Nộp hồ sơ qua mạng còn phức tạp

- Thứ Ba, 28/05/2019, 08:30 - Chia sẻ
Doanh nghiệp không tìm thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử của tỉnh hay của bộ và vẫn có xu hướng nộp hồ sơ giấy vì nhiều khi nộp qua mạng còn phức tạp hơn. Đây là kết quả khảo sát được công bố tại Hội thảo chuyên đề “Đánh giá chi phí thực hiện thủ tục hành chính (APCI)” do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức sáng qua.

Không tìm thủ tục trên cổng thông tin của tỉnh, bộ

Trình bày kết quả khảo sát, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết, hầu hết doanh nghiệp tìm hiểu thông tin liên quan đến các thủ tục hành chính thông qua việc học hỏi kinh nghiệm từ doanh nghiệp trước đó và trên internet. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tìm kiếm thông tin này thông qua các cán bộ đầu mối ở cơ quan quản lý. “Không có doanh nghiệp nào nói với chúng tôi rằng tìm hiểu thông tin về thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử của tỉnh hay của bộ - nơi công bố công khai danh mục thủ tục hành chính dễ quan sát, dễ thực hiện”, bà Thủy nói.


Nhiều thủ tục thiếu rõ ràng, gây tình trạng tùy nghi khi áp dụng

Khảo sát tập trung chính vào 3 nhóm về nhà thuốc, an toàn thực phẩm, xuất nhập khẩu và kiểm tra chuyên ngành. Liên quan khâu chuẩn bị hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính, hầu hết doanh nghiệp thuộc nhóm nhà thuốc và an toàn thực phẩm trực tiếp làm; trường hợp thành phần hồ sơ được quy định, mô tả không rõ ràng hoặc không có mẫu, doanh nghiệp mất cả tháng mới hiểu và tìm được cách thức chuẩn bị hồ sơ. Ngược lại, ở nhóm xuất nhập khẩu và kiểm tra chuyên ngành, thuê dịch vụ lại là xu hướng, bởi “việc khai hải quan rất kỹ thuật, những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xuất nhập khẩu thực sự là thách thức với doanh nghiệp chủ hàng”.

Về khâu nộp hồ sơ, mặc dù hiện nay nhiều cơ quan đã áp dụng nộp qua mạng song doanh nghiệp vẫn có xu hướng nộp bản giấy. Lý do bởi vẫn còn lẫn lộn giữa điện tử và giấy ở tất cả thủ tục hành chính, nhiều khi nộp qua mạng còn phức tạp hơn.

Những phản ánh của doanh nghiệp được cán bộ, công chức thừa nhận. Trong đó, thiếu nhân lực là một trong những bài toán đang đặt ra đối với nhiều cơ quan quản lý hiện nay. Bên cạnh đó, một số quy định còn mang tính hình thức, chưa sát yêu cầu, mục tiêu quản lý. Một số quy định không cụ thể, thiếu rõ ràng gây ra tình trạng tùy nghi khi áp dụng.

“Không dám đi du lịch vì sợ bị phạt”

 Năm 2019, việc khảo sát đánh giá chi phí thực hiện thủ tục hành chính (APCI) được thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Hải Phòng, Quảng Ninh. Trước đó, năm 2018, qua khảo sát hơn 3.000 doanh nghiệp, trong số 8 nhóm thủ tục hành chính được xếp hạng, đứng đầu là nhóm thủ tục hành chính thuế với chi phí tuân thủ hơn 73.000 đồng; thời gian thực hiện trung bình của doanh nghiệp cho một thủ tục trong nhóm này chỉ là 2,9 giờ làm việc. Xếp sau cùng là nhóm thủ tục xây dựng với chi phí tuân thủ 64,1 triệu đồng (gấp 869 lần ngành thuế, hơn 5 lần trung bình các nhóm khác); thời gian thực hiện trên 108 giờ.

