Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Nghiên cứu thấu đáo, bám sát thực tế

- Thứ Sáu, 19/06/2020, 10:47 - Chia sẻ
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tiếp cận theo hướng tích hợp tất cả giấy phép xả thải, cấp đăng ký chủ nguồn thải trong Luật hiện hành vào quy trình một giấy phép môi trường để giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính. Ghi nhận hướng tiếp cận này, song nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chỉ rõ những vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo, góp phần bảo đảm tính khả thi của chính sách này.

Cách tiếp cận tích cực

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và một số luật liên quan (Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Thủy lợi năm 2017), sau khi được phê duyệt và trước khi dự án vận hành chính thức, ngoài thực hiện các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường, chủ dự án phải tiến hành nhiều thủ tục hành chính về môi trường và lĩnh vực liên quan (phải xin 7 loại giấy phép). Để bảo đảm quản lý chặt chẽ, thống nhất vấn đề này và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, dự thảo Luật quy định về giấy phép môi trường để lồng ghép, tích hợp các loại thủ tục hành chính nêu trên.

 

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Yến (Phú Thọ) phát biểu tại hội trường chiều 18.6

Ảnh: Q. Khánh 

Việc tích hợp tất cả các quy trình, thủ tục xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy phép, giấy cấp phép xả thải, cấp đăng ký chủ nguồn thải trong Luật hiện hành vào một quy trình, một giấy phép môi trường như vậy được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Theo ĐBQH Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng), về cơ bản, đây là một cách "tiếp cận tích cực". 

Nhưng nhiều vấn đề đã được các ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)… phân tích để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của việc tích hợp 7 giấy phép vào một giấy phép môi trường. Bởi không khó để thấy kết cấu và nội dung của Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường được quy định tại Điều 47, dự thảo Luật khá phức tạp và có nhiều nội dung trùng lặp với báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Điều 41. Sự trùng lặp này gây lo ngại sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính.

Hơn nữa, thời điểm xem xét cấp giấy phép môi trường được quy định tại Điều 48, dự thảo Luật là trước khi dự án đầu tư vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải; hoặc trước khi cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản như giấy phép khai thác khoáng sản, kế hoạch phát triển mỏ, báo cáo nghiên cứu khả thi quyết định đầu tư dự án tại các Điểm a, b, c, d, Khoản 8, Điều 43; hoặc giấy phép xây dựng tại Điểm b, Khoản 2, Điều 46, dự thảo Luật. Quy định như vậy, theo một số ĐBQH, là chưa thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, chưa logic và khó khả thi trong thực tế.

Trong đó, riêng việc tích hợp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi vào giấy phép môi trường, theo một số ĐBQH, cần cân nhắc kỹ. Bởi quản lý môi trường cho công trình thủy lợi là một khâu trong quy trình quản lý thống nhất, rất đặc thù, đã được quy định tại Luật Thủy lợi năm 2017. Quá trình này khi thực hiện không có vướng mắc, trong đó quản lý xả nước thải từ khâu cấp phép đến khâu kiểm tra, thanh tra, giám sát gắn chặt với công tác quản lý số lượng, chất lượng nước trong hệ thống thủy lợi. Trong khi đó, nếu theo dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ phải tách một khâu cấp phép xả thải ra khỏi quy trình quản lý thủy lợi hiện hành. Cùng với đó, việc chuyển chức năng kiểm tra, thanh tra sau cấp phép về ngành tài nguyên, môi trường có thể gây ra sự cắt khúc về thẩm quyền quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước, lĩnh vực thủy lợi và bỏ sót thẩm quyền quản lý nhà nước của ngành nông nghiệp phát triển nông thôn, ĐB Bùi Thanh Tùng nêu vấn đề.

