặc biệt là bị lừa đảo. Hiện nay, những vụ việc lừa đảo đã giảm nhưng vẫn còn và khiến cử tri lo lắng. Do đó, dự luật phải quan tâm thiết kế vấn đề này. Tổ chức Lao động quốc tế cũng đã khuyến nghị chúng ta cần giảm thiểu và hướng tới loại trừ phí cho người lao động.

Một yêu cầu quan trọng nữa là phải có chính sách hợp lý và hài hòa giữa khuyến khích xuất khẩu lao động với chính sách chuẩn bị nguồn nhân lực để phát triển đất nước. Thực tế hiện nay, ở trong nước đã có tình trạng thiếu lao động cục bộ, ở một số ngành kỹ thuật cao là thiếu thường xuyên, thiếu triền miên. Ngay cả lao động phổ thông ở một số vùng, một số miền trong những thời điểm cụ thể cũng đã bị thiếu. Do vậy, phải có chính sách rất hài hòa, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang già hóa dân số và hiện nay, sau đại dịch Covid-19, một làn sóng đầu tư nước ngoài đang vào nước ta thì việc phải có nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết. Muốn vậy, trước hết, chúng ta phải rất là hài hòa về mặt chính sách. Có một thời gian chúng ta rất quan tâm đến việc khuyến khích xuất khẩu lao động để có thêm việc làm cho người lao động và góp phần phát triển đất nước. Nhưng rõ ràng, cũng có rất nhiều câu chuyện không thể không suy nghĩ. Rất nhiều gia đình phải "chia đàn xẻ nghé". Nhiều trẻ em không được chăm sóc đến nơi đến chốn. Nhiều lao động sau khi đi nước ngoài về có một khoản tiền sau đó sử dụng không đúng mục đích thì cuộc sống cũng chưa chắc đã tốt hơn… Tất nhiên, bất kỳ ngành nào cũng đều có rủi ro nhưng chúng ta phải đặt ra trong tổng thể các chính sách về xây dựng nguồn nhân lực để phát triển đất nước. Vì thế, Điều 4 về chính sách của Nhà nước, tôi đề nghị phải có thêm 1 chính sách nữa, đó là, có chính sách phù hợp để vừa tạo điều kiện cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng vừa phải bảo đảm nguồn lao động cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu một cách mạnh dạn xem có bỏ được việc gia hạn giấy phép hay không. Gia hạn giấy phép thì đương nhiên là 1 thủ tục hành chính. Nếu bây giờ quy định các điều kiện và khi nào không đủ điều kiện để thu hồi giấy phép rồi thì có cần phải quy định vấn đề gia hạn nữa không? Bởi vì khi gia hạn, hết một chu kỳ thì doanh nghiệp phải làm thủ tục để được gia hạn và đương nhiên là 1 thủ tục xin - cho. Phải cân nhắc rất kỹ và phải đánh giá tác động xem về mặt quản lý nhà nước có khó khăn gì không, lợi ích mang lại cho doanh nghiệp, cho người lao động như thế nào?

Bây giờ có nhiều doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã hoạt động bài bản, quy củ hơn. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những doanh nghiệp không làm hết trách nhiệm, bỏ mặc số phận của người lao động. Cứ thu được tiền là thôi, mặc kệ người lao động, rất đau xót. Thực tế, hầu hết người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vừa qua đều gặp 2 khó khăn: đầu tiên là khó khăn về kinh tế; tiếp theo là về kiến thức, hiểu biết, sự từng trải đối với đất nước tiếp nhận lao động. Vì thế, để người lao động tự bảo vệ quyền lợi của mình là rất khó khăn. Cần tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước và các chủ thể khác trong xã hội đối với người lao động. Điều quan trọng nữa chính là phải quy định một hành lang pháp lý để tăng cường sự giúp đỡ, hỗ trợ cho người lao động, tránh việc người lao động mất tiền, “mất cả chì lẫn chài”…  

Q. Chi ghi