Để minh chứng cho những quy định thiếu rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đại diện đoàn khảo sát lấy dẫn chứng: Liên quan cấp mới và duy trì giấy chứng nhận thực hành tốt quản lý nhà thuốc (GPP), trong thành phần hồ sơ không quy định quy trình nghiệp vụ chuẩn, song trong biểu chấm điểm GPP lại có điểm về quy trình này khiến cả cán bộ lẫn doanh nghiệp không biết quy trình đó đến từ đâu!

Trên thực tế, GPP có thời hạn trong 3 năm, nhưng trong 1 năm, doanh nghiệp tại 4/6 tỉnh, thành phố được khảo sát cho biết vẫn phải đón tiếp 3 - 4 đoàn kiểm tra, trong đó có những cuộc kiểm tra nội dung tương tự nhau. Việc phân loại vị trí cụ thể trong quầy thuốc cũng không có hướng dẫn cụ thể, khiến mỗi doanh nghiệp sắp xếp theo kinh nghiệm khác nhau và dễ bị phạt. Thêm vào đó, quy định dược sĩ chuyên môn phải có toàn thời gian ở hiệu thuốc, điều này tránh tình trạng cho thuê bằng song lại gây ra những trở ngại khác. “Có dược sĩ mở quầy thuốc nhỏ cho chính mình, trước đây mỗi năm có thể đi du lịch cùng gia đình một vài lần, nhưng vì quy định này cộng với việc một năm phải đón 3 - 4 đoàn thanh kiểm tra bất kỳ khiến vị dược sĩ này không dám đi du lịch nữa, nếu không sẽ bị phạt”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho hay.

Hay trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đại diện đoàn khảo sát thông tin, có doanh nghiệp ở Đà Nẵng phản ánh khi nộp hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận, cơ quan quản lý yêu cầu nộp hóa đơn tính tiền nước trong tháng gần nhất để chứng minh doanh nghiệp có đủ nguồn nước sạch bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cho rằng chưa có giấy chứng nhận thì chưa thể hoạt động, vậy lấy đâu ra hóa đơn tiền nước! Thêm nữa, việc xử phạt trong lĩnh vực này cũng thiếu công bằng giữa đơn vị có xu hướng tuân thủ cao với đơn vị không quản lý được mức độ tuân thủ (siêu thị và chợ). Theo đó, ở chợ không cần điều hòa, nhiệt kế… nên không bị phạt, song ở siêu thị, nếu chẳng may đoàn kiểm tra đến đúng lúc cái điều hòa bị hỏng sẽ bị phạt.

Cải cách thủ tục phải gắn với điện tử hóa

Từ thực tế hiện nay, doanh nghiệp, cán bộ công chức kiến nghị cải cách thủ tục hành chính phải gắn với điện tử hóa một cách đồng bộ, liên thông. Có vậy mới giảm thời gian, công sức, tham nhũng vặt. Cùng với đó, phải cắt giảm quy định và hồ sơ không cần thiết, không gắn với mục tiêu quản lý nhà nước. Đồng thời, cân nhắc xu hướng quản lý dịch vụ công cho doanh nghiệp theo cơ chế “phục vụ - dịch vụ” với các mức giá dịch vụ khác nhau, thay vì ấn định một mức phí như hiện tại để tạo động lực cho các bên liên quan và minh bạch hóa chi phí cần thiết. Công tác truyền thông chính sách liên quan quy trình, thủ tục cần được đẩy mạnh. Đây là bài toán không quá tốn nguồn lực đầu tư nhưng mang lại hiệu quả nhanh nhất…

Ông Nguyễn Tương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam bổ sung, qua thực tiễn, vấn đề cán bộ, công chức có đủ năng lực để thực thi công việc là một yêu cầu rất quan trọng. Song, quan trọng hơn cả là phải có đạo đức. Ông nhấn mạnh, nhiều cán bộ có năng lực rất tốt, nhưng vì lợi ích nên họ sẵn sàng làm khó doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đại diện doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, không thể vỗ tay bằng một bàn tay. Do vậy, phía doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu các thủ tục hành chính trước khi đến làm việc với cơ quan quản lý. Chỉ khi Nhà nước và doanh nghiệp đồng hành, chia sẻ thì những khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính mới dần được gỡ bỏ.

Đan Thanh