"Một cửa nhưng có đến... 7 khóa"

Việc tích hợp 7 giấy phép hiện hành vào giấy phép môi trường là một cách tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ. Nhưng việc tích hợp các giấy phép này vẫn khiến ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) băn khoăn vì liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành khác nhau. Việc tích hợp vào một giấy phép như vậy có bảo đảm tiêu chuẩn và kỹ thuật chuyên môn không? Có thực sự thuận lợi cho người dân không, hay chúng ta vẫn giữ "một cửa mà có đến... 7 khóa"? Mặt khác, khi giao một đơn vị vừa cấp phép vừa kiểm tra, thanh tra, thì đây là một quy trình khép kín, có bảo đảm sự khách quan không, ĐB Trần Thị Hoa Ry đặt vấn đề.

Cùng quan điểm này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đánh giá các nội dung để thực hiện cấp một giấy phép môi trường duy nhất này được bao quát đầy đủ, không bỏ sót các hành vi mà theo chính sách này phải được đánh giá, kiểm tra và xử lý nếu có vi phạm. Bởi, nếu bao quát hết hành vi cần được kiểm tra, xử lý nếu có vi phạm về bảo vệ môi trường, sẽ tạo cơ sở pháp lý cho quá trình cấp phép thanh tra, kiểm tra, xử lý sau này, góp phần bảo đảm hiệu quả của chính sách.

 Ngoài ra, nguy cơ có xung đột trách nhiệm, “quyền anh, quyền tôi” cũng được ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai) chỉ ra khi "tích hợp 7 giấy phép" hiện hành vào một giấy phép môi trường như đề xuất của Chính phủ. Bởi trong các giấy phép được đề nghị tích hợp lại có 5 giấy phép ngành tài nguyên - môi trường đã và đang cấp, gộp thêm 2 giấy phép do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp. Nếu xảy ra xung đột trách nhiệm khi tích hợp các giấy phép như vậy, theo đại biểu Định Duy Vượt, sẽ là lợi bất cập hại, gây thiệt hại cho sản xuất, môi trường.

Trên thực tế, Luật Tài nguyên nước năm 2012 quy định theo hướng, trường hợp xả thải vào các công trình thủy lợi sẽ thực hiện theo quy định của Luật Thủy lợi. Đồng thời, Luật Thủy lợi năm 2017 quy định giao cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi, chịu trách nhiệm về chất lượng nước phục vụ tưới tiêu, bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, giám sát, kiểm tra, cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình được quy định tại Luật này. Do vậy, ĐB Đinh Duy Vượt nhận thấy, khi tích hợp các giấy phép hiện hành sẽ phải sửa đồng thời Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước.

Giải trình các vấn đề ĐBQH đưa ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được xây dựng hướng đến mục tiêu có thể thay đổi được tình trạng môi trường ô nhiễm, suy thoái hiện nay. Xây dựng bộ sàng lọc thật tốt đối với các dự án đầu tư mới ở trong nước cũng như từ nguồn vốn nước ngoài, qua đó góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Để không tạo ra những mâu thuẫn, xung đột, chồng chéo trong quản lý, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã làm việc trực tiếp với Bộ trưởng và lãnh đạo của 5 bộ có liên quan đến dự án Luật này. Những vấn đề các ĐBQH quan tâm khi liên quan đến thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông - Vận tải đều được xác định trách nhiệm rõ ràng, đặc biệt là người chịu trách nhiệm trước Quốc hội khi xảy ra vấn đề môi trường.

Việc tích hợp tất cả quy trình, thủ tục xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, giấy phép, giấy cấp phép xả thải, cấp đăng ký chủ nguồn thải trong Luật hiện hành vào một quy trình, một giấy phép môi trường, về mặt lý thuyết sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Nhưng từ lý thuyết đến thực tế luôn là chặng đường dài. Để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra đòi hỏi phải nghiên cứu thấu đáo những vấn đề ĐBQH đã nêu ra. Có lẽ các ĐBQH sẽ chỉ yên tâm với nội dung này khi trong lần trình tới, cơ quan chức năng sẽ giải trình kỹ, đưa ra những biện pháp khắc phục cụ thể, sát với thực tế và có tính khả thi.

Thanh Hải