Hơn 500ha rừng trồng từ chương trình “Góp một cây để có rừng”

- Thứ Sáu, 29/03/2024, 21:24 - Chia sẻ

Tính đến tháng 3.2024, VARS đã hoàn thành việc trồng rừng trên hơn 511ha, tương đương với hơn 650.000 cây giống bản địa như lim, dổi, huỷnh, vàng tim, re, lát, xoan...

Hơn 500ha rừng trồng từ chương trình “Góp một cây để có rừng” -0
Rừng cộng đồng bản Kè - điểm khởi đầu của chương trình “Góp một cây để có rừng”

Chương trình “Góp một cây để có rừng” là sáng kiến của Công ty TNHH xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) với hai dự án chính: Trồng và Phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh và sông Thạch Hãn. Mục tiêu chính của chương trình là vận động cộng đồng đóng góp để trồng các loài cây bản địa, gìn giữ và khôi phục rừng tự nhiên với khoản đóng góp 50.000 đồng/cây xanh (chi phí cây giống, phân bón, công trồng, chăm sóc và bảo vệ đến năm thứ 3).

Quảng Bình là điểm khởi đầu của chương trình “Góp một cây để có rừng”. Từ khu rừng đầu tiên tại bản Kè (Tuyên Hóa, Quảng Bình) năm 2021, đến nay chương trình đã mở rộng diện tích rừng trồng tới 21 xã thuộc 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Sơn La.

Tính đến tháng 3.2024, VARS đã hoàn thành việc trồng rừng trên hơn 511ha, tương đương với hơn 650.000 cây giống bản địa như lim, dổi, huỷnh, vàng tim, re, lát, xoan... Thành quả đó có được nhờ sự ủng hộ của hàng nghìn cá nhân cùng các tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ ý tưởng gây quỹ.

Tuy nhiên, việc trồng rừng cũng đang gặp một số thách thức, từ đất đai, thổ nhưỡng, đến tâm lý người dân. Trong đó, đáng chú ý, chưa có hỗ trợ lồng ghép các dự án tạo sinh kế gắn với trồng rừng cây lâm nghiệp bản địa. Tâm lý người dân coi trọng lợi ích trước mắt, không tính đến tính bền vững lâu dài, ví dụ trồng keo thu hoạch nhanh mặc dù hiệu quả không cao và thiếu bền vững…

Hơn 500ha rừng trồng từ chương trình “Góp một cây để có rừng” -1
Ngày 29.3, VARS và UBND huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, phối hợp tổ chức chương trình tham quan mô hình rừng trồng trên địa bàn

Để đạt mục tiêu đến năm 2027 trồng 1.000ha trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam, nhiều ý kiến cho rằng, thiết lập quan hệ đối tác với chính quyền địa phương từ cấp xã đến cấp huyện là yếu tố quan trọng, bảo đảm tính thực thi trong mọi khâu của hoạt động trồng rừng.

Bên cạnh đó, lồng ghép các dự án phát triển các loài cây lâm nghiệp lâu năm (trên 20, 30, 40 năm) với các loài cây đa mục tiêu. Kết hợp với địa phương tuyên truyền, chia sẻ thông tin về giá trị của rừng cây bản địa cho người dân và khuyến khích một sự thay đổi dần khi giành một phần sản xuất keo, nương rẫy để trồng rừng.

TS. Ngô Văn Hồng, Phó Giám đốc VARS cho biết: “Mô hình trồng và phục hồi rừng của VARS được xây dựng dựa trên nền tảng vận dụng tri thức bản địa, đặt người dân ở vị trí trung tâm, đồng thời phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương, các đối tác chuyên môn - kỹ thuật và những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có quan tâm. Để có được một mô hình bền vững, hiệu quả và phù hợp với cộng đồng bản địa là thử thách lớn. Tuy nhiên, chỉ khi thực sự đi vào triển khai và rút kinh nghiệm từ những thiếu sót, dần dần hoàn thiện, chúng ta mới có thể xây dựng một mô hình hiệu quả. Đó là điều VARS đang nỗ lực thực hiện”.

Trong năm thứ 4 của chương trình “Góp một cây để có rừng”, VARS đặt mục tiêu mở rộng thêm 200ha diện tích rừng tại Quảng Bình và Quảng Trị. Ngoài ra, chương trình cũng hướng tới triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong chăm sóc, theo dõi và quản lý rừng, nhằm tối ưu hiệu quả, tối giản chi phí, tập trung nguồn lực cho hoạt động trồng rừng.

Đặc biệt, không dừng lại ở hoạt động trồng rừng, VARS sẽ tiếp tục lan tỏa rộng rãi thông điệp trồng và giữ rừng bền vững, đánh thức ý thức bảo vệ môi trường trong công chúng, vận động mọi người không chỉ đóng góp cho dự án mà còn tự trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng trồng cũng như rừng tự nhiên.

Hơn 500ha rừng trồng từ chương trình “Góp một cây để có rừng” -0

Ngày 29.3, Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi Rừng Việt Nam (VARS) và UBND huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình phối hợp tổ chức chương trình tham quan mô hình rừng trồng và tọa đàm “Xã hội hóa nguồn lực phục hồi rừng đầu nguồn”. Đây là sự kiện khởi đầu cho các hoạt động của chương trình “Góp một cây để có rừng” năm 2024 và hưởng ứng Ngày Quốc tế về rừng (21.3).

Hà Hương
#