Góc nhìn

Ngăn chặn trục lợi chính sách

- Thứ Ba, 05/05/2020, 08:20 - Chia sẻ
Sau khi Công an tỉnh Trà Vinh khởi tố, bắt giam 13 đối tượng để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, Thanh tra tỉnh này đã tiếp tục chuyển sang cơ quan điều tra thêm 18 hồ sơ cùng nội dung tương tự. Các đối tượng đã móc nối, lợi dụng chính sách ưu đãi người có công để chuyển nhượng trót lọt hàng trăm hồ sơ đất đai gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách dành cho người có công với cách mạng. Trong đó, Quyết định số 118-TTg ngày 27.2.1996 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở và Quyết định số 117-TTg ngày 25.7.2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 118 về việc hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 cải thiện nhà ở. Đây là chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với người có công. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều đối tượng đã cố tình lợi dụng chính sách này để trục lợi.

Với nhiều thủ đoạn, không ít đối tượng lợi dụng chính sách nhà ở đối với người có công, đã biến đất nông nghiệp do chủ sở hữu đứng tên, sau đó làm hợp đồng chuyển nhượng sang gia đình chính sách. Sau đó, các đối tượng đã tìm cách để gia đình chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đất lên thổ cư, và được miễn thuế 100%. Sau khi được cấp “sổ đỏ”, các đối tượng “cò đất” lại nhờ gia đình chính sách làm thủ tục tặng cho, chuyển nhượng lại cho người mua thật sự. Như vậy, từ đất nông nghiệp đã biến thành đất thổ cư, đất ở nông thôn hay đô thị. Với thủ đoạn này, chủ sử dụng không phải đóng tiền sử dụng đất theo quy định, trục lợi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/hồ sơ.

Mới đây, Thanh tra tỉnh Trà Vinh có kết luận Thanh tra về việc miễn giảm tiền sử dụng đất cho người có công với cách mạng tại 7 huyện. Theo đó, từ năm 2011 đến nay, có tổng số 310 hồ sơ được kiểm tra có sai phạm, gây thất thoát tiền ngân sách nhà nước hơn 11 tỷ đồng. Theo Thanh tra tỉnh Trà Vinh, UBND các huyện có những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm như: Cho đối tượng chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất trong khi đã được hỗ trợ nhà tình nghĩa; xác định mức miễn, giảm tiền sử dụng đất cao hơn so với quy định. Cùng một hộ gia đình chính sách nhưng được giảm 2 lần; thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát để một số cán bộ, công viên chức, nhân viên thiếu gương mẫu và các đối tượng khác lợi dụng để được miễn, giảm tiền sử dụng đất.

Điều đáng nói, để trót lọt được các thủ tục miễn, giảm tiền sử dụng đất, không chỉ có sự tham gia của các “cò đất” mà còn có sự tiếp tay của nhiều cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Trong đó có cả cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký nhà đất, giáo viên, cán bộ cảnh sát… Với việc chuyển nhượng lòng vòng, tiền miễn giảm thuế này “chảy” vào túi những “cò đất”, cán bộ, công chức biến chất. Việc cấu kết giữa chủ đất, cò đất và một số cán bộ có thẩm quyền không chỉ làm méo mó, mất đi ý nghĩa của chính sách nhân văn dành cho người có công mà còn làm ngân sách thất thu khoản tiền không nhỏ. Các đối tượng vi phạm cũng đã bị khởi tố bắt giam và xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, điều đó cho thấy, quá trình thực hiện chính sách cho người có công có nơi còn buông lỏng, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng trục lợi.

Không chỉ có chính sách nhà đất mà nhiều chính sách đối với người có công trước đây cũng đã từng bị trục lợi. Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng rất thẳng thắn, toàn bộ hồ sơ thương binh được lập trong giai đoạn 2015 - 2018 là 66.014 hồ sơ, nhưng qua kiểm tra, Bộ trưởng đã quyết định đình chỉ 2.281 trường hợp hưởng chính sách không đúng như khai man, giả mạo, hồ sơ không đầy đủ... kiến nghị thu hồi 194,78 tỷ đồng. Các cơ quan chức năng cũng truy tố 49 vụ, trong đó có 171 bị cáo, phạt tù 45 người, xử cho hưởng án treo 124 người.

Để chính sách đối với người có công không bị trục lợi, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền để các đối tượng, trong đó có đối tượng thụ hưởng hiểu được hết ý nghĩa của các chính sách nhân văn này. Có như vậy mới tránh tình trạng các đối tượng chính sách bị lợi dụng. Cùng với đó, các cơ quan có thẩm quyền có giải pháp để thanh tra, kiểm tra, giám sát hiệu quả thực thi chính sách này. Đặc biệt, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách người có công. Chính sách phải đến đúng đối tượng thụ hưởng là người có công. Bởi chẳng có lý do gì, chính sách nhân văn với người có công nhưng ai đó lại cứ "chăm chăm" trục lợi.

Lê Hùng